24/05/2019 21:02 GMT+7

'Về hưu rồi thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa?'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Cán bộ vi phạm nhưng đã về hưu, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ có thể xử lý về mặt Đảng, không có nhiều tác dụng vì hưu rồi thì "rút kinh nghiệm sâu sắc" cũng không để làm gì, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu Giàng Páo Mỷ nói.

Về hưu rồi thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa? - Ảnh 1.

Đại biểu Giàng Páo Mỷ, bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu - Ảnh: Quochoi.vn

Việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm, đặc biệt là cán bộ về hưu, nhận được nhiều ý kiến tập trung mổ xẻ trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 24-5 về sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Họ đã "hạ cánh an toàn"

Đại biểu Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) chia sẻ thực tế ở chính địa phương mà mình là bí thư Tỉnh ủy, nơi gần đây xảy ra nhiều vụ công chức, cán bộ vi phạm, nhưng khi phát hiện thì những người này đã nghỉ hưu.

"Tỉnh chỉ có thể chỉ xử lý về mặt Đảng tại địa phương. Những vi phạm đó cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ xử lý được ở mức khiển trách, cảnh cáo, hoặc 'kiểm điểm sâu sắc' nên hình phạt cũng không có nhiều tác dụng. Tỉnh tôi có mấy đồng chí như nguyên giám đốc sở mắc sai phạm nhưng cũng không xử lý được, và cũng chẳng giải quyết được điều gì vì họ đã 'hạ cánh an toàn'", bà Mỷ nói.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cũng cho rằng cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe cho những người sau, tránh trường hợp cán bộ trước vi phạm được, cán bộ sau cũng có thể vi phạm và thậm chí hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) thì nhận định nhiều vụ việc xử lý cán bộ có vi phạm nhưng đã về hưu thời gian qua nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề phải đặt ra quanh tính pháp lý.

"Ví dụ một ông nguyên là hiệu trưởng trường đại học ký bằng tốt nghiệp, bây giờ người đó bị cách chức mà tôi từng là sinh viên được ông ký bằng thì tôi có phải đổi bằng không? Rồi giả sử ông hiệu trưởng sau đó còn làm lên thứ trưởng, bộ trưởng nữa rồi mới nghỉ hưu. Người này bị cách chức hiệu trưởng do sai phạm ở thời điểm đó, thì không biết chức thứ trưởng, bộ trưởng sau này thế nào? Vì không có cấp dưới làm sao lên được cấp trên, mà ông vi phạm ngay từ dưới rồi", ông Trà băn khoăn.

Về hưu rồi thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa? - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: B.D

Luật không nghiêm, còn nhiều cán bộ "sống lại thần kỳ"

Lấy ví dụ các vụ việc cán bộ vi phạm xảy ra gần đây, đại biểu Khánh cho biết dù bộ máy chính quyền của chúng ta được tổ chức rất quy mô, đầy đủ các cơ quan nhưng các vụ tiêu cực, tham nhũng vẫn cứ diễn ra. 

"Số vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra rất nhiều, cán bộ vi phạm rồi trở thành những thanh củi tươi, củi khô vẫn lần lượt được đưa vào lò, dù có hết các cơ quan giám sát. Nhưng các cơ quan này không phát huy được vai trò cho tới khi Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc", bà Khánh nói.

Nguyên do theo bà Khánh là hiện nay những quy định xử lý cán bộ, viên chức, đảng viên không nghiêm. Cứ vi phạm thì xử lý khiển trách, cảnh cáo, thôi việc…, trong khi "quy trình thì luôn luôn đúng". 

"Nhiều vụ việc cán bộ bị kỷ luật rồi không hiểu làm cách nào đó vài năm sau lại trồi lên bất ngờ, 'sống lại' đầy kỳ diệu, tiếp tục giữ chức vụ như chưa từng bị gì. Tôi đơn cử như vụ việc ở tỉnh Thanh Hóa đấy, làm ầm ĩ cả dư luận", bà Khánh nói. 

Chúng ta cứ học tập các nước mà xử: vi phạm lần đầu thì cho nghỉ việc 3 ngày, lần kế tiếp thì 5 ngày và tới lần thứ ba thì cho thôi việc. Làm như thế tôi đảm bảo nghiêm ngay.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Cán bộ vi phạm thì về hưu vẫn không thoát tội Cán bộ vi phạm thì về hưu vẫn không thoát tội

TTO - Chính phủ muốn bổ sung vào luật việc cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Ủy ban Pháp luật thậm chí đề nghị quy định thành một điều riêng.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên