02/03/2012 06:11 GMT+7

Vẫn khó tiếp cận vốn rẻ

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG
TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG

TT - Hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay từ đầu tháng 2 đến nay. Thế nhưng, khảo sát thực tế cho thấy bên cạnh một số ít doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn rẻ, nhiều DN khác lại bị tăng lãi suất cho vay.

HhFWUfEb.jpgPhóng to
Với lãi suất hiện nay doanh nghiệp không thể làm ăn có lãi, chưa dám nói đến chuyện đầu tư mở rộng sản xuất. Trong ảnh: sản xuất quạt điện tại Công ty CP Quạt Việt Nam, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Các NH thừa nhận có hiện tượng phân biệt đối xử với khách vay, một số DN được vay với lãi suất thấp hơn và ngược lại là do NH thực hiện chính sách sàng lọc khách hàng...

Vốn rẻ kèm điều kiện

Ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt VN (Asia), cho biết lãi suất vay vốn trung bình của DN đang ở mức 19%/năm, giảm 2%/năm so với trước đây. Theo ông Phương, mức giảm này “có một chút xíu, chẳng đáng kể gì”. DN cũng không thể kinh doanh có hiệu quả với mức lãi suất như thế. Với gần 1.000 công nhân, sản xuất khoảng 1 triệu sản phẩm quạt điện/năm, ông Vũ Đình Phương cho biết hiện công ty không dám nghĩ đến chuyện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất mà chỉ cố quản lý tốt nhất việc sản xuất kinh doanh hiện tại.

Về các gói vay hỗ trợ, ưu đãi mà một số NH vừa công bố thời gian qua, ông Phương có tìm hiểu nhưng thực tế không dễ tiếp cận được vì quá nhiều điều kiện ràng buộc. “Điều này không có gì sai, nhưng nếu DN đáp ứng được thì họ đâu có đi vay làm gì” - ông Phương nói.

Chị Tô Thị Như Hoa, nhân viên kế toán phụ trách giao dịch với NH của một công ty TNHH, cho biết công ty vừa được NH thông báo tăng lãi suất từ 20% lên 22% cho khoản vay 3 tỉ đồng. “Chúng tôi nhận được thông báo mà cứ tưởng nhìn nhầm vì nghe nói NH đang giảm lãi suất cho vay để giúp DN, chứ đâu biết lại tăng như thế này”.

Kinh doanh trong lĩnh vực hàng lưu niệm và văn phòng phẩm, tổng khoản vay cho các khế ước nhận nợ ngắn hạn trong hạn mức mà một số NH dành cho công ty hiện khoảng 10 tỉ đồng, có mức lãi suất dao động 20,5-22%/năm. Theo chị Hoa, nếu tiếp cận được nguồn vốn vay từ các NH quốc doanh thì quá đỡ cho DN vì lãi suất chỉ 17%/năm. Nhưng chị cũng thú thật là chưa bao giờ công ty tiếp cận được nguồn vốn từ các NH này vì thủ tục cho vay khó quá, lúc nào cũng rớt từ khâu... thẩm định.

Trong khi đó ông Đ., một DN chuyên sản xuất trong lĩnh vực cơ điện, cho biết việc các NH thời gian qua tung các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho DN là có, nhưng rất ít DN được thụ hưởng vì có quá nhiều điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, có NH thỏa thuận sẽ cho công ty ông vay với mức lãi suất ưu đãi như công bố, nhưng buộc toàn bộ hệ thống cửa hàng, nhà phân phối của công ty ông phải chuyển sang giao dịch tại NH này, chưa kể các khoản phí “lắt nhắt” khác trong thỏa thuận cho vay cũng được tính cao hơn so với mức cũ.

Đi tìm khách hàng tốt

Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết lãi suất cho vay thấp nhất mà NH đang áp dụng đối với DN xuất khẩu là 16-16,5%/năm. Nhưng số khách hàng được vay với lãi suất này chỉ chiếm 1-1,5% tổng dư nợ, đa số là các DN xuất khẩu.

Ông Bình cho biết chưa thể mở rộng cho vay với lãi suất 16-16,5%/năm, vì với lãi suất huy động như hiện nay mà cho vay lãi suất 16-16,5%/năm thì NH không có lợi nhuận. Hướng tới đây NH sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 1-1,5%/năm trong quý 1 và quý 2. Tuy nhiên không phải mọi đối tượng khách hàng đều được hưởng lãi suất thấp.

Theo ông Bình, trong bối cảnh hiện nay cho vay phải hết sức thận trọng. NH phải xem khách hàng đó là ai, thuộc lĩnh vực gì, có nên đi cùng với họ hay không... Chắc chắn sẽ diễn ra thực trạng nhiều NH cạnh tranh nhau tìm kiếm khách hàng tốt bằng chính sách lãi suất. Thông qua lãi suất, NH sẽ từng bước sàng lọc khách hàng. Một số khách hàng được giảm lãi suất ở mức thấp nhất, còn số khác phải chịu áp lực về lãi suất cao.

Theo ông Bình, đến cuối tháng 2 NH Đông Á chỉ mới tăng trưởng tín dụng được khoảng 2%. Vậy nếu tính bình quân mỗi tháng 1% thì đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ không quá 12%.

Với các NH khác khi đưa ra các chính sách ưu đãi, NH cũng khoanh vùng đối tượng được hưởng lãi suất thấp trong phạm vi hẹp. Như tại NH VIB, gói 4.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5%/năm so với thông thường, NH chỉ ưu tiên cho DN trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là DN thuộc các ngành như gạo, thủy sản, dệt may, gỗ, cà phê, sản xuất đồ uống... NH Sacombank ưu tiên các lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn, cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, cho vay DN vừa và nhỏ.

Theo ông Đỗ Lam Điền, phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp NH Hàng hải, không NH nào dám đưa ra lãi suất cho vay quá cao vì như vậy sẽ mất khách hàng. Mức lãi suất cho vay 19-22%/năm mà NH Hàng hải đưa ra chỉ tương đương với mức lãi suất cho vay của các NH cổ phần khác.

Theo ông Điền, trong điều kiện hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện vĩ mô và điều hành của NH Nhà nước. “Trong điều kiện lạm phát giảm, NH Nhà nước có thể hạ trần lãi suất huy động. Một khi chi phí đầu vào giảm thì chi phí đầu ra sẽ giảm theo” - ông Điền nói.

Chỉ ưu đãi nông nghiệp, xuất khẩu

Từ đầu tháng 2, hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi đã được các NH đưa ra, tuy nhiên đối tượng thụ hưởng chủ yếu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và DN xuất khẩu. NH Vietcombank và Agribank đang áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất là 14,5%/năm.

Mức lãi suất này Vietcombank dành cho khách hàng xuất khẩu thanh toán qua NH này, trong khi NH Agribank áp dụng với những hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thấp nhất là 15,5%/năm; sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm và xuất khẩu vay ngắn hạn.

Tại NH VietinBank, lãi suất cho vay dành cho DN xuất khẩu là 15,8%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh là 16,5%/năm, cho vay nông nghiệp nông thôn và công nghiệp hỗ trợ là 16%/năm.

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên