30/05/2015 08:43 GMT+7

Vào chuỗi cung ứng để cải thiện sản xuất

Như Bình
Như Bình

TT -Tham gia chuỗi cung ứng cho các cửa hàng thức ăn thương hiệu quốc tế, doanh nghiệp VN sẽ xây dựng được quy trình, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình.

Dù đã cải thiện nhưng khả năng doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng còn hạn chế. Trong ảnh: hai bạn trẻ đang ăn tại một cửa hàng thuộc hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh Lotteria ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Dù đã cải thiện nhưng khả năng doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng còn hạn chế. Trong ảnh: hai bạn trẻ đang ăn tại một cửa hàng thuộc hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Tham gia chuỗi cung ứng cho các cửa hàng thức ăn thương hiệu quốc tế, doanh nghiệp VN không chỉ có thêm đầu ra ổn định mà quan trọng hơn, họ xây dựng được quy trình, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình.

Cho đến nay, chưa có nhà cung ứng nào “đứt gánh” dọc đường trong quá trình hợp tác với các chuỗi, nhưng số doanh nghiệp đầu tư vì lợi ích lâu dài chưa nhiều.

“Hãy cải thiện, chúng tôi sẽ chờ”

Giám đốc kinh doanh một công ty đang cung ứng thịt gà vào các siêu thị, chuỗi nhà hàng và khách sạn cho biết khi có ý định trở thành nhà cung ứng cho một thương hiệu thức ăn nhanh cách nay ba năm, việc đầu tiên là doanh nghiệp phải trình được tất cả chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất đang có trước khi được các nhà thu mua nước ngoài của hãng cấp một bảng câu hỏi khảo sát. Khi vượt qua được bảng câu hỏi này, các nhà cung cấp gần như được chọn.

“Họ rất cởi mở và tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nhỏ” - ông nói. Do có một vài tiêu chuẩn trong bảng khảo sát doanh nghiệp chưa đáp ứng được, bộ phận thu mua từ công ty mẹ đã bay sang VN để tìm hiểu và cho doanh nghiệp cơ hội cải thiện tiêu chuẩn đang thiếu, chủ yếu là cần cải thiện các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. “Khi quay lại sau đó mấy tháng, nhìn thấy sự cải thiện của doanh nghiệp, họ đồng ý hợp tác. Cho đến nay số lượng thu mua tuy còn hạn chế nhưng về tương lai là khá lạc quan” - ông này chia sẻ.

Đại diện Popeyes VN chia sẻ thực tế không cung cấp cho các thương hiệu quốc tế thì nhà cung cấp vẫn sống như thường, những chuỗi cửa hàng thức ăn không phải là nguồn sống duy nhất của các nhà cung cấp. Nhưng một khi tham gia được chuỗi cung ứng của các thương hiệu này, việc tham gia chuỗi cung ứng quốc tế là điều khả thi.

Ông Kao Siêu Lực, giám đốc ABC Bakery, cho biết các thương hiệu cà phê, thức ăn nhanh quốc tế vào VN đều đòi hỏi sản phẩm chất lượng, hướng về người tiêu dùng nên doanh nghiệp học hỏi được nhiều kinh nghiệm. “Họ nghiên cứu rất kỹ thói quen, khẩu vị, thậm chí cả... khẩu hình của người Việt để cho ra những chiếc bánh có độ dày phù hợp! Ở mỗi hãng có một bộ tiêu chuẩn chất lượng riêng” - ông Lực nói.

Dù các hệ thống thức ăn nhanh chỉ sử dụng một lượng nhỏ, nhưng việc lựa chọn nhà cung cấp cũng khá khắt khe với các tiêu chí: đồng đều, tươi và an toàn vệ sinh của sản phẩm, trong đó bước chặn cuối cùng là phải được rửa bằng nước rửa rau quả chuyên dụng.

Ông Trương Hàm Liêm, giám đốc marketing Lotteria, cho biết quy trình kiểm tra để lựa chọn nhà cung cấp cho hệ thống rất gắt gao, được theo dõi chặt chẽ. Trong quá trình đồng hành, thỉnh thoảng công ty cũng cử người xuống kiểm tra việc tuân thủ.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, điểm yếu của nhà cung cấp trong nước là chất lượng khó ổn định, khả năng cung ứng cũng hạn chế. “Các hãng thức ăn nhanh đều có bộ phận kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn cung ứng thường xuyên. Khi lựa chọn nhà cung cấp, quan trọng nhất là hai bên cùng đồng hành với nhau trong thời gian dài, nhưng các nhà cung cấp trong nước cần đảm bảo tính ổn định về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm” - ông Liêm nói.

Cần tính đường dài

Theo đại diện hệ thống Popeyes VN, không dễ để thuyết phục các công ty mẹ ở nước ngoài đồng ý cho chuỗi cửa hàng ở VN chọn nhà cung cấp trong nước thay vì nhập khẩu. Các nhà cung cấp VN phải đáp ứng các tiêu chuẩn của tập đoàn toàn cầu và phải bước qua kỳ sát hạch của những nhà thu mua từ công ty mẹ.

Một rào cản lớn nữa là những cửa hàng mới muốn sử dụng hàng trong nước với giá tốt phải thu mua lượng lớn. Cho nên ban đầu các chuỗi phải nhập khẩu toàn bộ từ ly, tách, giấy... đến thực phẩm cơ bản như bánh mì, thịt gà... Trong khi đó, cái khó của phần lớn doanh nghiệp VN là chưa tự xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm riêng.

Bà Hà Lê Mỹ Trâm, giám đốc truyền thông McDonald’s, cho biết nội địa hóa nguồn cung giúp công ty giảm chi phí vận chuyển và dễ dàng hơn trong việc kiểm soát giá cả, chất lượng, thế nhưng McDonald's chưa tìm được nhiều nhà cung ứng. Hơn 90% nguyên liệu thực phẩm phải nhập khẩu từ chuỗi cung ứng toàn cầu của McDonald's. Hiện đội phụ trách thu mua của McDonald's tại VN đang xem xét sản phẩm trứng gà từ nhà cung cấp trong nước cho mặt hàng sắp tới sẽ ra mắt tại hệ thống này.

Ngoài ra, đặc điểm của chuỗi là số lượng cửa hàng phát triển nhanh theo thời gian nên các nhà cung ứng cần phải tính toán, đầu tư lâu dài để có thể đồng hành cùng. “Để kiểm soát được chất lượng đầu vào, chúng tôi phải luôn kiểm tra và đồng hành cùng nhà cung cấp. Nhưng việc sản xuất của doanh nghiệp VN hiện phụ thuộc rất nhiều vào con người mà chưa xây dựng được quy trình sản xuất. Khi có biến động nhân sự, chất lượng sản phẩm cũng thay đổi theo” - người phụ trách bộ phận thu mua Lotteria cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà nhìn ra các ngành khác, khả năng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp VN rất thấp.

Một khảo sát mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh rằng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, 36% doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, vẫn còn khiêm tốn so với  Malaysia và Thái Lan. “Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là cách nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế VN hữu hiệu nhất” - bà Lan nhận xét.

Như Bình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên