16/08/2024 08:13 GMT+7

Vào đại học với 'cuốn sổ ân tình' trong tâm trí, và lời hứa trước bàn thờ cha

11 tuổi mất cha, mẹ cũng lớn tuổi, nên để có thể đến trường Phạm Quách Bảo Lộc phải làm thêm rất nhiều. Một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, cậu đến trước bàn thờ hứa với cha: "Ba yên tâm, con sẽ đậu đại học".

Góc ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con sáng hơn với giấy khen học sinh giỏi, chứng nhận thi tay nghề của Bảo Lộc - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Góc ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con sáng hơn với giấy khen học sinh giỏi, chứng nhận thi tay nghề của Bảo Lộc - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Phải đi học, khó mấy cũng phải tiếp tục đến trường vì chỉ học mới giúp mình thoát khỏi cuộc sống hiện tại, mới có thể đi đây đó, mở mang hiểu biết và có điều kiện lo cho mẹ.

PHẠM QUÁCH BẢO LỘC

Lời hứa với cha cũng là chất chứa mong ước của chính mình. Cậu hiểu chỉ có học mới có thể bước ra khỏi gia cảnh khó khăn hiện tại của hai mẹ con.

Món quà trời ban

Mẹ Lộc, bà Quách Ngọc Thu, nay đã 62 tuổi. Căn nhà nhỏ che nắng mưa của hai mẹ con lọt thỏm trong con hẻm tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Chính giữa ngôi nhà đặt chiếc bàn thờ được chắp nối từ vài tấm ván gỗ với di ảnh của cha vốn là cua rơ nổi tiếng một thời Phạm Văn Thanh.

Ngôi nhà được tô điểm bằng những tờ giấy khen, chứng nhận các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi tay nghề của Lộc. Dựa lưng vào bức tường loang lổ, bà Thu hướng mắt về phía Lộc nói: "Nó là món quà trời ban của 18 năm trước".

Lúc mang thai con trai, bà đã ngoài 44 tuổi, cái tuổi tưởng như khó lòng có con, nên mãi ba tháng sau khi có thai, bà mới nhận ra điều khác lạ trong mình.

Hạnh phúc vỡ òa vì có con nhanh chóng vụt tắt khi nghĩ đến gánh nặng cơm áo. Hai vợ chồng nghèo lao mình vào mưu sinh bất kỳ công việc nặng nhẹ nào, miễn kiếm ra tiền và không phạm pháp. Lộc lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ.

Năm cậu học lớp 5, cha Lộc đột quỵ và mất.

Chỉ còn một mình chăm con thật chẳng dễ dàng. Để đắp đổi qua ngày, bà Thu làm công nhân theo giờ cho một xưởng hoa nhựa gần nhà. Công việc không đều, tiền công 18.000 đồng/giờ, thu nhập cũng bấp bênh. Câu chuyện với bà Thu cứ bị ngắt quãng giữa những giọt nước mắt. Dường như đâu đó là cả sự bất lực.

18 tiếng học và làm mỗi ngày

Ba năm phổ thông, bạn bè đồng trang lứa tập trung tối đa cho việc học, nhưng Lộc thì không hẳn vậy. Tuổi 16, Lộc đã có vô vàn áp lực về tiền bạc. Ba năm qua, sáng và trưa là hành trình giữa nhà và trường. Tối là lúc Lộc đạp xe đến chỗ làm và làm việc đến 23h mới về nhà.

Mỗi ngày của Lộc bắt đầu từ sáng sớm và khép lại khi đã dần qua ngày mới. Chuyện được ngả lưng nghỉ ngơi hay ngủ sáu tiếng mỗi ngày với Lộc là không tưởng. "Mình làm nhiều việc lắm, từ phục vụ tiệm trà sữa, làm ở tiệm bánh mì đến bưng vác… đủ cả" - Lộc cười.

Lộc hiểu rõ việc ngủ gật trong lớp là không được, nhưng đôi khi kiệt sức nên không thể làm chủ được nữa, chợt ngủ thiếp đi. Nhiều đêm quá áp lực về thời gian, bài vở trên lớp, công việc chỗ làm khiến thằng con trai ngồi vào bàn học tự nhiên bật khóc ngon lành.

Chỉ có một tháng trước ngày thi tốt nghiệp THPT là khoảng thời gian hiếm hoi Lộc không đi làm, để tập trung học. Hầu như Lộc không biết học thêm là gì, vì tiền không có (trừ môn ngoại ngữ được dạy miễn phí). Hơn nữa Lộc phải đi làm, thời gian đâu mà học thêm.

Lộc xin sách từ các anh chị khóa trước, kiến thức góp nhặt từ xem video trên mạng qua chiếc điện thoại cũ xài ké mạng của nhà hàng xóm. Nhưng cũng chỉ dám nghỉ hết ba ngày sau kỳ thi tốt nghiệp, Lộc đã chạy đi tìm việc. Hiện bạn đang làm bán thời gian cho một hộ kinh doanh lồng đèn tại quận Tân Phú (TP.HCM).

Hiện Lộc đang làm thêm cho một cửa hàng lồng đèn ở quận Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: C.TRIỆU

Hiện Lộc đang làm thêm cho một cửa hàng lồng đèn ở quận Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: C.TRIỆU

"Cuốn sổ" ân tình tiếp sức đến trường

Hồi học hết lớp 9, Lộc đã từng nghĩ chuyện ngừng học "vì trong nhà đã sạch tiền". Chính cô Phan Thị Hằng - giáo viên ngữ văn Trường THCS Bình Hưng Hòa (nay đã chuyển công tác) - vì tiếc kết quả chín năm liền học sinh giỏi nên đã thuyết phục Lộc đừng bỏ học. Cô Hằng đóng toàn bộ học phí ba năm THPT cho bạn.

Lộc nói có lúc mình chểnh mảng việc học, nhưng luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của cô Hằng cũng như nhiều người dành cho mình. Lộc nhỡ rõ ngoài học phí, cô còn cho mình nhiều tiền để mua trang thiết bị học tập, cả tiền sinh hoạt, đi lại. "Tết năm nào cô cũng lì xì, cho cả mắm muối, khô cá" - Lộc kể về những lần được cô tiếp sức đến trường.

Đó còn là khoản giúp đỡ của thầy Phạm Mạnh Tuyến - giáo viên môn công nghệ Trường THCS Bình Hưng Hòa, nay cũng đã chuyển công tác. Lộc nhớ nhất thầy Tuyến đã cho mình dùng máy tính ôn luyện, giúp bạn đoạt giải nhì học sinh giỏi môn công nghệ cấp TP năm lớp 9.

Lộc kể chi tiết sự hỗ trợ của thầy Thanh Liêm, cô Ngọc Nữ, cô Thúy Nga. Rồi thầy Trần Hạo Hoa Triêu dạy kèm miễn phí hai năm, cô Kiều Trang cho tiền mua bảo hiểm y tế, thầy Lập Hưng giúp ôn thi môn ngoại ngữ không lấy đồng nào… Đó còn là những lần cha mẹ bạn Võ Hồng Phúc cho Lộc ở nhờ, ăn cơm những bữa trưa nắng nóng.

"Tất cả sự giúp đỡ ấy mình ghi chép trong tâm trí, gọi đó là "cuốn sổ" ân tình. Mình nỗ lực vào đại học là cách duy nhất lúc này có thể làm để phần nào đền đáp những ân tình mà cả đời mình không được phép quên đó" - Lộc tâm sự.

Ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch

Lộc đạt 23,1 điểm khối D (văn 8,5 - ngoại ngữ 8 - toán 6,6), rất muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch. Ước mơ này một phần đến từ người cha giỏi ngoại ngữ, từng đi đây đó và gặp gỡ nhiều người.

Nhưng bạn chọn nguyện vọng 1 vào giáo dục tiểu học vì "học sư phạm sẽ miễn học phí". Tuy nhiên số điểm ấy khó lòng trúng tuyển nguyện vọng 1, có chút buồn song cậu học trò tuổi 18 ấy đang rất gần với ngành du lịch mơ ước.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Vào đại học với 'cuốn sổ ân tình' trong tâm trí, và lời hứa trước bàn thờ cha- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Vào đại học với 'cuốn sổ ân tình' trong tâm trí, và lời hứa trước bàn thờ cha- Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ: 1.100 suất học bổng Tiếp sức đến trường năm học 2024-2025 Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ: 1.100 suất học bổng Tiếp sức đến trường năm học 2024-2025

Trước mùa tựu trường năm học 2024 - 2025, chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" sẵn sàng bước sang tuổi 21 - được khởi động từ hôm nay ngày 8-8-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên