07/10/2015 10:00 GMT+7

Vào TPP, nông nghiệp và dệt may ứng phó ra sao?

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG

TT - Có rất nhiều cam kết VN phải thực hiện khi tham gia TPP, với tốc độ cải cách trong nước hiện nay, VN có theo kịp tiến độ cam kết đặt ra?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn ngay tại sân bay Nội Bài sáng 7-10 -  Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn ngay tại sân bay Nội Bài sáng 7-10 - Ảnh: Việt Dũng

Trả lời Tuổi Trẻ ngay khi đoàn đàm phán về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) sáng 7-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định bên cạnh những tác động tích cực của hiệp định TPP đối với nền kinh tế, Chính phủ cũng có giải pháp ứng phó với các ngành bị ảnh hưởng...

Ông VŨ HUY HOÀNG nói:

“Đây là một hiệp định rất quan trọng, do vậy sắp tới Bộ Công thương và đoàn đàm phán sẽ trình lên Chính phủ một loạt chương trình hành động để xem xét phê duyệt, triển khai...”.

“Các yêu cầu của hiệp định TPP rất cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định liên quan kinh tế, thương mại, đầu tư… Vì vậy sẽ phải sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp

* Thưa bộ trưởng, nhiều người dân, doanh nghiệp ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, lo lắng vì cho rằng ngành này gặp khó khăn nhất khi đối mặt với các thị trường có hàng nông sản chất lượng cao, giá rẻ...?

- Việc bà con quan tâm lo lắng là có cơ sở. Khi mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế hàng hóa của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản được xuất khẩu đến VN.

Điều này giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hóa đa dạng hơn với chất lượng cao, giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn. Nhưng ngược lại trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ngành chăn nuôi, do chúng ta sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán nên sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

* Như vậy đoàn đàm phán đã làm gì để giảm áp lực cho những ngành nhạy cảm trong nước?

- Không phải chỉ riêng trong đàm phán hiệp định TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho VN một lộ trình tương đối dài để bảo hộ hợp lý những sản phẩm ta còn đang yếu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, đó là cố gắng lựa chọn, thuyết phục các đối tác để VN có một lộ trình nhất định. Tuy nhiên, sau lộ trình đó chúng ta sẽ phải vươn lên.

Trong đó, phải cố gắng tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn. Như vậy sẽ có những điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Tôi nghĩ điều này Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền các cấp sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu và sẽ có những biện pháp cụ thể để thu hẹp trình độ phát triển của nông nghiệp VN và nông nghiệp các nước.

* Vòng đàm phán hồi tháng 8-2015 tại Hawaii, VN đã cơ bản hoàn tất đàm phán song phương với các nước. Lần đàm phán tháng 10 này, VN đã đạt được những thay đổi tích cực nào, thưa ông?

- Đúng là về cơ bản chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản trước đó, nhưng cũng còn một số vấn đề nhỏ cần tiếp tục yêu cầu các đối tác quan tâm hơn nữa đến lợi ích cốt lõi của VN trong xuất khẩu hàng hóa như dệt may, thủy sản, giày dép...

Đồng thời đề nghị các bạn quan tâm đến các điều kiện cụ thể của VN, bởi hiệp định cân bằng lợi ích nhưng có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên.

Do đó tại Atlanta, chúng ta yêu cầu các nước cho VN mở cửa thị trường, nhất là các lĩnh vực chúng ta có lợi thế, và cũng dành cho VN một lộ trình bảo hộ thích hợp đối với lĩnh vực chúng ta còn đang yếu như chăn nuôi.

* Thưa ông, ngành dệt may và da giày được nhận định có nhiều lợi thế nhất khi tham gia TPP nhưng chúng ta chủ yếu gia công, giá trị gia tăng rất thấp. VN sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Qua TPP, rất nhiều lĩnh vực của chúng ta có lợi thế vì thuế nhập khẩu của các nước trong TPP sẽ giảm xuống, thậm chí ở mức 0%.

Cụ thể, dệt may dự báo sẽ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng rất cao sắp tới, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ngành này cũng đương đầu với những khó khăn. Chẳng hạn tỉ lệ phụ kiện, phụ tùng, phụ phẩm sản xuất ở VN để làm ra sản phẩm dệt may còn thấp, hiện chỉ khoảng 50%, 50% còn lại chúng ta phải nhập từ bên ngoài (để được hưởng thuế suất ưu đãi, VN phải tự sản xuất hoặc nhập từ các nước TPP 60%).

Vì thế, vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may là chúng ta phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất ở trong nước. Cần làm tốt hơn công tác thu hút đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng dệt may ở VN. Có như vậy, ngành dệt may của VN sẽ có giá trị gia tăng lớn hơn.

* Có rất nhiều cam kết VN phải thực hiện khi tham gia TPP. Theo ông, với tốc độ cải cách trong nước hiện nay, VN có theo kịp tiến độ cam kết đặt ra?

- Tôi nghĩ việc cải cách thể chế chúng ta đã làm tốt, nhưng để thực hiện đúng mục tiêu đã cam kết trong thỏa thuận đàm phán TPP, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa và khối lượng công việc còn rất nhiều.

TPP đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội đưa ra những sửa đổi, bổ sung luật cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Với thời gian còn lại, sự nỗ lực là rất cần thiết.

Nếu chậm thông qua hiệp định, đồng nghĩa VN sẽ bị thiệt thòi nhiều trong quá trình mở cửa thực hiện hiệp định TPP.

* Khi nào sẽ công bố toàn văn nội dung hiệp định TPP, thưa ông?

- Theo thỏa thuận giữa các nước TPP, sẽ có một thời gian rà soát lại lời văn của hiệp định và sau khi rà soát xong sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân, cho xã hội với mục đích để mọi người hiểu được nội dung chính của TPP, những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, đất nước và xã hội. Hiệp định này dày đến cả ngàn trang, thời gian công bố còn phụ thuộc vào tiến độ dịch, rà soát nội dung của dự thảo hiệp định.

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên