Ánh Viên bên bữa ăn đặc biệt - Ảnh: Q.T.
Sau nhiều lần lỗi hẹn, chúng tôi cuối cùng cũng "đột nhập" vào được nơi đây hồi giữa tuần rồi, để gặp mặt nhiều ngôi sao thể thao Việt Nam như kình ngư Ánh Viên, võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương (đã giành vé dự Olympic 2020), lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công...
Mùa dịch càng dễ tập trung
Cũng như nhiều VĐV khác của trung tâm, Ánh Viên đã trải qua nửa năm trời tập luyện dưới quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập" do ban giám đốc đề ra, nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho các VĐV. Gần đây, khi tình hình đại dịch đã được kiểm soát, các VĐV mới có thể tự ý rời khỏi trung tâm.
Ở nơi đây, Ánh Viên là một trong những VĐV dậy sớm nhất. Cô làm nóng người bằng các bài tập thể lực trước khi xuống hồ, bắt đầu cho một ngày dài ăn tập rất kỷ luật. Ánh Viên vẫn duy trì chế độ tập luyện và dinh dưỡng như thời còn ở Mỹ tập huấn, điểm khác biệt là giờ đây cô đã trở thành sinh viên Đại học Thể dục thể thao.
"Phải ở trong trung tâm suốt cũng buồn, nhưng tôi nghĩ điều đó càng có lợi cho việc tập luyện. Hằng ngày chúng tôi vẫn tập như bình thường, có khác chăng chỉ là thiếu đi cảm giác thi đấu vì hiện không có giải đấu lớn nào cả. Những khi rảnh tôi dành thêm thời gian cho việc học" - Ánh Viên cho biết.
Nguyễn Hoài Văn, VĐV đội tuyển ném lao Việt Nam, cho biết: "Đã nhiều tháng trời tôi không về quê Long An dù rất gần. Nhưng tôi không gặp vấn đề gì về chuyện này. Có rất nhiều người bị ảnh hưởng công việc vì mùa dịch. Chúng tôi có một môi trường rộng lớn, trong lành để trải qua giai đoạn cách ly là rất may mắn".
Ánh Viên rời Mỹ để về tập luyện ở TP.HCM hơn nửa năm qua - Ảnh: H.ĐĂNG
Đau đầu vấn đề duy trì phong độ cho VĐV
Việc tập luyện không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng chiến lược dài hạn của các VĐV rõ ràng bị tác động không nhỏ bởi đại dịch. "Đau" nhất là Nguyễn Văn Đương - võ sĩ boxing đã giành vé dự Olympic Tokyo 2020 nhờ thành tích ấn tượng ở giải vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Jordan hồi giữa tháng 3.
Không lâu sau, anh nhận thông tin Olympic Tokyo 2020 phải hoãn, thậm chí có nguy cơ bị hủy nếu tình hình đại dịch trên thế giới không được kiểm soát.
"Ban đầu tôi rất hụt hẫng vì thi đấu ở Olympic là giấc mơ của bất kỳ VĐV nào. Nhưng rồi tôi cũng không quá thất vọng vì vấn đề của mình chỉ là chuyện nhỏ khi so với tình hình đại dịch. Bây giờ tôi có thêm một năm để chuẩn bị, tôi và HLV sẽ lên kế hoạch lại từ đầu để có được phong độ tốt nhất ở Olympic giữa năm tới và cả SEA Games 2021" - Đương nói.
Đội karate với đông đảo VĐV ở trung tâm - Ảnh: HUY ĐĂNG
Những người phải căng mình không chỉ có VĐV và HLV. Giám đốc trung tâm - ông Võ Quốc Thắng cho biết để đảm bảo tối đa an toàn cho các VĐV, trung tâm cũng phải lo cho những nhân viên phụ trách chuyện ăn ở. Thay vì sáng đi chiều về, các nhân viên này được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ làm việc suốt 15 ngày không về nhà, chỉ ở trung tâm.
"Mùa dịch đẻ ra rất nhiều cái khó cho chúng tôi. Ngoài chuyện phải đảm bảo an toàn, một cái khó nữa là phải duy trì dinh dưỡng cho các VĐV. Khó ở chỗ đã nhiều tháng trời các em không thi đấu đỉnh cao, và chúng ta không thể biết trước khi nào các giải đấu quốc tế trở lại. Vì vậy mỗi ngày, mỗi tuần tổ dinh dưỡng của trung tâm đều phải bàn bạc cho các em ăn gì, uống gì để duy trì trạng thái thể chất phù hợp" - ông Thắng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận