Phóng to |
Phóng to |
Nhân dịp tiểu thuyết Rừng người vừa mới ra mắt độc giả trong tháng 9, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Đỗ Phấn.
* Trong vòng hai năm cho ra mắt ba cuốn tiểu thuyết, cho thấy sức làm việc rất tập trung... Có phải là anh đang say tiểu thuyết?
- Thật ra trước đấy tôi đã in năm cuốn sách khác gồm tản văn và truyện ngắn. Từ những cái viết ngắn bởi phải gò vào một khuôn khổ chữ nhất định, tôi thường có những ngẫm nghĩ lan man theo dòng suy tưởng. Tất cả được ghi chú lại ở một nơi trong máy tính để đến bây giờ hình thành ba cuốn tiểu thuyết.
Nói là say thì cũng đúng nhưng với tôi, tiểu thuyết luôn là cỗ máy cái trong tác phẩm của bất kỳ người viết nào. Ở đấy các thao tác nghề nghiệp và vốn sống sẽ được sử dụng đầy đủ nhất. Ở thể loại ấy, ta không còn phải đắn đo quá nhiều về câu chữ, về bố cục và thậm chí cả những ngoại đề vụn vặt nhạy cảm.
* Anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết?
- Nói về quan niệm tiểu thuyết hình như quá sức của tôi, một người không được đào tạo lý luận về nghề viết. Với tôi, đơn giản tiểu thuyết chỉ như một hành trình khám phá chiêm nghiệm cái đẹp của cuộc sống. Những xấu xa bỉ ổi thấp hèn nếu có mặt trong tiểu thuyết cũng là để tôn vinh cái đẹp. Câu chuyện này tôi rút ra từ công việc hội họa của mình. Vẽ và viết có lẽ gặp nhau ở đấy, nhất quán ở lý tưởng thẩm mỹ. Vẽ và viết với tôi có chung một đích đến là cái đẹp, sự lương thiện và có thể hiểu được.
* Giới phê bình cũng như bạn đọc đều nhìn nhận rằng tiểu thuyết Đỗ Phấn mô tả đời sống thị dân ở góc độ cận cảnh, và anh là một trong số ít nhà văn viết về đời sống thị dân hôm nay. Có phải đó là chủ ý của anh?
- Đơn giản vì tôi sinh ra và lớn lên ở đô thị. Thật ngạc nhiên là tôi thấy đa số nhà văn đều sống ở đô thị mà sáng tác của họ lại không nói lên điều ấy. Mảnh đất tưởng rằng rất quen thuộc với các nhà văn hóa ra lại không phải là chất liệu để làm nên tác phẩm.
Nhà văn đô thị đi thực tế khắp nơi để viết về những con người và vùng đất mình đi qua. Tôi làm công việc ngược lại. Đi nhiều nơi để viết về mảnh đất mình đã và đang sinh sống một cách có so sánh chiêm nghiệm. Tôi nghĩ rằng đời sống thị dân dù quan sát ở góc độ cận cảnh nhất cũng khó mà mô tả được nếu như không có những đối sánh.
* Trong Vắng mặt, Chảy qua bóng tối và Rừng người đều thấy những “xê dịch dưỡng thương”, thấy “vắng mặt” giữa “rừng người”... Dường như ít thấy nơi trang viết anh sự “phản biện” những vấn đề xã hội mà nhiều người hôm nay hay nói tới?
- Tôi không nghĩ rằng tiểu thuyết cần phải có chức năng phản biện những vấn đề xã hội. Hoặc nếu có thì nó đã xong việc và dừng lại từ thời “văn học hiện thực phê phán” trước năm 1945 mất rồi. Dĩ nhiên đó là những phản biện trực tiếp có tính phổ cập cao.
Tôi nghĩ văn chương cần phải ở một tầm bao quát lớn hơn, cần phải neo đậu trong tâm trí bạn đọc những nghĩ ngợi liên tưởng hay lóe sáng chiêm nghiệm về những vấn đề lâu dài của xã hội. Văn chương không phải là một bà già lắm điều.
Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1980, giảng dạy mỹ thuật tại khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội từ 1980-1989. Ngoài ba tiểu thuyết mới xuất bản gồm Vắng mặt (Bách Việt - NXB Hội Nhà Văn), Chảy qua bóng tối (NXB Trẻ), Rừng người (NXB Phụ Nữ), từ năm 2005 đến nay Đỗ Phấn đã in các tập: Chuyện vãn trước gương, Ông ngoại hay cười (tản văn), Đêm tiền sử, Kiến đi đằng kiến, Thác hoa (truyện ngắn)... Về tiểu thuyết Đỗ Phấn, cây bút phê bình văn học Đoàn Ánh Dương nhận định: “Sẽ rất thú vị nếu đọc văn Đỗ Phấn trong (trí tưởng) những không gian đô thị còn tranh chấp, nơi vừa như muốn níu giữ một điều gì đó còn trong trẻo của xưa kia, vừa như phải vươn vào đời sống danh lợi tục tằn hiện tại”... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận