Những câu hỏi "khó đỡ" về hôn nhân, công việc hay thu nhập luôn là vấn đề nan giải của các bạn trẻ mỗi dịp Tết đến xuân về. Kiểu như: "Lương mỗi tháng bao nhiêu?"; "Đẹp người đẹp nết thế sao vẫn chưa có người yêu?"; "Sao chưa sinh đứa nào cho vui nhà vui cửa?"...
Thực tế, không phải ai cũng biết cách ứng xử, đáp trả trước những câu hỏi soi mói về đời tư cá nhân - vốn là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt. Vậy chúng ta nên tỏ thái độ ra mặt, công khai phản ứng lại với người hỏi, hay cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng hết lần này đến lần khác?
Rõ ràng bạn cần chuẩn bị tinh thần trước buổi sum họp gia đình. Hãy thử nghĩ xem người thân, họ hàng có thể sẽ nói điều gì có thể tác động mạnh đến bạn, từ đó luyện tập câu trả lời phù hợp.
Về phần ứng xử đối đáp, hãy cố gắng tỏ ra nhẹ nhàng, đồng thời sử dụng các câu xưng ở ngôi thứ nhất nhằm tránh gây cảm giác buộc tội người đặt câu hỏi.
Với những người có thói quen đặt câu hỏi soi mói, vô duyên, tôi có quan điểm là nên thông cảm với họ. Đơn giản vì họ là người ngoài, chẳng hiểu gì về cuộc sống của tôi cả.
Thực ra, họ đâu chỉ hỏi mỗi tôi. Động cơ của họ cũng chỉ là sự tò mò mà ai cũng có, đâu có ác ý gì. Hơn nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm. Đôi khi chính cách suy diễn và ứng xử gay gắt của chúng ta về sự việc khiến chúng ta cảm thấy mình bị áp lực.
Dưới đây là một số câu ứng xử để chúng ta cùng tham khảo:
1. Lương cháu được bao nhiêu? - Cũng đủ ăn ạ.
2. Bao giờ đẻ đứa nữa? - Trời cho lúc nào biết lúc ấy thôi ạ.
3. Để dành được bao tiền rồi? - Cũng tàm tạm ạ.
4. Giúp được cha mẹ cái gì không? - Nhiều ạ.
5. Đã có người yêu chưa? - Dạ con có nhiều người yêu rồi, nhưng con chưa yêu lại người ta thôi ạ!
6. Sao dạo này mập thế? - Sao dạo này nói chuyện nhạt thế! hoặc bẻ lái "Con/cháu/em không thích nói về vấn đề này".
7. Sao dạo này ốm vậy, có bệnh gì không? - Mình ốm để chụp ảnh đỡ bóp lại, đỡ tốn tiền mua điện thoại dung lượng bộ nhớ cao để tiết kiệm tiền đi chơi.
Đã ứng xử bằng mọi cách có thể nhưng vẫn thấy khó chịu, phải làm sao?
Nếu đã cố gắng trong giới hạn mà vẫn khó chịu, bạn hoàn toàn có thể rời khỏi cuộc vui theo kiểu "rút lui êm đẹp" bằng cách đưa ra một lý do nào đó. Bạn không có nghĩa vụ phải tham gia một cuộc đối thoại khiến bản thân hoặc người khác tổn thương chỉ vì người khác lôi bạn vào.
Việc tự đưa mình thoát khỏi tình huống gây bức xúc, mệt mỏi là cách thiết lập ranh giới tốt nhất. Nhưng điều này không có nghĩa bạn nên gây náo loạn, la hét um sùm trước khi rời đi. Hãy ứng xử bằng cách kiếm một lý do phù hợp.
Còn hàng vạn câu hỏi đa dạng, nhiều màu sắc khác nữa của họ hàng làng xóm mỗi dịp Tết đến xuân về khiến người được hỏi dở khóc dở cười, không biết ứng xử sao. Đối với những câu hỏi thay vì mở đầu của một cuộc trò chuyện rôm rả thì thường trở thành "ngõ cụt" của một cuộc hội thoại có thể gây "sang chấn" nhiều ngày về sau, bạn hãy ứng xử bằng cách cho qua theo kiểu cười trừ, giả lả cho qua, hay tỏ thái độ là không quan tâm luôn cũng được.
Tết là dịp để mọi người sum vầy tụ họp, quan tâm hỏi thăm tình hình cả một năm qua, nhưng có những câu hỏi biết là sẽ khiến người khác khó chịu thì đừng nên cố hỏi, kẻo lại mất vui. Hãy cùng nhau đón một cái Tết Quý Mão 2023 văn minh, thanh lịch và vui vẻ bạn nhé.
Bạn có cảm thấy ức chế khi "được" hỏi thăm những câu "nhạy cảm" dịp Tết? Theo bạn, có cần phản ứng gay gắt không, hay lựa chọn cách ứng xử như thế nào để giữ hòa khí và có một cái Tết trọn vẹn?
Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên ứng xử trong những tình huống này về địa chỉ email hongtuoi@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và số điện thoại để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận