Một người bị uốn ván được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 4-5 - Ảnh: L.TH.H. |
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, năm 2015 bệnh viện này chỉ điều trị cho 278 người bệnh uốn ván, năm 2016 là 321 người (2 ca tử vong, 6 ca bệnh nặng xin về). Nhưng chỉ bốn tháng đầu năm 2017, số người bệnh uốn ván nhập viện đã là 134 người, có ba ca bệnh nặng xin về.
33 ca uốn ván nằm viện
Đó là số người bị uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP trong ngày 4-5 mà PV Tuổi Trẻ ghi nhận được. Trong 33 người bệnh này, có 21 người bệnh rất nặng, phải thở máy và theo dõi điều trị đặc biệt tại khoa hồi sức cấp cứu - chống độc người lớn, với chi phí điều trị bình quân 3-5 triệu đồng/người/ngày.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu - chống độc người lớn, anh K. - một người bệnh nặng nhập viện ngày 11-4 trong tình trạng uốn ván toàn thể giai đoạn toàn phát: co giật, co cứng cơ toàn thân, nuốt sặc.
Trước khi khởi phát bệnh, anh K. bị té xe, có vết thương trầy xước ở cẳng chân trái. Sau tai nạn, anh K. không đến cơ sở y tế chích ngừa uốn ván mà chỉ chăm sóc vết thương tại nhà.
Sau sáu ngày bị thương do té xe, anh K. có triệu chứng mỏi hàm, sau đó bị co giật toàn thân. Do tình trạng anh diễn tiến nặng, Bệnh viện tỉnh Cà Mau chuyển anh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.
Bệnh nhân uốn ván nhập viện mới nhất là ông T.V.H. (52 tuổi, Bình Dương). Ông H. là nông dân, bị uốn ván do đạp trúng miếng sắt gỉ sét có dính đất. Miếng sắt này gây vết thương ở lòng bàn chân trái của ông, ông không đi chích ngừa uốn ván.
Khi nhập viện, ông H. có biểu hiện mỏi cứng hàm, ăn uống sặc, co cứng cơ toàn thân, đi lại khó khăn. Hiện ông đang phải thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, kháng sinh...
Bệnh nặng nguy hiểm
Theo bác sĩ Hảo, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp do vi khuẩn yếm khí Clostridium tetani gây ra. Vi trùng Clostridium tetani sống trong đất, bùn, cống rãnh, phân động vật...
Người bệnh đa số là người lao động chân tay (nông dân làm vườn, chăn nuôi, công nhân làm việc tiếp xúc với sình đất...), khi làm việc bị các vật sắc nhọn như đinh gỉ, miểng chai, cành cây... dính bùn đất đâm trúng gây ra vết thương ngoài da ở chân, tay.
Vi trùng uốn ván có sẵn trong đất, đồ vật sẽ theo vết thương trầy xước xâm nhập cơ thể, phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây bệnh uốn ván.
Cũng có khi người bệnh bị uốn ván do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, gây ra vết thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập.
“Uốn ván là bệnh rất nguy hiểm. Người bệnh uốn ván có thể chết vì suy hô hấp giai đoạn sớm hoặc trụy tim mạch, rối loạn thần kinh tự chủ, biến chứng tim mạch, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Cách đây nhiều năm tỉ lệ tử vong rất cao (hơn 50%). Hiện nay nhờ những tiến bộ trong hồi sức cấp cứu như thở máy, lọc máu, có nhiều thuốc tốt, can thiệp sớm (mở khí quản cấp cứu khi suy hô hấp) nên người bệnh uốn ván tử vong giảm còn 3-5%” - bác sĩ Hảo nói.
Ngoài bệnh chính do uốn ván gây ra, người bệnh còn có nguy cơ biến chứng viêm phổi do nhiễm trùng bệnh viện vì thở máy lâu (3 tuần), dù bệnh viện đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nhiễm trùng bệnh viện nhưng vẫn có trường hợp viêm phổi liên quan đến máy thở.
Người bệnh uốn ván trong giai đoạn điều trị tích cực còn có nguy cơ bị loét tì đè do nằm lâu bất động nên phải điều dưỡng, chăm sóc rất vất vả.
Phòng bệnh rất quan trọng
Theo bác sĩ Hảo, uốn ván hiện còn gặp nhiều ở các nước đang phát triển và xảy ra nhiều ở nông thôn, người lao động chân tay. Đa số người bệnh uốn ván ở độ tuổi lao động, chưa được tiêm ngừa uốn ván, chưa hiểu hết tính chất nguy hiểm của bệnh, còn chủ quan nên khi có vết thương trầy xước ở tay, chân do tai nạn lao động, sinh hoạt, xe cộ cũng không đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương đúng cách, được chủng ngừa đầy đủ.
Để phòng ngừa uốn ván, ngoài chương trình tiêm chủng cho trẻ em sau sinh, do uốn ván không tạo miễn dịch bền vững suốt đời nên người dân cần được chích nhắc lại sau 5-10 năm để bảo vệ cơ thể.
Khi chẳng may bị vết thương dính đất, bụi bẩn có nguy cơ bị uốn ván thì người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương đúng cách và được chủng ngừa theo lịch để phòng ngừa bệnh uốn ván.
1/152 người bệnh có chích ngừa Nghiên cứu của BS CK2 Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - trên 152 ca bệnh uốn ván người lớn nhập viện điều trị tại bệnh viện này từ tháng 1 đến tháng 6-2016 cho thấy người bệnh có độ tuổi trung bình 51 tuổi, phần lớn là lao động chân tay (gần 66%) và trình độ học vấn dưới cấp II (hơn 84%). Phần lớn bệnh nhân ở nông thôn. Gần một nửa số người bệnh chưa có bảo hiểm y tế. Tổng chi phí toàn bộ của 152 người bị uốn ván gần 8,5 tỉ đồng. Hiện nay đa số người bị uốn ván ở các tỉnh, thành phía Nam đều được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Chi phí cho mỗi ca bệnh uốn ván khá cao, là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là đối với những trường hợp có nhiễm trùng bệnh viện. Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ có 1/152 người bệnh có chích ngừa uốn ván. Hầu hết người bệnh không chích ngừa uốn ván sau 16 tuổi. Chỉ có 1 người sau khi có vết thương mới đi chích, chích được 1 mũi, chưa chích mũi thứ hai thì bị uốn ván. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận