18/05/2011 23:36 GMT+7

Vẫn băn khoăn cơ chế giá điện

P.PHƯƠNG
P.PHƯƠNG

TT - Hơn một tháng nữa, việc thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh sẽ bắt đầu (ngày 1-7). Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) tổ chức ngày 18-5, một số đơn vị tham gia phát điện cạnh tranh vẫn còn nhiều thắc mắc cơ chế giá.

Đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết theo quyết định 26 của Thủ tướng, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ kéo dài đến năm 2014, sau đó là thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2014-2022 và sau năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Bà Võ Tú Oanh - phó ban thương mại Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) - băn khoăn: thông tư 41 quy định giá bán điện được tính theo VND và chỉ được bù đắp 2,5% trượt giá, trong khi lạm phát hiện đang vượt quá 10%. Do vậy, theo bà Oanh, khi giá điện đầu ra của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, các đơn vị bán điện như PV Power cũng cần được điều chỉnh.

Ông Trần Tuệ Quang, trưởng phòng giá và phí (Cục Điều tiết điện lực), cho rằng giữa PV Power và EVN, khi giá bán điện đầu ra chưa được điều chỉnh, mọi chi phí được đàm phán vẫn theo nguyên tắc hai bên thỏa thuận và xem xét trên cơ sở khả năng chịu đựng của EVN.

Khi giá bán điện được điều chỉnh hoàn toàn, giá mua điện của EVN với các nhà máy theo nguyên tắc đàm phán đảm bảo nhà đầu tư thu hồi đủ các chi phí, đảm bảo có lợi nhuận hợp lý trong cả vòng đời dự án. Khi nguyên tắc đó được thỏa thuận, theo ông Quang, sẽ không có chuyện điều chỉnh giá đã đàm phán khi các chi phí đầu ra của EVN được thu hồi thông qua điều chỉnh theo giá thị trường.

“Theo thông tư 41, mọi hợp đồng phải được ký kết trước khi khởi công xây dựng dự án và nhà đầu tư phải tính hết mọi trường hợp biến động của thông số đầu vào tỉ giá, trượt giá để chấp nhận mọi rủi ro khi tham gia thị trường điện” - ông Trần Tuệ Quang lưu ý.

Chỉ EVN có lợi?

Ông Trần Tuệ Quang cho biết về nguyên tắc, cạnh tranh ở khâu phát điện là để giảm giá và người tiêu dùng được lợi từ việc này. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải bảo đảm cho nhà đầu tư là các nhà máy điện có đủ kinh phí để đầu tư vào ngành điện. Nếu không được lợi thì việc thiếu điện vẫn sẽ xảy ra và người tiêu dùng không được hưởng thụ.

Ông Hoàng Xuân Quốc, tổng giám đốc Công ty cổ phần điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2, nêu vấn đề: theo nghị định của Chính phủ, EVN có thể tăng giá điện, nhưng đó là tăng giá bán điện cho EVN - tức người bán lẻ. Việc tăng giá đó, những nhà đầu tư có được hưởng gì không hiện vẫn chưa rõ. “Giả sử tháng 6 tăng giá điện 5%, những người phát điện như chúng tôi sẽ được tăng thêm bao nhiêu của 5% đó?” - ông Quốc nói.

Nếu không xử lý về mặt cơ chế bài toán này, theo ông Quốc, tất cả những việc chúng ta đang làm hiện nay “chỉ duy nhất là làm lợi cho EVN chứ chưa huy động, kêu gọi đầu tư các nhà máy mới. Và như thế, giá bán điện hiện nay mới chỉ tăng giá bán lẻ, chưa có cơ chế giá bán buôn”.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Tuệ Quang cho biết: Chính phủ nhận thấy tình hình tài chính của EVN bất lợi. Vì vậy, nếu không có cơ chế điều chỉnh giá điện tăng hay giảm theo biến động của thông số đầu vào thì tình hình tài chính của EVN càng ngày càng xấu, sẽ không có khả năng đầu tư vào ngành điện.

Để đảm bảo tình hình tài chính, thu hút đầu tư vào khâu phát điện, Bộ Công thương trong thông tư 41 cho phép điều chỉnh theo giá nguyên liệu khi có biến động. Khi những thông số này biến động thì giá bán điện của các công ty phát điện bán cho EVN được điều chỉnh theo. Như vậy sẽ có cơ chế ban hành khung giá hằng năm và cơ chế xây dựng lại giá phát điện cho các nhà đầu tư mới.

Các nhà đầu tư mới hoàn toàn được hưởng lợi từ cơ chế của Chính phủ cũng như Bộ Công thương. Các nhà đầu tư khi đã ký hợp đồng mua bán điện thì chấp nhận tất cả rủi ro trong vòng đời của dự án, trong thời gian hợp đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công thương cũng xem xét trường hợp nhà đầu tư không lường hết những biến động nên đã xây dựng cơ chế cho phép các hợp đồng mua bán điện được điều chỉnh theo tỉ giá, giá nguyên liệu. Như vậy, khi các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì cũng được xem xét đưa các rủi ro đó vào trong giá bán điện cho EVN.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, thời gian qua do tình hình tài chính của EVN rất khó khăn nên đã xảy ra việc EVN nợ tiền một số nhà máy điện. “Chúng tôi đang yêu cầu EVN lập một quy trình thanh toán, chuyển tiền nội bộ để đảm bảo tiền chuyển từ các công ty điện lực qua các khâu nhằm phục vụ việc thanh toán thị trường” - đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.

P.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên