29/08/2009 06:14 GMT+7

Vấn nạn chạy theo bằng cấp

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Hàng trăm thư từ của bạn đọc đã gửi về tham gia diễn đàn “Chạy theo bằng cấp bằng mọi giá?” trong ngày 28-8.

UyTs2jxJ.jpgPhóng to
Học nghề đang là một hướng đi khác để vào đời. Trong ảnh: giờ thực hành trên máy tiện của học sinh hệ THCN Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM -Ảnh: Như Hùng

Sợ hãi đến từ lương tâm, nhân cách

Xung quanh vụ sinh viên Trần Xuân Thanh tạt axit thầy Đặng Hữu Dũng (giảng viên môn tiếng Anh Đại học Nông lâm TP.HCM), ngoài những ý kiến gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo thầy trò, câu chuyện còn có thể được mổ xẻ ở góc độ khác.

Đó là vấn nạn lấy bằng cấp làm thước đo vẫn tồn tại ở nhiều người. Vấn đề này công luận từng mổ xẻ, song kết quả vẫn còn bỏ ngỏ và luôn mang tính thời sự. Khi chưa hoặc không đủ điều kiện đạt được một trình độ nào đó được xác nhận bằng một bằng cấp nào đó, tại sao nhiều người vẫn muốn đạt được nó (bằng cấp) bằng nhiều cách, kể cả vi phạm pháp luật?

Có rất nhiều nguyên do như có được tấm bằng ấy, dù là hữu danh vô thực, người ta dễ dàng thu được nhiều khoản lợi kếch sù, được trọng vọng, được xếp vào những vị trí thuộc hàng “ăn trên ngồi trước” thiên hạ... mà hậu quả đúng như thầy Trần Hữu Tá viết trên Tuổi Trẻ ngày 27-8 là tương lai cả xã hội sẽ bị “tạt axit”! Song quan trọng nhất, theo tôi, đó là không ít người chưa vượt qua được nỗi sợ hãi khi thiếu vắng một “chiếc áo”, đúng hơn là vỏ bọc tưởng chừng là “tri thức” nào đó. Người ta quên rằng khi vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách khoác lên mình “chiếc áo” không được dệt nên từ tri thức của chính mình, lập tức một nỗi sợ hãi lớn hơn sẽ xuất hiện. Đó là nỗi sợ hãi đến từ sự cật vấn của lương tâm, nhân cách!

Nếu không có bằng ĐH, làm sao xin việc?

Có một số bài báo đề cập việc bằng đại học không quan trọng, bên cạnh cửa vào đại học thì học sinh có thể thi cao đẳng, trung cấp... Nhưng khi đi làm mọi chuyện đều ngược lại. Các công ty lớn trong nước cũng như công ty nước ngoài ở VN hiện nay khi tuyển đầu vào thì điều họ yêu cầu đầu tiên chính là bằng đại học. Bạn sẽ không xin được việc làm ở nhiều công ty, ngân hàng nếu như không có bằng đại học...

Chính vì thế gánh nặng bằng cấp đã trở thành áp lực bắt buộc các sinh viên ra trường phải có mảnh bằng cho mình, nếu không thì làm sao có thể xin việc. Đây là một điều chúng ta phải chấp nhận trong xã hội hiện nay, và làm người ai cũng muốn vươn cao và xa hơn trong sự nghiệp. Chính vì thế họ rất cần mảnh bằng ĐH đó để thể hiện mình trước các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó là báo cáo thành quả học tập của mình đối với gia đình khi bỏ ra gần cả trăm triệu đồng cho con theo học. Động cơ của sinh viên Xuân Thanh tạt axit thầy Dũng cũng đến từ áp lực đó, chỉ trách là Thanh đã quá mù quáng và hành động một cách dại dột như trên.

Giá trị ảo tai hại

Hoan nghênh báo Tuổi Trẻ mở ra diễn đàn này để mỗi người cùng góp sức xóa bỏ một thói quen xấu lâu nay: người muốn xin việc phải có bằng đại học. Nói cách khác, sự đồng nhất vô lý giữa bằng cấp và chức vụ hoặc vị trí công việc đã làm bằng cấp trở thành giá trị ảo rất tai hại. Chỉ vì muốn có việc làm hoặc muốn tiến thân, nhiều người không đủ khả năng đã tìm mọi cách để có bằng cấp. Từ đó dẫn tới gian lận thi cử, mua bán, xin điểm, chạy bằng hoặc dọa nạt, hành hung giảng viên chỉ để “qua cầu”.

Quan niệm sai lầm ấy mặc nhiên trở thành dư luận thúc đẩy mọi người đua chen vào đại học, đến mức lãng quên các trường dạy nghề vốn rất thiết thực để có tay nghề vững vàng trong bước đầu lập thân. Việc quan trọng hóa tấm bằng đại học đã tạo ra hệ lụy khiến nhiều học sinh sức học yếu thi nhiều lần không đỗ đạt trở nên thoái chí. Họ quên mất điều hệ trọng đối với cuộc sống là phải có một nghề nghiệp chứ không phải là bằng đại học. Việc học nghề không quá khó, không phức tạp bằng con đường thi vào đại học. Nếu giới trẻ thấy rõ điều đó sẽ không phải đôn đáo chạy đua vào đại học. Nhiều bạn được gia đình hướng dẫn đã hiểu ra vấn đề, chấp nhận vào học nghề sau khi trượt. Và thực tế đã chứng minh quy luật ưu việt của nó: nhiều người nhờ học nghề đã phát huy được năng khiếu, tạo lập cuộc sống ổn định, hơn hẳn một số người có bằng đại học nhưng không chứng minh được năng lực, bị đào thải, thất nghiệp.

Đừng quá chú trọng đến bằng cấp

Đọc tin về vụ tạt axit thầy giáo, tôi thấy rõ thực trạng của xã hội ta ngày nay. Nguyên nhân chính đều bắt nguồn từ việc quá coi trọng tấm bằng đại học. Rõ ràng tấm bằng đại học vẫn là tấm vé tiên quyết trong tâm niệm của rất nhiều người. Có bằng đại học, chúng ta giành được sự tôn trọng từ người khác. Ví dụ như người bạn của tôi rất có năng lực nhưng bằng cấp của bạn chỉ là cao đẳng, dĩ nhiên theo đó lương của bạn bị chi phối theo bảng phân lương, phải mất một thời gian chứng tỏ thực lực bạn mới có được số lương tương xứng với công việc mình đang làm. Bạn kể cô bạn có tấm bằng đại học cùng phòng luôn phân bì vì sự thay đổi mức lương đó, lý do đơn giản là tấm bằng đại học hơn tấm bằng cao đẳng.

Một người bạn nữa của tôi đang theo lớp luyện thi cao học, nhưng lý do đầu tiên thôi thúc bạn theo đuổi ý định vẫn chỉ là “mai này, bằng thạc sĩ dễ có cơ hội thăng chức và lương cũng sẽ cao hơn hẳn”. Trong những năm gần đây, báo chí thường nhắc tới những thay đổi trong quan điểm giáo dục của Việt Nam, và bản thân tôi tin rằng những tiêu cực như “chạy điểm, coi trọng bằng cấp” sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn trong tương lai. Nếu chúng ta nhìn nhận con người theo mọi khía cạnh, đừng quá chú trọng đến bằng cấp, mà chú trọng đến xây dựng nhân cách và ý chí tiến thủ của chính mình, có lẽ sẽ không bao giờ có những chuyện đau lòng và đáng tiếc xảy ra nữa.

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên