Các bạn trẻ tham gia Hội nghị khoa học kinh tế trẻ lần thứ II năm 2015 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp cùng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức” |
Một đội ngũ nghiên cứu kinh tế trẻ có năng lực, tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế sẽ giúp định hướng chính sách của Việt Nam ở sân chơi khu vực trong thời gian tới.
Đừng sợ hội nhập
Giới trẻ làm gì để hội nhập, khởi nghiệp như thế nào, nghiên cứu học thuật theo hướng nào để phục vụ cho hội nhập… là những vấn đề chính được đưa ra tại hội nghị khoa học kinh tế trẻ lần thứ II, năm 2015 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Triển vọng và thách thức”. Hội nghị do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp cùng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức.
Ông Trần Du Lịch – Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, đừng bao giờ sợ hội nhập, bởi trên thực tế chúng ta hội nhập có lộ trình chứ không phải nói hội nhập là mở toang cửa, hội nhập tất cả. Vì vậy, các bạn trẻ muốn làm khoa học phải có cái nhìn từ thực tế, không tránh né thực tế, phải có khát vọng, trăn trở và phải có niềm tin. Hãy chọn nghiên cứu từng vấn đề cụ thể, theo lộ trình cụ thể để đúc kết lại thành quy luật từ đó có cơ sở phương hướng trong hội nhập.
Ông Đoàn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cho biết, sau một thời gian triển khai, Hội nghị khoa học kinh tế trẻ lần thứ II đã thu hút được 77 công trình nghiên cứu của 114 tác giả thuộc 25 Viện, trường tham gia. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 22 công trình xuất sắc nhất để trình bày trước hội đồng giám khảo lựa chọn ra các công trình trao giải nhất, nhì, ba.
Nghiên cứu tốt giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh
Theo PGS. TS Lý Hoàng Ánh - Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, năm 2015 đánh dấu hai sự kiện trọng đại về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đó là việc chúng ta đã chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc cạnh tranh thương mại, đầu tư sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rời bỏ thị trường. Những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, chấp nhận thay đổi hay bị đào thải, phá sản là việc diễn ra ngay trước mắt.
Vì thế, một lộ trình hội nhập trên nền tảng vững chắc mà cơ sở từ nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ, các nhà nghiên cứu trẻ… thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực sẽ được áp dụng vào thực tiễn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh hơn, hạn chế những thách thức tốt hơn.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Phạm Ngọc Tường Loan (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và tự động hóa, nhu cầu về lao động của con người giảm theo thời gian, cùng việc cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực nên thời gian sắp tới, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho lao động Việt Nam ngay trên sân nhà. Vì vậy, các doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là chìa khóa quan trọng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng việc đóng thuế thu nhập...
Ngoài ra, việc trau dồi khả năng ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết. Theo đánh giá của một trong các nhóm nghiên cứu khoa học kinh tế trẻ lần thứ II cho thấy, Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về mức độ thành thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, kỹ năng tiếng Anh của người Việt chỉ mới ở mức độ trung bình. Do vậy, việc học tập để nâng cao trình độ tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là yêu cầu cấp bách, phải sử dụng thành thạo tiếng Anh và ngoại ngữ trong mọi lĩnh vực.
Giúp định hướng chính sách mới
Trước những thách thức đặt ra, các nhà khoa học trẻ thể hiện tư duy, trao đổi kinh nghiệm về nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn diện. Từ đó, hướng tới xây dựng một đội ngũ nghiên cứu kinh tế trẻ có năng lực, tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế về chất lượng học thuật, giúp định hướng chính sách của Việt Nam ở sân chơi khu vực trong thời gian tới - PGS.TS Lý Hoàng Ánh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận