04/11/2017 15:57 GMT+7

'Và một ngày dài hơn thế kỷ' của một thời 'Đợi anh về'

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTO - “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương...”.

Và một ngày dài hơn thế kỷ của một thời Đợi anh về - Ảnh 1.

Văn học Nga vẫn có chỗ đứng nhất định trong độc giả Việt. Trong ảnh: ra mắt sách Đợi anh về chiều 3-11 tại Hà Nội - Ảnh: Y Ban

Những lời này của Rotsin nói với Katia trong bộ tiểu thuyết Con đường đau khổ của Aleksandr Tolstoy vẫn luôn vang vọng trong tâm trí nhiều độc giả Việt Nam yêu thích văn học Nga nói chung, văn học Liên Xô nói riêng, trong suốt chiều dài một thế kỷ, và còn hơn thế.

Tinh thần nhân văn

Bằng nỗ lực của những cá nhân vẫn thiết tha gắn bó với nước Nga và văn học Nga, độc giả Việt Nam vẫn có dịp được biết đến đời sống văn học và được đọc một số tác phẩm của các nhà văn Nga đương đại như L. Ulitskaya, A. Marinina, V. Pelevin...

Một số tác phẩm của những tác giả nổi tiếng của văn học Nga trước đây như V. Nabokov (Lolita, Tiếng cười trong bóng tối), Ye. Zamyatin (Chúng tôi)... cũng đã được xuất bản bằng tiếng Việt.

Đó là một nền văn học đang từ là người học trò của châu Âu vụt lớn thành người thầy ở thế kỷ 19 với những tác gia cổ điển như Lev Tolstoy, F. Dostoevsky, I. Turgenev, A. Chekhov... 

Vắt qua thế kỷ 20, cánh chim báo bão M. Gorky đã thổi tiếp trên trang văn lời kêu gọi "bão táp, hãy nổi lên dữ dội hơn nữa!" và ca ngợi "sự điên cuồng của những người dũng cảm". 

Những truyện ngắn thời kỳ đầu của Gorky đầy tính lãng mạn và phóng túng của những con người "dưới đáy" khát khao vươn lên làm người, khát khao tự do, hướng tới những "trái tim Danko" cháy lên soi đường cho con người đi tới những miền xa tốt đẹp.

Tinh thần của văn học Nga - Xô viết là tinh thần nhân văn xót thương con người với phận kiếp "con người thừa", "con người nhỏ bé" và khi họ bước sang một cuộc sống mới, trong một hoàn cảnh lịch sử mới thì cái làm rung động người đọc nhất trong văn chương vẫn là "số phận con người" của những người bình thường, đau khổ, như nàng Lara cùng bác sĩ Zivago của B. Pasternak, như Aksinia và chàng Cozak Gregori của M. Sholokhov.

Độc giả Việt Nam đã được hấp thụ và tận hưởng vẻ đẹp say sưa đó của văn chương Nga - Xô viết, ngay cả khi biết hiện thực đằng sau trang sách không thực như mơ. 

Có một thời, một thế hệ, lớp người trẻ Việt Nam yêu thích văn chương Liên Xô cơ hồ chìm vào bầu không khí mộng mơ theo những truyện ngắn của K. Paustovsky. 

Ngay cả trong chiến tranh khốc liệt, lời thơ Đợi anh về của K. Simonov vẫn dặt dìu, tha thiết lời nhắn gửi yêu thương.

Nhạy cảm trước thời cuộc

Thời kỳ cuối của văn học Liên Xô đến Việt Nam với những tác phẩm như Chuyện thường ngày ở huyện (V. Ovechkin), Quy luật của muôn đời (N. Dumbatze), và đặc biệt là tiểu thuyết Thao thức (A. Kron) đã mở ra một cách tiếp cận khác với một nền văn chương tưởng đã quen đến mức cũ. 

Văn chương luôn là tiếng nói nhạy cảm trước thời cuộc. Trong không khí sôi sục biến động của thời cải tổ được phát động với kỳ vọng làm cho "chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người" của nước mình, những nhà văn Liên Xô tỉnh táo và đau đáu với số phận đất nước, nhân dân đã viết nên những tác phẩm có sức thức tỉnh lớn. 

Chúng được dịch ra tiếng Việt gần như cùng trong một hoàn cảnh đồng dạng nên càng được tìm đọc và bàn luận và cả tiếp thu.

Từ thập niên cuối thế kỷ 20 đến gần hai thập niên đầu thế kỷ 21, khi Liên Xô không còn, văn học Nga ở Việt Nam có sự đứt đoạn trong việc dịch và giới thiệu. 

Mối quan tâm của độc giả Việt Nam đối với văn học Nga cũng giảm sút. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chính là tự thân văn học Nga cũng đang phải trải qua thời kỳ chuyển đổi hệ hình, phải thích ứng với hoàn cảnh lịch sử mới, phải thay đổi cách thức thể hiện nghệ thuật. 

Do đó văn học Nga mới chưa định hình rõ, chưa có nhiều tác phẩm hay.

Và một ngày dài hơn thế kỷ của một thời Đợi anh về - Ảnh 3.

Sách Tuyển thơ chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về ra mắt chiều 3-11 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười - Ảnh: P.X.NGUYÊN

Thiếu văn hóa là thành nô lệ, sát nhân...

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Tâm cảm, mỹ cảm văn chương của Liên Xô, đất nước đầu tiên trên thế giới đang trong cơn hứng khởi xây dựng một xã hội chưa từng có, đã ảnh hưởng và chi phối khá đậm đến cách đọc và cách viết ở Việt Nam.

Cho đến khi ở Liên Xô công cuộc cải tổ đã đem lại cho văn học những tác giả, tác phẩm từng một thời bị khuất lấp, che phủ, thì sự cập nhật chúng ở Việt Nam qua những bản dịch kịp thời cũng đem lại sự tương ứng đồng điệu cho văn học trong nước.

Trăm năm thì ngắn một ngày dài ghê! Từ những năm 1980 nhà văn Liên Xô thuộc nước cộng hòa Kyrgyzstan Chingiz Aitmatov đã chiêm nghiệm điều này trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông mang tên Và một ngày dài hơn thế kỷ.

Một trăm năm đã trôi qua kể từ cuộc cách mạng được mang tên Tháng Mười nổ ra. Liên Xô đã không còn tồn tại. 

Bản đồ thế giới đã có nhiều sự vẽ lại trong một thế kỷ qua. Nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật thì còn đó, chúng mang dấu tích của thời được viết ra và mang những thông điệp gửi tới các thời sau. 

Như chuyến đi của nhân vật trong cuốn truyện của Aitmatov. Đó là chuyến đi của đời người của số phận. Cao hơn nữa đó là hành trình của văn hóa từ truyền thống đến hiện đại.

Khi người công nhân đường sắt Yedigei tìm cách chôn cất bạn mình là Kazangap trong nghĩa trang truyền thống của làng thì ở phía kia thế giới các chính khách Mỹ và Liên Xô đang bàn tính có nên đón tiếp các vị khách từ hành tinh khác đến Trái đất hay không. 

Yedigei cố gắng hết sức để bạn mình được yên nghỉ trong lòng đất quê hương theo đúng phong tục tập quán mặc cho con trai người quá cố và dân làng nhạo báng nói rằng từ lâu họ chẳng còn tin vào truyền thống nữa. 

Chỉ đến khi biết được khu nghĩa trang của làng bây giờ nằm trong địa phận dành cho các hoạt động nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô và sẽ phải dời chuyển, ông mới đành thôi.

Hai mạch cốt truyện song hành của Và một ngày dài hơn thế kỷ là để tác giả nêu lên sự căng thẳng giữa giá trị của tiến bộ khoa học kỹ thuật và tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống và bản sắc. 

Một ngày dài hơn thế kỷ là cái ngày đó, ngày Yedigei đưa Kazangap ra nghĩa trang dọc đường ông hồi tưởng cả cuộc đời mình và bạn mình đã sống với biết bao biến cố bao điều đã thấy và đã nghĩ. Con người thiếu văn hóa tức là mất ký ức, là trở thành nô lệ cho kẻ khác, là thành sát nhân.

Chính ở tiểu thuyết này nhà văn đã lấy lại cái từ "mankurt" trong truyền thuyết Thổ Nhĩ Kỳ để nói về loại người đó. Một người mẹ có đứa con bị quỷ thần bắt và lấy mất ký ức. 

Khi bà mẹ tìm được đứa con về thì nó chẳng còn nhớ gì bố mẹ, chẳng biết mình sinh ra ở đâu và cuối cùng nó đã giết người mẹ vì nghe nói bà định làm hại nó. 

Tên người mẹ trong truyền thuyết đó được đặt cho nghĩa trang làng mà Yedigei muốn chôn cất bạn mình. 

Và từ tiểu thuyết "mankurt" đã trở thành một danh từ chung chỉ loại người mất văn hóa mất ký ức cội nguồn, bỏ cái của mình chạy theo cái của người khác. Tóm lại "mankurt" là "kẻ mất gốc".

Tôi nhớ về và ngẫm về văn học Nga ở Việt Nam trong tháng mười 2017 là trong tâm trạng "Và một ngày dài hơn thế kỷ" đó.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên