07/11/2021 09:02 GMT+7

Văn học Nga, nghĩ từ những hội chợ sách Moskva

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TTO - Nếu muốn nắm bắt phần nào không khí văn học của một đất nước, hẳn không thể bỏ qua những hội chợ sách của đất nước đó. Nước Nga không là ngoại lệ.

Văn học Nga, nghĩ từ những hội chợ sách Moskva - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội sách quốc tế Moskva 2017 - Ảnh: MMKYA

Văn xuôi thời Xô viết có những đỉnh cao của mình, ở đó đã có những bậc thầy vĩ đại. Nhưng văn xuôi Nga ngày nay đã trở nên phong phú đáng kể nhờ kinh nghiệm của chủ nghĩa hiện đại và đa nguyên hậu hiện đại. Nó tinh tế hơn, đa dạng hơn so với văn học kinh điển Xô viết. Và tự do hơn, điều đó cũng rất quan trọng.

Nhà văn OLGA SLAVNIKOVA

Gần đây, trở lại Nga sau hai thập niên, cảm nhận đầu tiên của tôi khi tìm đến Hội chợ sách quốc tế Moskva là như lạc vào một rừng hoa hương sắc.

Đây là hội chợ sách quốc tế lâu đời nhất Moskva: khai trương lần đầu từ năm 1977, và từ đó đều đặn diễn ra hai năm một lần, rồi mỗi năm một lần từ 1997 (chỉ một năm duy nhất hội chợ sách này bị gián đoạn là 1991).

Thay đổi hoàn toàn "mã" văn học

Không khí "hội chợ" năm 2015 được tạo nên bởi những cuộc gặp gỡ thú vị. Người ta có thể gặp ở đó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga G.Zyuganov "tiền hô hậu ủng", xăng xái tới dự một cuộc giới thiệu sách của NXB Cận vệ trẻ. 

Còn năm 2017, vừa cầm lên, hỏi mua một trong những cuốn sách đầu tiên được đem ra trưng bày ở hội chợ của cặp đôi "khét tiếng" Vovan và Lexus (bản tiếng Việt: "Vovan & Lexus - Những kẻ giả danh qua điện thoại, NXB Trẻ, 2018), một phụ nữ - sau này biết ra là giám đốc bán hàng của NXB Piter Tatyana Rodionova - chỉ cho tôi một thanh niên ngồi hí hoáy viết gì đó ngay cạnh và bảo: "Lexus đấy". 

Cũng năm 2017, tôi đã gặp các tác giả yêu thích, Aleksei Varlamov và Tamara Kriukova, tại hội chợ sách này...

Yếu tố "quốc tế" là ở sự hiện diện của những NXB nước ngoài, nơi bạn có thể đong đo được tình hình quan hệ đối ngoại của nước sở tại. Trong cao điểm cấm vận 2019, trong số những nhà xuất bản nước ngoài giới thiệu văn học nước mình ở Hội sách Moskva có Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Belarus, một số nước Baltic và Trung Á. Có những tác giả nước ngoài, dù không có NXB nước mình tham dự, vẫn được các NXB Nga ưu ái giới thiệu.

Các hội chợ sách cho thấy, nếu chỉ "dạo" trên Internet, bạn khó thấy hết toàn cục. Bởi trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, ở Liên bang Nga đã diễn ra việc thay đổi những mô hình cũng như những giá trị chính trị, xã hội, thẩm mỹ, đạo đức, dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn bộ "mã" văn học, như lời của nhà phê bình N. Ivanov. Theo ông, đó là sự thay đổi tổng thể trong "bản thân văn học, vai trò của nhà văn và kiểu người đọc".

Những nhà văn "vô hình"

Một thực tế không thể phủ nhận là bối cảnh chính trị - xã hội của một đất nước, dù muốn hay không, đã tác động ít nhiều đến việc quảng bá văn học của đất nước đó ra thế giới. 

Trong một thế giới mà dòng thời sự chủ lưu đến với khán, thính giả chủ yếu qua lăng kính của các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội phương Tây, dễ hiểu vì sao nữ nhà văn trẻ Nga Anna Starobinets nửa đùa nửa thật nhận xét: "Văn học hiện đại Nga được đại diện ở nước ngoài chỉ với vài tên tuổi (trong số này có Prilepin và Sorokin), những người nổi tiếng trong những nhóm hẹp. Các nhà văn còn lại dường như vô hình. Nhìn chung, đối với phương Tây, văn xuôi Nga kết thúc đâu đó ở Solzhenitsyn, mà cụ thể đối với văn học viễn tưởng, là ở anh em Strugatsky", mặc dù văn học hiện đại Nga không thiếu những cây bút tài ba.

Điểm lại các đầu sách bán chạy của Nga những năm qua, có thể thấy sự "đa dạng" và "tự do" như nhận định của nhà văn Olga Slavnikova - điều phối viên mảng văn xuôi của giải thưởng văn học "Debut". 

Chỉ trong nhóm nhà văn thuộc "thế hệ trẻ nhất" (còn được gọi là "thế hệ next") của văn học hiện đại Nga (những nhà văn sáng tác ở bản lề thế kỷ 20 - 21) đã nhận ra sự đa dạng này: từ Viktor Pelevin với những thử nghiệm hậu hiện đại đến những "tiểu thuyết thông minh" của Evgheni Chizhov, từ những tác phẩm châm biếm tư tưởng liberal của Mikhail Elizarov đến những khai phá có tính sử thi của Guzel Yakhina... Thành công của họ có thể đo được qua những tác phẩm vừa xuất bản đã được dựng thành phim cũng như được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nắm bắt những xu hướng công nghệ và kỹ thuật viết, tác phẩm của các nhà văn trẻ này còn được phát triển thành các trò chơi điện tử, trong khi chính họ mở ra những "xưởng viết" để thu hút giới trẻ cùng sáng tác. Không khí tự do thể hiện qua những phản biện chế độ chính trị (các tác phẩm của D. Bykov hay D. Glukhovsky).

Đi trước họ là những nhà văn "gừng càng già càng cay", trong số này phải kể nữ nhà văn L. Ulitskaya (một kiểu "Murakami" của người Nhật, nhiều năm liên tục nằm trong danh sách những nhà văn Nga được để cử Nobel văn học). 

Dịch giả Mỹ Lisa Hayden kể khi quyết định dịch Lavrus của bậc thầy ngôn ngữ tiểu thuyết đương đại Nga E. Vodolazkin: "Tôi không hề có ý định dịch Lavrus khi đọc nó lần đầu vào năm 2013... Nhưng càng đọc, Lavrus càng mê hoặc tôi... Không chỉ là cốt truyện thu hút, ngôn ngữ tiểu thuyết của Vodolazkin trải qua nhiều thế kỷ tạo ra hiệu ứng kính vạn hoa mà Vodolazkin phát triển theo cách ta cảm thấy hoàn toàn tự nhiên. Các từ lỗi thời, từ vựng cổ có cách xuất hiện trong cuốn sách như những món đồ bị bỏ quên mà ta tìm thấy khi tuyết tan vào mùa xuân"...

Kế thừa di sản kinh điển vĩ đại, văn học Nga hiện đại tiếp tục thuyết phục bởi tính tư tưởng, nội lực thâm sâu và lao động nhà văn nghiêm túc. Người Nga vẫn được tưới tắm tươi mát trong vườn hoa văn học của mình, dẫu với góc nào đó của thế giới, vườn hoa đó có thể... "vô hình".

Vượt qua tình hình khủng hoảng trong xuất bản

Từ tháng 9-2020, dịch bệnh đã khiến hội chợ hằng năm diễn ra theo hai định dạng: thực tế và online. Một trong những cuộc làm việc online của các đại diện ngành sách Nga về đề tài "Thị trường sách Nga" cho biết các kết quả của năm 2019 cho thấy Nga đã vượt qua tình hình khủng hoảng trong việc xuất bản sách (bị giảm số đầu sách và tụt dốc thê thảm số bản in) hồi thập niên 2010. Các đại diện ngành sách Nga cho rằng họ đang bước vào "thời kỳ ổn định lâu dài và lạc quan".

Văn học Nga - tình yêu và sự đứt đoạn Văn học Nga - tình yêu và sự đứt đoạn

TTO - Buổi tọa đàm sáng 5-11 của hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Trần Tiễn Cao Đăng tại Đường sách TP.HCM về 'Dịch sách văn học Nga hôm qua và hôm nay' thu hút nhiều bạn đọc.

PHAN XUÂN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên