25/08/2014 09:16 GMT+7

Vây quanh TP.HCM: Khoảng 8km có một trạm thu phí

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Hiện nay TP.HCM có bảy trạm thu phí. Theo quy hoạch của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP, đến năm 2025 sẽ tăng lên 20 trạm thu phí.

>> Xuất hiện tình trạng né trạm thu phí ở Trảng Bom
>> Trạm thu phí “vây” Đồng Nai

Tư liệu: Mậu Trường - Đồ họa: Nh. Khanh

Như vậy, 11 năm tới số lượng trạm thu phí ở TP.HCM sẽ tăng gần gấp ba lần so với hiện nay.

Theo quy hoạch mạng lưới trạm thu phí do Sở GTVT TP trình UBND TP, mục tiêu chính của việc quy hoạch bố trí mạng lưới trạm thu phí nhằm hoàn vốn cho các dự án giao thông, hỗ trợ công tác kiểm soát, điều tiết các phương tiện vào trung tâm TP, đồng thời tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ TP.

Trạm thu phí cách nhau không dưới 70km

* Theo thông tư 90/2004-TT-BTC của Bộ Tài chính, với đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường có chiều dài tối thiểu là 70km.

Thông tư này không nêu khoảng cách trên khi áp dụng với các đường bộ được đầu tư ngoài vốn ngân sách.

* Theo thông tư 159-2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, đường bộ được thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).

Việc nghiên cứu mạng lưới thu phí được tính trong vòng bán kính 50km, tính từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận. Khoảng cách giữa các trạm thu phí trong đô thị không dưới 8km.

Cũng theo Sở GTVT TP, điều kiện để xem xét bố trí quy hoạch trạm thu phí dựa trên các dự án đầu tư xây dựng mới theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao), PPP (hợp tác công tư) trên tuyến đường đạt lưu lượng 20.000 PCU/ngày đêm.

Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông bằng nguồn thu phí có vòng hoàn vốn dưới 30 năm.

Để đảm báo tính thống nhất giữa các trạm thu phí, tăng khả năng thông hành tại các trạm thu phí, Sở GTVT cho rằng cần định hướng, chuyển đổi công nghệ thu phí thủ công, bán tự động hiện nay sang thu phí tự động, thanh toán liên trạm, liên ngân hàng.

Quá nhiều?

Sau khi xem tờ trình quy hoạch mạng lưới trạm thu phí TP.HCM, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai cho rằng quy hoạch trạm thu phí trên địa bàn TP được lập dựa trên quy hoạch GTVT chưa hoàn chỉnh. Mật độ quy hoạch 20 trạm thu phí tại TP.HCM sẽ là một gánh nặng cho người dân.

Theo luật sư Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường không quá 70km, ở TP.HCM lập trạm thu phí khác tuyến đường nhưng chỉ cách nhau khoảng 8km là khá dày đặc, nếu chạy xe lòng vòng tại khu vực TP.HCM sẽ gặp nhiều trạm thu phí.

Hiện các doanh nghiệp ngành giao thông đang chịu nhiều loại phí, việc có thêm nhiều trạm thu phí ở TP sẽ làm tăng cao giá cước vận tải hàng hóa.

Góp ý về quy hoạch trạm thu phí, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết theo tờ trình, ngoài việc thu hồi vốn cho các dự án, trạm thu phí còn có tác dụng giảm ùn tắc giao thông.

Điều này là không hợp lý. Việc lập các trạm thu phí sẽ không làm thay đổi lưu lượng xe ra, vào TP. Có chăng là các xe sẽ tìm những tuyến đường khác để tránh trạm thu phí, điều đó có thể sẽ gây ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Tài chính, trạm thu phí trên quốc lộ phải đảm bảo khoảng cách giữa các trạm ít nhất là 70km, nhưng qua phản ảnh của báo chí, thực tế nhiều trạm chỉ cách nhau khoảng 20-30km. Còn trong nội thành TP.HCM đề án nêu rõ khoảng cách giữa các trạm thu phí không quá 8km.

“Do vậy, quy định về khoảng cách này cũng cần phải được làm rõ, giải trình cho UBND TP.HCM và người dân hiểu” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia về giao thông, còn nhiều điểm bất hợp lý trong quy hoạch mạng lưới trạm thu phí. Chẳng hạn như lập trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), trong khi hướng tuyến này được đề xuất lập trạm thu phí quốc lộ 22.

Với số trạm thu phí dày đặc như trên, người dân TP “đi ra ngõ đụng trạm thu phí”, còn nếu đi tuyến đường từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Bình Dương... sẽ “đụng nhiều trạm thu phí”.

Cụ thể, người dân ở huyện Bình Chánh đi Vũng Tàu sẽ qua năm trạm gồm trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và hai trạm thu phí trên quốc lộ 51.

Còn người dân từ tỉnh Trà Vinh đến Vũng Tàu sẽ gặp bảy trạm thu phí gồm trạm thu phí cầu Cổ Chiên (đang xây dựng), cầu Rạch Miễu (Bến Tre) và năm trạm thu phí từ TP.HCM đến Vũng Tàu.

Đến năm 2025 có 20 trạm thu phí

* Năm 2014: có bảy trạm thu phí. Ở cửa ngõ phía đông TP.HCM có các trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Q.2, Q.9 và Thủ Đức), cầu Phú Mỹ (Q.2, Q.7), cầu Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức). Còn ở cửa ngõ phía tây TP có trạm thu phí An Sương - An Lạc (Q.Bình Tân, H.Bình Chánh), Nguyễn Văn Linh (Q.7, H.Bình Chánh). Đồng thời có hai trạm thu phí đường cao tốc gồm trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai).

* Năm 2016-2020: sẽ có thêm sáu trạm thu phí gồm đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM, Long An, Đồng Nai), trạm thu phí quốc lộ 22 (H.Củ Chi), tỉnh lộ 15 (H.Hóc Môn), đường vành đai 3 (gần nút giao thông Thủ Đức), hầm Thủ Thiêm (Q.2) và trạm thu phí Khu công nghiệp Phú Hữu (Q.9).

* Năm 2020-2025: có thêm bảy trạm thu phí gồm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (TP.HCM, Tây Ninh), đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước) và năm trạm thu phí của những tuyến đường trên cao qua địa bàn các quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh...

 

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên