09/09/2018 09:22 GMT+7

Văn học tuổi 20: Xin chào những cây bút mới

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Chương trình gặp gỡ “Tuổi 20 hôm nay” tại NXB Trẻ sáng 8-9 công bố 20 tác phẩm của 20 tác giả vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ cùng tổ chức.

Văn học tuổi 20: Xin chào những cây bút mới - Ảnh 1.

Tác giả trẻ nhất Phạm Thúy Quỳnh (sinh năm 1997) nói về cảm hứng sáng tác Trăng trong cõi - Ảnh: L.ĐIỀN

Ở lần thi thứ 6, cuộc tìm kiếm tác giả văn chương cho tuổi 20 nước Việt thêm một mùa bội thu: 20 tác phẩm chung cuộc là tập hợp đa thanh sắc của những cây bút có tuổi đời trung bình 25 tuổi. Lễ công bố và trao giải dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019.

Tác phẩm đa thanh sắc

Mùa giải này chứng kiến sự xuất hiện áp đảo của nhiều cây bút đến từ phía Bắc, hứa hẹn mang lại nhiều phong vị mới cho dòng văn học tuổi 20 so với 5 lần trước.

Bám sát với yêu cầu thể tài "Viết về tuổi hai mươi hôm nay với những suy nghĩ, ước mơ, hành động", các tác giả đã trực diện với những vấn đề đương đại, huy động tài năng, độ mẫn cảm và cả niềm yêu thích các thể loại văn học mới như một dịp thử nghiệm...

Người đọc có thể bắt gặp ở đây thể loại kỳ ảo như Chuyện bên rìa thế giới của Bùi Cẩm Linh, Chuyến tàu nhật thực của Đinh Phương; hay một sáng tạo của Nguyễn Đinh Khoa trong tác phẩm Độc hành: từ ý tưởng về những người mang trong mình năng lực kỳ lạ có thể du hành qua các quỹ đạo... được viết thành câu chuyện "lạ lẫm, bí ẩn, hấp dẫn được đặt trong bối cảnh của giới nghiên cứu thời trang và kiến trúc".

Lại có cả tác phẩm viết theo lối xuyên không: nhân vật từ thế giới hiện tại ngược về quá khứ, như Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng: đôi trai gái thời hiện tại trở về quá khứ chứng kiến cảnh vệ quốc của dân Đại Việt hồi thế kỷ XIII, và Những đứa con cổ tích của Bạch Đằng: kể chuyện về một nữ sinh viên lạc đến thế giới cổ tích và bị triều đình các nước lùng bắt... Tất cả được tác giả xây dựng để trả lời câu hỏi: Sự tha thứ đến từ lòng người hay lòng mình?

Và đáng kể hơn cả là phần lớn tác phẩm hướng đến hơi thở của đời sống đương đại. Đó là tập truyện ngắn Tự nhiên say của Phát Dương - cây bút đến từ Bạc Liêu, khơi dậy những ẩn khuất sâu thẳm của tình đất tình người miền Tây Nam Bộ trong vô số những hào nhoáng xô bồ, thay đổi tráo trở.

Hay như truyện dài Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà bằng giọng kể của cô gái tuổi 20 theo đoàn hội chợ lưu động qua nhiều vùng miền đất nước, mang nặng trong lòng những đổ vỡ từ gia đình, để cuối cùng cô tìm ra cách tha thứ cho mình và cho... người lớn.

Trong bối cảnh đô thị hóa như một ám ảnh thường trực trong đời sống hiện nay, Cao Nguyệt Nguyên với Nguyện của đêm đưa người đọc về với vùng ven đô bị vỡ toang trong cơn lốc đô thị hóa chuyển từ làng lên phố. ...

Dự cảm đường dài

Ngay bên lề cuộc gặp gỡ, có ý kiến cho rằng Văn học tuổi 20 có đóng góp lớn cho văn đàn là khả năng phát hiện tác giả. Dù vậy, nhìn lại những mùa giải gần đây, các tác giả được "phát hiện rồi" ấy gắn bó với công việc viết văn chưa nhiều. 

Đây cũng chính là tâm sự của những người tổ chức một giải văn học có tính vận động để tìm kiếm tác giả cho đời sống văn chương nước nhà. Nhưng làm sao để tác giả từ một giải thưởng bước ra và đi đường dài trên hành trình văn chương?

Có mặt tại buổi gặp gỡ, nhà văn Phan Hồn Nhiên thay mặt ban giám khảo Văn học tuổi 20 lần này chia sẻ kinh nghiệm của một người viết đi trước, rằng để gắn bó với văn chương, mỗi tác giả thể nào cũng phải thu xếp cho mình thực hiện song hành mục tiêu cho nghệ thuật và mục tiêu cho cuộc sống. 

"Để làm ra tác phẩm hay thì tác giả phải sống rất là hay" - Phan Hồn Nhiên nhắc lại một quan điểm cô tâm đắc với mong muốn các tác giả Văn học tuổi 20 hôm nay "đặt ra cả hai mục tiêu và theo đuổi tới cùng".

Điều này có thể nhìn thấy ở các tác giả vào chung khảo. Ngoài những tác giả cho biết mình đang theo đuổi các đề tài yêu thích, bắt tay viết các tác phẩm dài hơi, có thể tìm thấy niềm tin ở tác giả trẻ nhất mùa giải năm nay Phạm Thúy Quỳnh khi tâm sự về tác phẩm đầu tay Trăng trong cõi, rằng cô muốn mở ra cái nhìn khác về vua Lê Long Đĩnh. Hay một bản lĩnh đậm chất văn đàn Việt đương đại từ tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa khi viết Cửa sổ phía đông - một tác phẩm nói về thời hậu chiến.

Ông Dương Thành Truyền - trưởng ban tổ chức giải - cũng đưa ra cái nhìn cặn kẽ về đội ngũ tác giả Văn học tuổi 20 lần này ở cả ba chiều: rộng, sâu và dài: "Chiều rộng, từ cận cảnh là những lát cắt của cuộc sống đời thường hằng ngày, với yêu thương và trăn trở, với đồng cảm và khổ đau... cho đến những vấn đề của nhân sinh, của thế giới. Chiều sâu là khát khao trả lời các câu hỏi có ý nghĩa triết lý: Ta là ai? Cuộc đời ta có ý nghĩa gì?

Với chiều dài, theo dòng thời gian nối liền quá khứ với hôm nay và ngày mai, có cái là của hôm qua có thể đếm được tính được bằng năm bằng tháng trong ký ức và kỷ niệm của mỗi đời mỗi người, nhưng cũng có cái phải đo bằng ngàn năm bằng trăm năm trong những thang độ giá trị được khắc tạc từ văn hóa lịch sử của dân tộc hòa quyện với tình yêu đất nước và lòng tự hào của bạn trẻ thời nay...".

Và từ đó ông Truyền bày tỏ niềm tin tưởng: "Đây là tín hiệu báo hiệu của một lớp cây bút thời mới - của hôm nay và ngày mai".

20 tác phẩm vào chung khảo

cấy bút mới

Tại buổi gặp gỡ, NXB Trẻ giới thiệu 14 cuốn sách Văn học tuổi 20 mới vào chung khảo, tiếp theo 6 cuốn đã giới thiệu đợt 1 vào tháng 9-2017 - Ảnh: L.ĐIỀN

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 diễn ra từ ngày 24-12-2015 đến hết ngày 31-5-2018, ban tổ chức đã nhận được 458 tác phẩm, với 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn.

20 tác phẩm của 20 tác giả vào chung khảo: Bữa đời lạc phận (Ka Bình Phong), Cô ấy khiêu vũ một mình (Tịnh Bảo), Chuyện bên rìa thế giới (Bùi Cẩm Linh), Chuyến tàu nhật thực (Đinh Phương), Nguyện của đêm (Cao Nguyệt Nguyên), Cánh đồng ngựa (Nguyên Nguyên), Cỏ dại thênh thang (Tiểu Quyên), Cửa sổ phía đông (Nguyễn Thị Kim Hòa), Độc hành (Nguyễn Đinh Khoa), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (Hiền Trang), Người lạ (Mai Thảo Yên), Nhân gian nằm nghiêng (Đặng Hằng), Những câu chuyện trong thành phố (Vũ Tùng Lâm), Những đứa con cổ tích (Bạch Đằng), Sau những ngày mưa (Phạm Thu Hà), Thỏ rơi từ mặt trăng (Nguyễn Dương Quỳnh), Trăng trong cõi (Phạm Thúy Quỳnh), Tự nhiên say (Phát Dương), Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây), Yagon - những kẻ vô cảm (Phạm Bá Diệp).

Người trẻ phác họa diện mạo người Việt Người trẻ phác họa diện mạo người Việt

TTO - Viết sách là một con đường cô đơn. Nghiên cứu cũng là một con đường cô đơn. Viết sách nghiên cứu đương nhiên lại còn cô đơn gấp bội. Ấy thế mà có những người trẻ đang chọn con đường ấy.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên