21/05/2012 10:35 GMT+7

"Văn phòng" kỷ vật

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Đánh mất hết giấy tờ tùy thân, trầy trật đi làm mới rồi sau đó được trả lại, việc đó khiến anh nảy sinh ý tưởng: thành lập văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc.

Điều đặc biệt là văn phòng này hoạt động miễn phí bởi chủ nhân của nó, anh Nguyễn Giang Nam (Hà Nội), thấu hiểu hơn ai hết những giá trị sẽ được tạo ra khi đồ vật được trao lại chỉ bởi cái tâm của người nhặt được.

zNj5cDNn.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Giang Nam trong văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc - Ảnh: N.Nga

Ý tưởng từ tâm

Một lần về quê ở Hà Nam, anh Nam đã đánh rơi giấy tờ tùy thân của mình. Về Hà Nội, anh khổ sở vì không có giấy tờ để làm bất cứ một việc gì khác nên đi làm lại. Những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp khiến anh chạy ngược chạy xuôi mới có lại những giấy tờ đó.

Hai tháng sau, anh nhận lại được giấy tờ cũ từ người nhặt được. Điều này khiến anh thấy vui nhưng cũng khiến anh suy nghĩ: “Nếu người nhặt được mang trả lại sớm hơn thì tốt cho người đánh mất biết bao. Tại sao không có một nơi để người đánh mất và người nhặt được gặp nhau để những vật rơi nhanh chóng trở về với chủ cũ. Mình sẽ mở một văn phòng như vậy”.

Ý tưởng đó xuất hiện trong lúc anh Nam vừa đưa vợ con từ Tây nguyên về Hà Nội sau khi làm ăn thất bại. Cuộc sống gia đình rất khó khăn và anh đành gác ý tưởng đó lại.

Để lo cuộc sống gia đình, anh Nam mở dịch vụ cho thuê ống nhòm ở vịnh Hạ Long. Với dịch vụ này, nhiều người để quên giấy tờ tại chỗ anh khi thế chấp nó để thuê ống nhòm. Cứ sau một thời gian, số giấy tờ tùy thân của khách hàng lại đầy lên, anh Nam gửi tất cả những giấy tờ đó cho chủ nhân của nó theo địa chỉ ghi trên giấy tờ. Những người nhận lại được giấy tờ đã gửi thư cảm ơn anh và bày tỏ niềm xúc động. Điều đó càng thôi thúc anh quyết tâm thực hiện ý tưởng về văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc của mình.

Sau khi cuộc sống gia đình ổn định hơn, anh mở văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc vào cuối năm 2008 và thành lập trang web: www.vanphongdothatlac.com để người mất và người nhặt được có thể dễ dàng tìm thấy nhau.

Văn phòng của gã “khùng”

Chỉ có 10 triệu đồng cho tất cả chi phi: mướn văn phòng, đăng quảng cáo, thuê nhân viên và tất tần tật các thứ linh tinh khác. Vậy mà anh Nam vẫn quyết định thành lập văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc. Hai nhân viên của văn phòng không nhận lương trong mấy tháng đầu. Các bạn sinh viên phát hộ anh tờ rơi quảng cáo. Rồi cuối cùng có những cuộc điện thoại gọi tới văn phòng báo nhặt được đồ.

Anh Nam chạy tới nơi ngay lập tức để mang về, rồi đưa thông tin lên trang web. Để không bỏ lỡ bất kỳ đồ vật nào, anh biến số điện thoại di động của mình thành số điện thoại đường dây nóng của văn phòng. Những vật rơi tầm thường nhất tưởng như là đồ vứt đi nhưng anh Nam vẫn ghi chép và cất cẩn thận vì “Đối với mọi người là vật vứt đi, nhưng đôi khi chủ nhân của nó đang cất công đi tìm vì chứa đầy kỷ niệm. Một lần, có cô bé òa khóc khi nhận lại chiếc ví cũ nát mà người bạn thân của mình tặng đã dạy cho tôi biết điều đó” - anh chia sẻ.

Để nuôi văn phòng tìm kiếm đồ miễn phí này, anh Nam phải mở thêm công ty du lịch, rồi buôn bán gạo ở nhà. Nhiều lần vợ anh than ngắn thở dài khi thấy chồng mang tiền nhà đi lo việc thiên hạ, nhưng rồi thấy chồng mang lại niềm vui cho người khác nên chị cũng đồng ý.

Bạn bè gọi anh là gã “khùng” khi bỏ tiền bạc, công sức vào một văn phòng không mang lại lợi nhuận cho bản thân. Nhưng hơn ai hết, anh Nam hiểu những giá trị mình đang tạo ra: niềm hạnh phúc khi tìm lại được món đồ bị thất lạc. Còn riêng bản thân, anh nhận thấy niềm hạnh phúc của chính mình là những lá thư cảm ơn, chia sẻ niềm vui của người đánh mất lẫn người nhặt được đồ vật.

Trái tim thấu hiểu

Rất nhiều người tự nguyện là cộng tác viên thân thiết của văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc. Họ là những người có cơ hội nhặt được nhiều vật rơi nhưng chẳng ai tư lợi cho mình mà cất công tới tận văn phòng để giao lại. Người nào mang đến cũng chỉ với một lý do: “Biết người mất kiếm khổ lắm nên mang đến văn phòng này cho người ta nhanh chóng tìm được”.

Anh Khương, một người bán cơm bụi ở gần bến xe Giáp Bát, Hà Nội, cứ vài tuần lại mang một xấp giấy tờ nhặt được cho văn phòng. Anh Khương là người từng mất giấy tờ được văn phòng anh Nam tìm trả lại. Ngày nhận lại giấy tờ, anh rưng rưng cảm động. Từ đó anh thường hỏi mọi người ghé vào ăn cơm ở quán mình xem có nhặt được giấy tờ không. Khách ở quán anh chủ yếu là dân lao động nghèo, thường đi làm từ rất sớm nên hay bắt gặp giấy tờ bị rơi. Dù bận bịu cỡ nào anh cũng ghi lại tất cả địa điểm, thời gian nhặt được vật đó rồi lặn lội tới văn phòng của anh Nam giao lại.

Một cộng tác viên khác mà anh Nam rất ấn tượng là chị Hoa, một chủ tiệm cầm đồ. Nhiều người đến chỗ chị cầm cố giấy tờ nhưng không bao giờ thấy chuộc lại nữa. Nhiều đối tượng đến hỏi mua lại những giấy tờ đó nhưng chị từ chối vì sợ họ dùng vào mục đích xấu. Khi biết đến hoạt động của văn phòng anh Nam, chị đã mang tất cả giấy tờ đến nhờ anh gửi trả lại cho họ. Có người rất ngạc nhiên khi thấy giấy tờ của mình được gửi trả lại, đã đến tận nơi cảm ơn rối rít rồi trả lại số tiền mà mình đã lấy của chị.

Câu chuyện mà anh và mọi người trong văn phòng nhớ nhất là việc tìm lại một cuốn sổ thơ cho cô giáo Hồng Vân ở Q.Long Biên, Hà Nội. Chị có một đứa con không may bị bệnh ung thư máu. Những ngày cùng con chống chọi với căn bệnh, chị đã sáng tác những bài thơ tặng con. Cuốn sổ ghi những bài thơ ấy sau đó bị thất lạc đúng lúc con chị qua đời. Chị tìm cuốn sổ thơ nhưng vô vọng. Anh Nam đã đăng tải câu chuyện của chị trên trang web của văn phòng và ra sức nhờ các cộng tác viên của mình để tìm quyển thơ.

Một tuần sau, có cô sinh viên tìm tới văn phòng trả lại cuốn sổ đó. Cô sinh viên đã có được cuốn sổ thơ trong một lần đi mua sách cũ ở vỉa hè. Những bài thơ của mẹ dành cho con đã khiến cô sinh viên cảm động đến ứa nước mắt. Cô trăn trở muốn tìm lại chủ cuốn sổ để trả lại nhưng không biết làm cách nào. Khi nghe câu chuyện về cô giáo Vân đăng trên mạng, cô đã mang cuốn thơ đến trao tận tay cho chủ của nó. Bây giờ cô sinh viên trở thành chị em thân thiết với cô giáo Vân.

Đã có một vài công ty đặt vấn đề mua lại văn phòng nhưng anh Nam nhất định từ chối vì biết họ sẽ biến nó thành dịch vụ thu tiền. “Tôi sẵn sàng nhường lại văn phòng cho một tổ chức xã hội nào có tầm hoạt động rộng rãi để phục vụ mọi người nhiều hơn. Nhưng phải miễn phí bởi vì tôi mong việc trao đi và nhận lại đồ vật thất lạc phải xuất phát từ cái tâm của con người với nhau” - giám đốc “văn phòng” tìm kiếm đồ thất lạc chia sẻ.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Cuốn sách của cha Kỳ 2: Bức ảnh từ lòng đất Kỳ 3: Kỷ vật kể chuyện Kỳ 4: Món nợ cuộc đời

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên