Mùa dịch, diễn viên Lê Vinh về quê nhà Hậu Giang chăm sóc vườn cây, quây quần mỗi bữa cơm cùng ba mẹ - Ảnh: NVVC
1 Mùa giãn cách xã hội, lang thang trên mạng tình cờ tôi bắt gặp kênh của vlogger Dianxi Xiaoge. Một clip chỉ dài chừng mười mấy phút với hình ảnh một cô gái thôn quê trắng trẻo, dễ thương. Cô đeo gùi lên triền đồi hái đầy những quả đào mọng nước. Chỉ một loại quả đào cô chế biến bàn ăn với đầy đủ nào đào ngâm, xốt đào, bánh kem đào, đào kho thịt, đào chiên...
Dianxi Xiaoge (Điền Tây Tiểu Ca) được xem là một trong những cô nàng ẩm thực Trung Quốc đang gây chú ý trên thế giới mạng. Trước đó, cô là nhân viên cảnh sát ở Tứ Xuyên, khoảng năm 2016 vì sức khỏe cha cô gặp vấn đề nên Dianxi Xiaoge đã quay về quê nhà Vân Nam để chăm sóc cha.
Để tìm công việc có thu nhập, cô tập tành làm quen với việc làm vlog nấu ăn và đưa trên mạng. Trong lĩnh vực này, cô thường bị so sánh với Lý Tử Thất, người được xem là đi đầu trong việc xây dựng hình ảnh cô gái thôn quê nấu ăn với cây trái, rau củ quê nhà…
Thế nhưng, kênh của Dianxi Xiaoge hiện sở hữu hơn 11 triệu lượt theo dõi trên mạng và các clip của cô ngày càng có nét riêng so với Lý Tử Thất. Điều đọng lại trong mỗi clip không chỉ là cách thức nấu ăn mà còn là sự mộc mạc chân thành và tình cảm gia đình, xóm làng.
Đó là cái cách gia đình cô quây quần bên nhau, là hình ảnh ông bà ngồi bên hiên nói ba điều bảy chuyện với cô cháu gái đang luôn tay rửa rau củ bên sàn nước, là cậu em trai vừa học về chạy vào bếp hít hà mùi thức ăn, là con chó luẩn quẩn suốt bên chân cô chủ, từ triền đồi đến góc bếp. Là cả những tiếng nói, tiếng cười xôn xao với hàng xóm trên con đường làng…
2 Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng làm gia đình tôi về lại quê nhà - một tỉnh miền Tây. Chị ruột tôi làm bệnh viện quân y vì dịch bệnh phải ở bệnh viện cả tháng không thể về nhà, anh rể làm bên quân đội cũng phải làm nhiệm vụ xa nhà. 2 đứa con đang tuổi lớn phải nhờ hết bên ngoại. Bữa cơm nào ba má tôi cũng rưng rưng vì nhớ con, nhớ rể.
Những ngày ở bên nhau hễ có chút va chạm nào là ba má tôi lại nhắc: "Tụi con đừng ai giận hờn ai, mình ở nhà ráng vui, ráng khỏe cho anh, chị con yên tâm. Mình còn được thoải mái ở nhà là phước, tụi nó ngày nào cũng kín mít trong bộ đồ bảo hộ, làm việc cực khổ…".
Vậy đó, dịch bệnh khiến người trong gia đình biết học lại cách nhường nhịn, yêu thương nhau mà trước đây đôi khi những bộn bề cuốn đi nên có lúc chủ quan. Và cũng nhờ học lại cách yêu thương mà bản thân phát hiện mình hình như có lúc lơ là, không chú ý chia sẻ những tâm tư của cha mẹ, con cái. Phát hiện được điều đó cũng là cơ hội để kịp níu cho gần những khoảng cách do ơ hờ mà sinh ra...
3 Khi Sài Gòn trong cơn bệnh trầm kha, rất nhiều người đã rời khỏi thành phố vì không trụ nổi. Những gia đình đùm túm số tài sản ít ỏi trên chiếc xe máy, có những em bé mới sinh 8, 9 ngày cũng vật vã mưa nắng theo cha mẹ về quê. Có những người quá khổ phải chạy xe đạp, thậm chí lội bộ bất chấp nguy hiểm vượt cả trăm, ngàn cây số để về quê nhà.
Về nhà! 2 từ mộc mạc, thân thương như là nơi trú ngụ tâm hồn khi người ta bế tắc, người ta ở cùng cực của số phận. Khi cuộc sống bình yên, người ta đi đông đi tây, đôi lúc chỉ tranh thủ tạt qua nhà. Dịch bệnh khiến người ta hốt hoảng nhận ra mình (có thể) đã lãng phí những giá trị quý giá. Và dù có những sự lựa chọn về nhà ngoài dự định lúc này, nhưng nhà - quê - đó vẫn giang tay đón chờ.
Con virus quái ác khiến một người hôm nay khỏe mạnh, ngày mai có thể mờ nhân ảnh. Mất - còn thật mong manh...
Bữa cơm gia đình trong những ngày dông bão không chỉ là ăn cho no, cho xong. Đó là những giây phút còn nhìn thấy nhau, còn bên nhau. Trận đại dịch khiến cuộc sống đảo lộn, có hoang mang, có sợ hãi, đó nhưng cũng là nốt trầm để nhìn lại, để nâng niu những thứ mà hằng ngày chúng ta có thể vô tâm. Từng hột cơm, miếng thịt, cọng rau... giờ ăn uống dư miếng nào cũng tiếc.
Hồi trước chúc ai đó "bình an" đôi khi chỉ là quen miệng, giờ lại thấm thía và ý nghĩa vô cùng. Không chỉ gia đình mình, mà nhìn những người thân quen thậm chí cả người xa lạ bình an tự nhiên cũng thấy xúc động. Mong lắm thay, bình an, để sau tất cả, chúng ta sẽ được về nhà...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận