12/04/2012 07:34 GMT+7

Uống "thuốc cam", máu nhiễm chì

LAN ANH
LAN ANH

TT - PGS-TS Bế Hồng Thu, phó giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay những ngày gần đây mỗi ngày có 30-40 trường hợp vào viện để định lượng chì trong máu.

Bộ Y tế vào cuộc vụ trẻ nhiễm độc chì

DzWXLmoP.jpgPhóng to
Bé V.T.L. và bà nội ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai ngày 11-4. Bé bị nhiễm chì sau khi dùng “thuốc cam” - Ảnh: L.Anh

Trước đó, 130 bé vào viện từ sau Tết Nguyên đán được định lượng chì trong máu, có bé bị co giật, ảnh hưởng phát triển trí tuệ... Đáng chú ý là tất cả trường hợp này đã được cho uống “thuốc cam” - loại thuốc nam bán khắp chợ cùng quê, mà kinh nghiệm dân gian cho là chữa được đủ thứ bệnh, từ tưa lưỡi, tiêu chảy, táo bón... ở trẻ em.

Lo lắng cho con đi định lượng chì

Trong phòng điều trị ở trung tâm chống độc, bé V.T.L., 22 tháng tuổi, nằm ngủ thiêm thiếp. Bé L. vào viện từ ngày 10-4 do hàm lượng chì định lượng được là 33,13mcg/dl. Trước đó, bà ngoại và mẹ đã đưa em ruột bé L. mới 7 tháng tuổi vào điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai do co giật, ốm đau liên tục. Hỏi tiền sử, cả bé L. và em trai đều được dùng “thuốc cam”, loại có màu vàng và xanh gói trong giấy báo. Mục đích là điều trị tưa lưỡi cho bé L. và trị chứng tiêu chảy cho em bé L.. Do cậu em được cho uống nhiều hơn và biểu hiện bệnh nặng hơn, hàm lượng chì trong máu định lượng được lên đến 120mcg/dl.

Anh H.V.T. cũng trong số khoảng 40 phụ huynh đã cho con dùng “thuốc cam” và lo lắng đưa con đến định lượng chì tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai sáng 11-4. Bé gái con anh T. gần 2 tuổi, ăn ngủ tốt nhưng hay bị táo bón. Cách đây vài tháng, mẹ bé đã mua “thuốc cam” ở nội thành Hà Nội về cho con uống trong vòng hai tháng, liều mỗi ngày một gói, pha uống với nước lọc. Bé có biểu hiện đi tiêu phân như phân dê, táo bón...

PGS.TS Bế Hồng Thu cho hay ngoài 130 mẫu cũ được định lượng từ sau Tết Nguyên đán 2012 (tất cả đều có chì, một số trường hợp có cả thủy ngân trong máu), hiện mỗi ngày có 30-40 trường hợp vào viện để được định lượng hàm lượng chì. Theo PGS Hồng Thu, hàm lượng chì ở mức dưới 20mcg/dl đã bắt đầu phải điều trị. Tuy nhiên, trong số những trường hợp đã có kết quả định lượng chì, có trường hợp hàm lượng chì lên đến trên 130mcg/dl, trong khi lượng chì ở mức 70-80mcg/dl thì em bé bị co giật, thiếu máu, da xanh. Tính đến nay đã có 15 tỉnh thành có bệnh nhi nhiễm chì do “thuốc cam”. PGS Hồng Thu cảnh báo khẩn cấp với sản phẩm “thuốc cam” không rõ nguồn gốc, bán rong ngoài chợ, phố.

Tác hại lâu dài

Những bệnh nhi đã phải vào Trung tâm chống độc khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và khoa thần kinh Bệnh viện Nhi T.Ư trong vòng hai tháng qua không phải là những bệnh nhi bị ngộ độc chì liên quan đến “thuốc cam” đầu tiên, mà trước đó lẻ tẻ đã có những trường hợp vào viện. Gần đây, khi những mẫu “thuốc cam” đầu tiên được xác định nhiễm chì, số lượng phụ huynh cho con sử dụng “thuốc cam” đến bệnh viện kiểm tra càng ồ ạt.

Theo PGS Hồng Thu, ngoài những biểu hiện cấp tính trước mắt, tình trạng nhiễm chì trong máu còn gây những tác hại lâu dài, khó lường cho sức khỏe của trẻ em, kể cả tác hại về phát triển trí tuệ. “Hàm lượng chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ càng thấp. Từng có những bệnh nhi nhiễm chì được xác định phát triển chậm hơn về trí tuệ so với trẻ cùng lứa tuổi. Nhiễm chì cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục sau này của trẻ. Thời gian bán thải của chì rất dài, nhất là những trường hợp chì đã gắn vào xương” - PGS Thu cho hay.

Đình chỉ 5 cơ sở hành nghề y học cổ truyền

Ngày 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Sơn, phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết vụ vẫn đang trực tiếp đi kiểm tra các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung nhằm chấn chỉnh công tác hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì, cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong. Ngoài ra, vụ sẽ tiếp tục yêu cầu sở y tế của 63 tỉnh, thành trên cả nước kiểm tra chặt chẽ hoạt động hành nghề của các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn, siết chặt hoạt động của các cơ sở đông y theo đúng tinh thần của Luật khám chữa bệnh.

Đến nay, dù riêng Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị hơn 130 trường hợp ngộ độc chì vì “thuốc cam”, nhưng thống kê của Bộ Y tế cho thấy mới chỉ năm cơ sở y tế bị đình chỉ hành nghề do hoạt động trái pháp luật và bán loại “thuốc cam” gây ngộ độc chì ở trẻ.

Ngộ độc chì: mối nguy rình rập

Chì là một kim loại mềm màu xám, ký hiệu hóa học là Pb. Đặc biệt, chì tạo nhiều hợp chất có màu sắc khác nhau (như muối chì cromat có màu vàng rất đẹp) nên thường được dùng trong pha sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm... Do dùng đa dạng như vậy nên nếu không có biện pháp xử lý an toàn thì chì có thể gây ngộ độc. Từ lâu trong ngành dược đã xảy ra tai biến ngộ độc chì do bào chế dịch truyền natri clorid đẳng trương (thường gọi là nước biển dùng truyền dịch ở bệnh viện) đựng trong chai thủy tinh có pha chì (chì thôi ra làm hại người bệnh). Trước đây cũng có hiện tượng ngộ độc do trẻ em ngậm đồ chơi có pha chì. Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên (còn gọi ngộ độc trường diễn) có thể xảy ra do ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy...

Người ta ghi nhận lượng dư trên 200mcg chì/ngày trong môi trường tiếp xúc gây nguy hiểm cho hoạt động sống của con người. Còn nếu lượng dư khoảng 1mg/ngày có thể gây ngộ độc chì trường diễn và nguy hiểm nhất chính là ngộ độc chì trường diễn.

Về độc tính, các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống, nhưng nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Triệu chứng ngộ độc cấp chì: khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, đi tiêu phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết... Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân tiếp xúc với chì sáu tháng một lần. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chức năng cần thường xuyên kiểm tra đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ) đang lưu hành xem có đạt tiêu chuẩn không được chứa chì quá giới hạn cho phép. Riêng các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt.

Ngoài ra, thuốc đông y cũng có những độc chất như trong thuốc tây y, vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng lâu dài. Cũng đừng quá tin vào nhãn hiệu “gia truyền” mà giao phó sức khỏe cho những người chưa rõ chuyên môn.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên