04/03/2013 14:17 GMT+7

Vẫn không đồng tình với giải thích của HoRea

TTO
TTO

TTO - Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến không đồng tình của bạn đọc gửi về tòa soạn trong ngày hôm nay 4-3.

TTO trích đăng một số ý kiến.

Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm "từ cái tâm”Đánh thuế tiền tiết kiệm: Ý tưởng lạ lùng, bất khả thi“Hết chuyện” khi đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm

nxL0Os2L.jpgPhóng to
Đánh thuế thu nhập với khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng chắc chắn ảnh hưởng đến người gửi tiền và thanh khoản của ngân hàng - Ảnh: T.Đạm

* Không đồng tình

Tôi không đồng tình với giải thích của ông Lê Hoàng Châu. Việc đánh thuế vào tiền lãi gửi tiết kiệm xem như tận thu sức dân. Đối với nhiều người, đây là số tiền ít ỏi mà người dân chắt mót cả đời mới tích góp được, gửi vào ngân hàng lấy một chút tiền lãi để cải thiện thêm đời sống vốn đã ngày càng khó khăn.

Tôi là giáo viên dạy đã hơn 20 năm, lương hiện tại khoảng 7 triệu đồng, chỉ đủ chi phí tằn tiện cho gia đình 4 người sống ở huyện xa. Tích cực làm thêm trồng trọt, chăn nuôi mấy chục năm được vừa đủ 500 triệu đồng gửi ngân hàng lấy tiền lãi hằng tháng chỉ 3,33 triệu đồng phụ nuôi con học đại học.

Nếu Nhà nước thu thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, tôi và nhiều người nữa sẽ rút tiền ra khỏi ngân hàng và sẽ cho người khác vay kiểu tín dụng đen dù biết rằng nhiều rủi ro. Xin ai đó đừng đề xuất thêm những việc gì đó không hợp lý, thiếu thực tế, chỉ mang lại lợi ích nhóm, làm chúng tôi hoang mang.

LÊ VĂN DŨNG

* Thỉnh thoảng lại xuất hiện "tối kiến"

Mấy năm gần đây tôi thấy thỉnh thoảng lại xuất hiện một số "tối kiến" của các "chuyên gia" như đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm chẳng hạn. Công bằng mà nói, một số vị đề xuất ý kiến theo ngẫu hứng, không hiểu hoàn cảnh của người dân.

Nhà nước đang có chính sách khuyến khích chi tiêu tiết kiệm, đồng tiền còm cõi ấy người ta phải nhịn ăn, nhịn tiêu, chắt mót để gửi vào tiết kiệm phòng khi ốm đau, hoạn nạn. Với đa số người dân kiếm đồng tiền đâu có dễ. Gửi tiết kiệm với lãi suất thấp như hiện nay cũng chưa bù nổi trượt giá. Giả sử nếu có 500 triệu đồng gửi ngân hàng hiện nay lãi suất hằng tháng cũng chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng. Số tiền ấy chưa đủ nuôi một người trong điều kiện bình thường. Thử hỏi đánh thuế nữa thì còn mấy đồng? Làm sao họ đủ sống. Tiền ấy không phải là tiền nhàn rỗi hay dư thừa, mà là tiền họ tiết kiệm để sống vì đâu phải ai cũng có khả năng kiếm tiền, chỉ trông chờ vào số tiền lãi suất đấy thôi.

Giả sử có khoảng 500 triệu đồng muốn mua nhà để ở hiện nay cũng chưa đủ. Người ta phải tiết kiệm, tích cóp để khi có điều kiện mới mua. Nhiều người hiện nay vẫn phải ở nhà thuê, muốn mua một miếng đất để ở cũng khó, chưa nói chuyện đầu tư vào bất động sản.

Trong khi đó, các nhà bất động sản thi nhau đẩy giá lên, giá đất Việt Nam có thời điểm cao nhất nhì thế giới, còn cao hơn cả đất ở các thành phố, thủ đô các nước tiên tiến. Khi giá bất động sản tăng cao, các nhà đầu tư ăn đậm, bây giờ mới hạ một chút đã kêu ầm lên. Giá bất động sản Việt Nam hiện nay tuy đóng băng nhưng vẫn còn rất cao so với khả năng của người làm công ăn lương tiết kiệm tiền để mua đất. Người có nhu cầu ở thì luôn chịu thiệt thòi.

NGUYỄN CÔNG CHỨC

* Đề xuất thiếu kiến thức cơ bản

Hệ thống ngân hàng là nơi huy động vốn của những người có vốn nhàn rỗi nhưng chưa có điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn này, ngân hàng sẽ cho những người sản xuất và kinh doanh đang bị thiếu vốn vay lại. Rõ ràng vốn của người dân khi gửi vào ngân hàng sẽ được đem đi đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các doanh nghiệp chứ không phải ngân hàng huy động tiền của người dân rồi đem bỏ vào tủ khóa lại.

Với đề xuất đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm tôi thấy người đề xuất thật thiếu hiểu biết những kiến thức cơ bản.

HOÀNG THÀNH

* Đừng làm kinh tế bất ổn hơn nữa

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, chứng khoán bất ổn, việc người dân chọn tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn là lẽ tất nhiên. Điều này sẽ giúp Nhà nước dễ dàng quản lý được nguồn tiền tập trung thông qua kênh ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để ban hành các chính sách quản lý đúng đắn nhằm vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ cho các kênh đầu tư khác. Nếu ý kiến đánh thuế tiền gửi tiết kiệm được thực thi, ngay lập tức nguồn tiền tiết kiệm từ dân sẽ phân tán sang các kênh rủi ro khác, càng gây khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước, tình trạng khó khăn sẽ kéo dài mãi do vướng vào vòng luẩn quẩn này.

Nếu Hiệp hội Bất động sản TP.HCM biết nhân lúc khó khăn này tính toán lại giá thành, cơ cấu lại nhóm sản phẩm, tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm phù hợp với thực tế của số đông người dân chính là chung tay vượt khó cùng đất nước, hơn là đề xuất những ý kiến có nguy cơ tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế, thêm âu lo cho người dân.

HOÀNG TUẤN

* Phải xem xét lại

Gửi tiền tiết kiệm cũng bị đóng thuế thì có lẽ tôi phải tính toán lại. Tiền tiết kiệm của con cái cho tặng cộng với bấy lâu nay dành dụm được, bây giờ tôi lại lớn tuổi, còn sức đâu mà kinh doanh.

Tôi có thể chia nhỏ ra làm nhiều sổ tiết kiệm, thậm chí gửi mỗi ngân hàng một ít. Dĩ nhiên mỗi sổ tôi không dại gì gửi trên 500 triệu. Đừng có để luật làm khó người dân. Tôi cho rằng nếu áp dụng việc này sẽ ảnh hưởng lớn, nhất là những người có tiền dành dụm như tôi cũng khá nhiều.

HUY HOÀNG

* Nước nào đánh thuế gửi tiết kiệm?

Làm gì có nước nào đánh thuế tiết kiệm. Ở các nước phát triển, người ta thanh toán giao dịch qua ngân hàng nên thuế được đánh vào lượng phát sinh trong tài khoản, giống như ở ta khi phát lương hay bổng thì thu thuế thu nhập chứ làm gì có chuyện đã chịu thuế thu nhập lại phải chịu thuế tiết kiệm?

PHAM VAN HIEN

* Ngồi rảnh vẽ voi

Hầu hết những người lao động phải vất vả cả đời dành dụm để có một khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng mong lấy lãi để về già sống. Vậy mà ông chủ tịch HoRea "ngồi rảnh vẽ voi" muốn tận thu cả nguồn thu nhập nhỏ nhoi này của người dân. Làm kiểu này thì sao chịu nổi?

HOÀNG DŨNG

* Đề xuất mang tính cá nhân, nhằm cứu bất động sản

Trong Luật thuế thu nhập cá nhân không quy định việc đánh thuế này. Nhà nước đang cố gắng tạo lãi suất dương cho người gửi tiết kiệm. Những người gửi tiết kiệm chưa tìm được kênh đầu tư mang lại hiệu quả thì việc gửi tiết kiệm là an toàn nhất trong thời gian tìm kiếm cơ hội. Ông chủ tịch HoRea này muốn cứu thị trường bất động sản bằng cách "ép" tiền từ những người chưa tìm được cơ hội đầu tư. Ông chẳng hiểu một chút nào về kinh tế và thị trường.

Khi đã tham gia thị trường thì phải biết chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn để tồn tại và phát triển chứ có riêng gì bất động sản đâu. Thật là một ý tưởng mang tính cá nhân, cục bộ.

TRẦN TRUNG

Bạn suy nghĩ gì về đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm. Theo bạn, đề xuất như vậy có khả thi, hợp lý hay không? Hãy gửi những ý kiến của bạn về cho chúng tôi theo địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Xin cảm ơn.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên