14/01/2023 09:17 GMT+7

Tết đừng tra hỏi 'lấy chồng chưa, lương mấy?'

Để Tết không là nỗi ám ảnh hay gì đó đáng sợ với những lý do chẳng đầu chẳng đũa, mỗi người đều có thể chọn "ăn" Tết theo cách của riêng mình.

Tết đừng tra hỏi lấy chồng chưa, lương mấy? - Ảnh 1.

Dành thời gian cho bản thân và ở bên những người thân yêu để có cái Tết giản đơn - Ảnh: Q.L.

Dưới đây là góc nhìn của các bạn trẻ từ câu chuyện, cảm nhận về Tết của chính mình.

Không biết quan tâm hay tra hỏi?

Tôi từng là nạn nhân của những câu hỏi kém tế nhị, tò mò quá đáng từ họ hàng suốt mấy năm qua. 30 tuổi, tôi lập gia đình cũng vài năm nhưng bận rộn công việc nên chúng tôi vẫn chưa sinh con. 

Vốn dĩ chẳng có vấn đề gì về sức khỏe, chỉ đơn thuần là cả hai còn có những mục tiêu riêng cho sự nghiệp muốn phấn đấu nên thống nhất tạm hoãn chuyện con cái. Nhưng chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên trọng trách sinh con như là gánh nặng của hai vợ chồng.

Trước khi kết hôn, tôi từng mỏi mệt với biết bao lời thúc giục kiểu như "Bao giờ lấy chồng?", "Tại sao lại học cao thế? Có công ăn việc làm ổn định rồi sao không chịu cưới?"... Những tưởng sau khi lấy chồng, bản thân thoát khỏi những câu hỏi ấy, không ngờ lại đến chuyện sinh con.

Nhiều năm trở lại đây, Tết với tôi là một gánh nặng. Tôi rất sợ gặp mặt họ hàng bên chồng bởi họ thay nhau chất vấn những câu hỏi đại loại như "Hai đứa lấy nhau mấy năm rồi, sao không đẻ?", "Anh chị tính để cho hai ông bà già nằm một chỗ rồi mới chịu sinh con à?"... Tôi đã nghe suốt ba năm đón Tết bên chồng, nghe mãi thành ra tôi chán luôn cả Tết và e ngại luôn việc đi chúc Tết.

Dẫu có tiến bộ, tư tưởng phải có con trai "nối dõi tông đường" vẫn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người Việt, đặc biệt ở các vùng quê. 

Gia đình nào sinh toàn con gái, mỗi khi về quê ăn Tết lại được to nhỏ "có kiếm thêm thằng con trai nữa không đấy", "phải kiếm tí con trai cho ông bà nội chứ, toàn con gái thế kia"! Chưa kể mấy người đã có con trai còn ra vẻ, chỉ cách làm sao để đẻ con trai.

Cưới xin, sinh con là quyền cá nhân, sao lại thành chủ đề bàn tán ngày Tết thế nhỉ? Thiếu gì điều để nói, chí ít hãy dành cho nhau những lời chúc tốt lành ngày đầu năm mới, sao phải tra hỏi điều quá riêng tư. Tôi vẫn ước một lần được nghe câu chúc hai đứa năm mới đạt được hết những dự định ấp ủ mà chẳng thấy đâu.

Tết là để gia đình, người thân đoàn viên, trao cho nhau những lời chúc tốt lành chứ chẳng phải dịp để chất vấn nhau những chuyện riêng tư. Đừng mang lớp áo quan tâm trong cách nói chuyện khác nào tra hỏi như thế!

TRẦN KIM HÀ

Ăn Tết giản đơn thôi

Mỗi chúng ta có quyền hưởng thụ Tết, làm điều bản thân thấy an lạc. Nhưng trước hết, hãy tự yêu thương chính mình, yêu gia đình, yêu những người thân thiết xung quanh.

Bạn đọc HẢI ĐĂNG

Gia đình tôi đơn giản hóa mọi thứ, cứ ngày nào có tiền là ngày đó Tết, thành ra Tết thảnh thơi và nhàn nhã. Cứ dọn tâm mình, đừng xem ấy là dịp ganh đua, cơ hội biếu xén, điếu đóm thì nhàn nhã ngay ấy mà.

Mỗi ngày đều dọn dẹp nên Tết không phải lôi cái này cái kia vệ sinh gì cả. Ăn uống cũng đơn giản, không nhất thiết nấu hoành tráng, cả những món mình không thích. Những thứ thực sự cần bây giờ đâu quá khó đặt hàng, cũng có thể bạn bè hùn hạp cùng nấu, vừa kinh tế lại thêm gắn kết tình cảm.

Đôi lúc tôi không hiểu sao phải tới cận Tết mới mua gà, thịt heo rồi than tăng giá. Nhà tôi mua gà thịt trước cả tuần, làm sạch, hút chân không rồi cho vô tủ lạnh dùng đến hết Tết. Cũng chỉ mua ít hoa trang trí bàn khách và bàn thờ, không cứ phải bày biện cây này cây kia.

Tôi cũng không có thói quen la cà ăn uống, nhậu nhẹt, vài lon bia vui vẻ rồi về ăn cơm với vợ con. Đầu năm, gia đình đi lễ nhà thờ và du lịch, không quá quan trọng phải tiếp ai đón ai vào những ngày nghỉ. 

Đặc biệt, chúng tôi coi trọng việc lì xì lấy hên nhưng không quan tâm phong bao "dày" hay "mỏng". Tôi dặn con đừng bao giờ so đo chuyện lì xì nhiều hay ít. Cá nhân tôi chưa từng xem Tết là dịp để kiếm tiền hay đổi chác qua lại.

Dĩ nhiên, mỗi nhà có suy nghĩ riêng. Mà với những gia đình nhiều thế hệ chung sống, việc sắp xếp có lẽ không đơn giản. Vượt qua được chữ "sướng" mới tới chữ "nhàn" trong mấy ngày Tết. 

Nhẹ nhàng và thảnh thơi không có nghĩa sẽ sống hời hợt và vô tâm với mọi thứ. Chỉ là khi Tết có giá trị riêng trong lòng mình, ăn Tết giản đơn cũng là cách để chúng ta nhẹ gánh âu lo, quan tâm hơn đến sâu thẳm lòng mình và những người xung quanh.

Hãy cứ vui cười mà không có bất cứ lo toan nào chính là cách để hưởng thụ một mùa xuân như ý. Vậy thì có gì mà phải "sợ" Tết!

HẢI ĐĂNG

Ngày Tết vất vả, mua sắm hay tiết kiệm, nghỉ ngơi?Ngày Tết vất vả, mua sắm hay tiết kiệm, nghỉ ngơi?

Tết đang đến gần. Các gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ, sẽ đón Tết như thế nào? Ngày Tết họ nghỉ ngơi, vui vẻ hay phải vất vả mua sắm, miệt mài nấu ăn?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên