26/02/2021 21:27 GMT+7

Vắc xin ngừa COVID-19 chỉ sinh kháng thể trong thời gian nhất định, không được chủ quan

N.AN
N.AN

TTO - Dù vắc xin đã có nhưng không được chủ quan vì sau khi tiêm mũi thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay, mà phải đến mũi thứ hai.

Vắc xin ngừa COVID-19 chỉ sinh kháng thể trong thời gian nhất định, không được chủ quan - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Đam cho rằng không nên chủ quan khi đã có vắc xin - Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 26-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh và gửi lời chúc cùng lời cảm ơn, sự tri ân tới những thầy thuốc, người làm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Ông Đặng Quang Tấn - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết từ ngày 25-1 đến nay đã ghi nhận 831 ca mắc trong nước, trong đó 12/13 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương; 10/13 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, tốc độ lây lan của biến thể mới nhanh gấp 4-5 lần nên đòi hỏi năng lực phát hiện, cách ly, khoanh vùng tương ứng. Với năng lực phản ứng phòng chống dịch tăng lên, việc kiểm soát tình hình dịch trong nước đã tốt hơn.

Tuy vậy, qua ổ dịch TP Chí Linh cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây nhanh hơn, xuất hiện ở khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín. Tại ổ dịch Cẩm Giàng, dịch bệnh xuất hiện trong quán karaoke là dư địa thuận lợi cho virus lan truyền.

Việc ổ dịch ở Hải Dương lâu hơn bởi xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn, biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đợt dịch vừa qua có biến thể virus xâm nhập từ bên ngoài, trùng với thời gian nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cách ly ngắn hạn.

Hiện nay, giải pháp căn cơ nữa là tiêm vắc xin đang được Bộ Y tế tích cực triển khai và tới đây sẽ tổ chức tiêm chủng thật tốt. Song ông Đam cho rằng dù vắc xin đã có nhưng không được chủ quan vì sau khi tiêm mũi thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay, mà phải đến mũi thứ hai.

"Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc xin. Thêm nữa, chúng ta chưa thể tiêm vắc xin cho tất cả người dân nên vẫn phải bao đê cho chặt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K" - ông Đam nhấn mạnh.

Đối với hiệu quả các vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định độ đặc hiệu của vắc xin AstraZeneca là từ 80% trở lên. Riêng với vắc xin trong nước, đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng, nhưng ông Đam yêu cầu phải tuân thủ các bước, chắc chắn.

Những thông tin ban đầu cho thấy các vắc xin ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt hay 1 năm là xong. Do đó việc sớm hoàn thành nghiên cứu vắc xin trong nước sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

Do đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vẫn cần tiếp tục chiến lược 5 bước (ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả) được áp dụng hiệu quả, cần tiếp tục kiên trì. Cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó.

Với trường hợp biến thể mới lây lan nhanh có thể áp dụng "phong tỏa trong phong tỏa”, xác định yếu tố rủi ro sẽ dỡ phong tỏa "vòng ngoài" để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.

Ngân sách mua vắc xin, trung ương và địa phương cùng chi trả Ngân sách mua vắc xin, trung ương và địa phương cùng chi trả

TTO - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó nêu rõ đối tượng, địa bàn ưu tiên tiêm và miễn phí.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên