05/01/2016 14:07 GMT+7

Ủy ban khởi nghĩa bí mật

HỒNG SƠN
HỒNG SƠN

TT - Về Đà Nẵng, Trần Tiến Cung báo cáo kết quả chuyến đi với trung tướng Trần Văn Quang và trung tướng Phan Bình. Cả hai vị tướng đều rất vui và cho rằng bước đầu như vậy là tốt đẹp.

Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia ra đời tháng 5-1978 - Ảnh tư liệu
Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia ra đời tháng 5-1978 - Ảnh tư liệu

Tháng 6-1977, trung tá Cung lên Gia Pốc lần thứ hai.

Lễ ra mắt bí mật

Khác với lần trước, lần này bà con Campuchia đón tiếp anh rất vui vẻ. Ai cũng cười nói hân hoan. Anh biết rằng thái độ chân tình, cởi mở và việc làm thiết thực của mình đã đến tai những người chưa thật sự tin tưởng vào Việt Nam.

Anh hỏi Bu Thoong:

- Việc hôm trước chúng ta thống nhất, anh đã trao đổi với bà con chưa?

- Tôi đã nói hết rồi, chỉ riêng một tộc trưởng là chưa nói cụ thể...

Trần Tiến Cung cho mời một số người nòng cốt của lực lượng ly khai đến như Kham Chan, Kham Phay (sau này đều là trung tướng), Kham Leng (sau là ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, bí thư Tỉnh ủy Ratanakiri).

Thay mặt mọi người, Bu Thoong cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam đối với nhân dân Campuchia và đề nghị thành lập ủy ban khởi nghĩa khu đông bắc Campuchia.

Trần Tiến Cung hỏi Bu Thoong:

- Đề nghị các anh xin ý kiến của các già làng, tộc trưởng.

Bu Thoong đáp:

- Chúng tôi đã gặp các cụ Bua Choong, Bua Chuông. Vui vẻ cả thôi. Mọi người khác đều thống nhất như ý kiến của tôi.

Hôm sau, Trần Tiến Cung mời tất cả các cụ đến. Anh nói đến sự chuyển biến của cách mạng Campuchia ở các hướng khác và sự tất yếu phải vùng lên lật đổ chế độ Pol Pot. Các cụ rất phấn khởi, chỉ mong Việt Nam giúp đỡ tích cực đến cùng.

Trong suốt tháng 6 rồi tháng 7 năm đó, trung tá Trần Tiến Cung liên tục lên Gia Pốc để củng cố lực lượng, tinh thần cho lực lượng đông bắc. Sau đó, phía Campuchia đã tổ chức hội nghị, bầu ra Thường trực Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia gồm: Bu Mi (một tộc trưởng), Bu Thoong, Xơi Keo, do Bu Mi làm chủ tịch.

Tháng 10-1977 là quãng thời gian rất đáng nhớ của Ủy ban khởi nghĩa đông bắc và Trần Tiến Cung.

Nhận lệnh của trung ương, Trần Tiến Cung mời Thường trực ủy ban về Đà Nẵng làm lễ ra mắt bí mật. Địa điểm được chọn nơi ăn nghỉ cho ba ông là nhà của bà Trần Thị Diên, chị ruột của Trần Tiến Cung, chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng ở 173 đường Phan Châu Trinh.

Vì là bí mật nên Đoàn 11 cử thượng úy Nguyễn Thị Bảy và thượng úy Nguyễn Thị Năm đến nấu ăn, quét dọn. Để hàng xóm không nghi ngờ, các chị nói cho họ biết có ba cán bộ ở Tây nguyên về Quân khu 5 công tác.

Lễ ra mắt được tổ chức tại nhà số 45 phố Lê Lợi. Đó chính là nhà riêng của Trần Tiến Cung. Đích thân vợ anh, chị Nguyễn Thị Phán, lúc đó là phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, làm người phục vụ kê bàn ghế và nước nôi cho các đại biểu. Trung tướng Trần Văn Quang thay mặt Bộ Quốc phòng vào dự.

Đồng chí Trần Văn Quang hoan nghênh sự ra đời của Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia. Đồng chí nói nhân dân và quân đội Việt Nam sẽ sát cánh với nhân dân Campuchia đánh đổ bè lũ Pol Pot, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho những người anh em...

Bu Mi, Bu Thoong, Xơi Keo rất vui, vỗ tay hồi lâu. Không có chụp ảnh, không có tiệc rượu. Ở Đà Nẵng khoảng 10 ngày, Thường trực ủy ban khởi nghĩa trở về Sa Thầy.

5 ủy ban khởi nghĩa, 5 đội công tác

Đưa ba vị thường trực về Sa Thầy xong, Trần Tiến Cung bàn với họ xây dựng năm đội công tác của năm tỉnh đông bắc: Stung Treng, Ratarakiri, Mondukiri, Kratie, Preah Vihear. Muốn vậy phải có những cán bộ trung thành và năng lực tốt.

Lúc này lực lượng ly khai khu đông bắc còn một bộ phận đang nằm tản mát ngoài rừng tỉnh Attapeu nước bạn Lào. Cần phải nắm được lực lượng này, đưa họ bí mật trở về căn cứ Gia Pốc để làm nòng cốt xây dựng năm đội công tác.

Chú ý đến các tên tuổi có uy tín với nhân dân như bác sĩ Nủbên (sau này là chủ tịch quốc hội), già làng Thoong Bay (chú ruột Bu Thoong, sau này là bí thư Tỉnh ủy Stung Treng), Buon Um, Kham Lay (sau này là chủ tịch và bí thư tỉnh Preah Vihear)...

Muốn vậy, trước hết căn cứ phải lo nhà cửa, lương thực, thực phẩm đầy đủ, nhân dân phải hết sức vui vẻ đón họ trở về. Bu Thoong viết một bức thư rồi giao cho hai liên lạc là Chao và Ao sang đưa tận tay cho chú Thoong Bay.

Trong thư, Bu Thoong cho biết tình hình bà con Campuchia ở Gia Pốc sống rất tốt, đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa đông bắc, giờ mời chú cùng Nủbên về bên này tham gia...

Vài tháng sau, các lực lượng ly khai ở Attapeu lần lượt rút về Gia Pốc an toàn.

Khi đã đầy đủ nhân lực, vật lực, Trần Tiến Cung bàn với Bu Thoong cử ra năm ủy ban khởi nghĩa của năm tỉnh.

Lúc này Ủy ban khởi nghĩa đông bắc thực hiện ba nhiệm vụ: củng cố, huấn luyện chính trị, quân sự; bồi dưỡng phương pháp hoạt động cho các cán bộ của ủy ban khởi nghĩa; tập trung tổ chức trang bị, biên chế, thu nạp người Campuchia để xây dựng lực lượng.

Một thời gian sau, lực lượng ly khai ở căn cứ Gia Pốc đã có sáu đại đội người Campuchia. Họ được huấn luyện quân sự chu đáo, được học tập chính trị để chờ thời cơ nổi dậy.

Có một chuyện liên quan đến năm đội công tác này mà đến giờ thiếu tướng Trần Tiến Cung vẫn còn nhớ mãi. Số là tháng 11-1978, sư đoàn 307 của Quân khu 5 bắt đầu phản công lại quân Pol Pot. Đồng chí Thứ, phó tư lệnh Quân khu 5, trực tiếp chỉ huy chiến dịch bảo Trần Tiến Cung:

- Chúng tớ phản công sang bên đó nhưng không ai biết đường, biết tiếng để làm công tác dân vận. Hay cậu có năm đội công tác, cho tớ “mượn” một lúc...

Trần Tiến Cung loay hoay không biết tính sao. Đây là lực lượng chiến lược, nếu cho mượn mà đại tướng Văn Tiến Dũng biết được thì ông sẽ kỷ luật ngay. Nhưng không cho mượn thì sức chiến đấu của Quân khu 5 chắc chắn giảm sút. Mình lại đứng chân trên đất Quân khu 5, được quân khu giúp đỡ rất nhiều.

Anh về gặp Bu Thoong nói rõ yêu cầu của quân khu và bàn là nên thành lập năm đội “giả” khác giúp Quân khu 5, còn đội chính vẫn tiếp tục huấn luyện chờ thời cơ.

Không ngờ năm đội đi với sư đoàn 307 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong báo cáo gửi ra bộ, đồng chí phó tư lệnh Quân khu 5 “thật thà” báo cáo luôn thành tích của năm đội công tác. Nghe tin, đại tướng Văn Tiến Dũng cử trung tướng Hoàng Thế Thiện vào “hỏi tội” Trần Tiến Cung.

Tưởng là mất chức đến nơi nhưng khi nghe anh báo cáo sự tình, kể cả việc thành lập năm đội “giả”, trung tướng đập bàn cười ha hả: “Giỏi, cậu rất giỏi!”.

... Tháng 5-1978, Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn thay mặt Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Đoàn 578 do Trần Tiến Cung làm đoàn trưởng. Đây là ban chỉ huy đứng bên cạnh Ủy ban khởi nghĩa đông bắc Campuchia để cố vấn về mặt quân sự, chính trị, đồng thời cung cấp lương thực thực phẩm cho bạn.

Đoàn 578 ngang cấp với sư đoàn, có đầy đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…

Tháng 7-1978, Đoàn 578 nhận được điện của đồng chí Lê Đức Thọ, trưởng Ban Tổ chức trung ương, thông báo Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban công tác Campuchia trung ương (gọi tắt là B68) do thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng làm trưởng ban.

Đồng thời đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu Trần Tiến Cung mời ngay Thường trực Ủy ban khởi nghĩa đông bắc vào B68 (trụ sở tại TP.HCM) để làm việc.

Thực tế đó là hội nghị rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Campuchia. Các trưởng đoàn Campuchia ly khai hầu như có mặt đầy đủ như các ông Heng Samrin, Chea Sim, Hun Sen, Pen Sovan, Hem Samin, Rua Samay...

Đoàn Việt Nam có các thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng, trưởng ban B68, các tư lệnh quân khu 5, 7, 9.

_________

Kỳ tới: Trước giờ G, Mặt trận cứu nước ra đời

HỒNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên