Một ngôi nhà cổ ở di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm - Ảnh: K.Linh |
Mục tiêu của dự án là bảo tồn 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, việc tôn tạo, tu bổ phải đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2018.
Trước mắt, UBND TP Hà Nội giao UBND thị xã Sơn Tây - chủ đầu tư dự án - thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng... Đồng thời thẩm tra, thẩm định và trình phê duyệt dự án theo quy định của Luật di sản văn hóa, Luật xây dựng, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện có liên quan.
UBND TP Hà Nội cũng quyết định nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án sẽ được ngân sách TP hỗ trợ tối đa là 800 triệu đồng/ngôi nhà. Phần kinh phí còn lại (trên 800 triệu đồng/nhà - nếu có) do ngân sách thị xã, ngân sách xã và các hộ dân có nhà chịu trách nhiệm cân đối.
Trước đó, năm 2013, gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước (Tuổi Trẻ ngày 8-5-2013).
Nguyên do là nhà cửa xuống cấp và không đáp ứng được tiêu chuẩn sinh hoạt nhưng người dân không có quyền tự do xây dựng, sửa sang; từ lúc làng “làm du lịch”, bà con Đường Lâm chỉ thấy thiệt thòi mà chưa được hưởng lợi gì, chỉ có khoảng tám gia đình trong khoảng 400 hộ được đầu tư xây dựng...
Hàng loạt cuộc họp đã mở ra trước sự quan tâm của dư luận và sự bức xúc của người dân làng cổ. Nhiều cơ quan chức năng của TP Hà Nội sau đó đã nhận lỗi vì không làm tròn trách nhiệm. Lãnh đạo Hà Nội cũng lên tiếng xin lỗi vì chậm giải quyết những bức xúc của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận