23/10/2019 10:17 GMT+7

Vay 459.000 tỉ đồng, xài tiền mới khó

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 là 459.000 tỉ đồng.

Vay 459.000 tỉ đồng, xài tiền mới khó - Ảnh 1.

Dự kiến, năm 2020 Chính phủ sẽ vay 459.000 tỉ đồng để trả nợ và bù đắp bội chi ngân sách. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là xài tiền. Như dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, dù hiệp định vay tiền đã hết hiệu lực nhưng giải ngân mới chỉ đạt gần 44% - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Báo cáo về thực hiện tài chính ngân sách nhà nước, trong khoản chi tiêu mấy năm gần đây, mỗi năm Chính phủ phải trả hàng trăm tỉ đồng tiền trả nợ lãi và nợ gốc cho gần 3.000.000 tỉ đồng vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đất nước. 

Về vay nợ, 9 tháng qua, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài với tổng trị giá khoảng 463 triệu USD (tương đương hơn 10.880 tỉ đồng). 

Còn về trả nợ của Chính phủ, cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm, trả nợ của Chính phủ khoảng 236.000 tỉ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 195.700 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.200 tỉ đồng. Riêng trả nợ lãi trong 9 tháng qua lên tới hơn 85.000 tỉ đồng.

Chúng ta làm khó... chúng ta!

Về thực tế giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài 9 tháng qua khoảng 1.416 triệu USD, tương đương khoảng 32.737 tỉ đồng, chiếm khoảng 26,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã duyệt. 

Bộ Tài chính đánh giá việc giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài chậm chủ yếu do hạn chế và vướng mắc trong bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm; chất lượng thiết kế và tính sẵn sàng triển khai dự án; vướng mắc về thủ tục đầu tư, mua sắm đấu thầu, bố trí vốn đối ứng, thủ tục cho vay lại.

Qua kiểm toán chuyên đề về các dự án ODA và vốn vay ưu đãi năm 2018, ông Trần Khánh Hòa - vụ trưởng Vụ tổng hợp Kiểm toán Nhà nước - cho biết Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một loạt bất cập như nhiều dự án chưa giải ngân hết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, tỉ lệ giải ngân thấp khi hiệp định đã hết hiệu lực... 

Cụ thể, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2, hai hiệp định hết hiệu lực nhưng vốn giải ngân chỉ đạt tỉ lệ 43,8%, làm phát sinh phí cam kết 7,9 tỉ đồng nên phải sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả. 

Điển hình về việc chậm giải ngân vốn như dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, các năm đều không sử dụng hết kế hoạch vốn giao nên phải hủy bỏ 6.369 tỉ/8.297 tỉ đồng, trong đó vốn nước ngoài hủy bỏ là 6.198 tỉ/7.931 tỉ đồng.

Vay 459.000 tỉ đồng, xài tiền mới khó - Ảnh 2.

Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế là một điển hình về việc chậm giải ngân vốn, các năm đều không sử dụng hết kế hoạch vốn giao. Trong ảnh: trạm bơm, dẫn nước thải thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương và 5 bộ ngành về thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 được Bộ Tài chính tổ chức giữa tháng 9 vừa qua, ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - đã nhắc đi nhắc lại là rất sốt ruột về giải ngân vốn đầu tư công ì ạch. Việc không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, nhỏ giọt một loạt dự án, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, là do thủ tục.

Thực tế, như một loạt địa phương và bộ ngành đều nêu tình trạng đến tháng 6, 7, thậm chí sang quý 3 mới nhận được kế hoạch giao vốn đầu tư công trung hạn của cả năm từ phía Bộ Kế hoạch - đầu tư. Do đó, thời gian còn lại của năm chỉ vài tháng không kịp triển khai và giải ngân vốn. Và đại diện phía TP.HCM lo lắng sẽ bị nhà thầu kiện khi không được cấp bổ sung, kịp thời vốn ODA và vay ưu đãi đã có trong kế hoạch.

Riêng với tuyến đường sắt TP.HCM, ông Đinh Tiến Dũng đặt vấn đề với đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư. "Trong cam kết, số vốn bố trí cho dự án là 7.000 tỉ đồng, nhưng tại sao từ đầu năm không giải ngân hết cho TP.HCM số vốn này? Tại sao lại giao nhỏ giọt làm gì? Trong khi đó, tổng mức đầu năm là không tiêu hết 60.000 tỉ đồng như dự toán Quốc hội giao. Tôi rất băn khoăn trong điều hành như vậy. Chính chúng ta làm khó chúng ta" - ông Dũng nhấn mạnh.

Vay 459.000 tỉ đồng, xài tiền mới khó - Ảnh 3.

Có vướng mắc ở khâu giao vốn?

Nêu cụ thể vướng mắc về tình hình thực hiện và giải ngân các dự án ODA của Hà Nội, ông Ngô Văn Quý - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giao kế hoạch vốn ODA cấp phát chưa đủ theo yêu cầu. Trong khi theo quy định Luật ngân sách, từ năm 2016, giải ngân vốn ODA phải theo kế hoạch giao. 

Như ở Hà Nội, tính đến nay kế hoạch vốn ODA cấp phát năm 2019 chỉ được giao hơn 1.112 tỉ đồng, chiếm 54% so với nhu cầu vốn là 2.050 tỉ đồng. Thực tế này đã dẫn đến việc thiếu vốn để thanh toán cho nhà thầu, mặc dù vốn ODA đã được ký hiệp định vay với các nhà tài trợ. Cụ thể như dự án xây dựng hệ thống nước thải Yên Xá, đến cuối tháng 6, TP Hà Nội mới được giao kế hoạch năm nay là 70,8 tỉ đồng, chỉ 9,2% trên tổng nhu cầu là 770 tỉ đồng. 

Không đảm bảo vốn để tạm ứng và thanh toán cho các gói thầu chính của dự án, nhà tài trợ đã có ý kiến nhiều lần về việc chậm thanh toán sẽ trì hoãn, chậm tiến độ. Trong khi đó, hiệp định vay vốn với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được ký.

Để đảm bảo thực hiện dự án theo đúng cam kết hiệp định vay, tránh phát sinh các chi phí, lãi phạt và khiếu kiện, khiếu nại của nhà tài trợ, TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính sớm tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí đầy đủ và kịp thời vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương và hằng năm đối với các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết trước mắt Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát đủ từ ngân sách trung ương năm 2019 cho Hà Nội với số vốn còn lại là 940 tỉ đồng. 

Trường họp ngân sách trung ương chưa bố trí kịp cho các dự án của Hà Nội, TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho ứng trước dự toán ngân sách trung ương cho các dự án. 

"Trường hợp ngân sách trung ương chưa ứng được, Hà Nội đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép tạm ứng ngân sách TP cho phần vốn ODA cấp phát từ trung ương cho các dự án để đảm bảo tiến độ triển khai, tránh gây nợ cho các nhà thầu" - ông Quý nêu.

Vay 459.000 tỉ đồng, xài tiền mới khó - Ảnh 4.

Dự án tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Nợ công tăng do bị ràng buộc khi dùng vốn ODA

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân nợ công tăng cao là do chúng ta mắc kẹt khi sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi dù lãi suất vay thấp, thời gian vay dài 10-30 năm. Điều này được thể hiện qua báo cáo kiểm toán các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi năm 2018.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc đàm phán ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh có chi phí tư vấn quốc tế gấp 7,8 lần, dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế cao gấp 8,5 lần so với tư vấn trong nước...

Hay việc thanh toán bằng tiền nước ngoài làm tăng chi phí như dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh (quốc lộ 2 nối Hà Nội sang Vĩnh Phúc) tăng thêm 703,5 triệu won (13,4 tỉ đồng)...

Giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt gần 50% dù sắp hết năm Giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt gần 50% dù sắp hết năm

TTO - Dù sắp hết năm 2019, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ mới đạt 49,1% kế hoạch mà Thủ tướng giao, khiến khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm nay gặp nhiều khó khăn.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên