Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM trong một ca phẫu thuật ung thư - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thông tin đáng chú ý này được công bố tại hội thảo phòng chống ung thư ngày 5-12 do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tổ chức.
Báo cáo của ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho thấy chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn là gánh nặng y tế cho các nước trên thế giới. Tỉ lệ mắc mới ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu mới nhất công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có 18,1 triệu ca mới, 9,6 triệu ca tử vong do ung thư. Con số này vượt xa so với 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong năm 2012.
Dự đoán đến năm 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó có khoảng 56,8% ca ung thư mới và 68,9 ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, ung thư là bệnh lý gia tăng hàng đầu, là gánh nặng cho gia đình, xã hội và cả ngành y tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam năm 2018, ước tính có hơn 164.000 ca ung thư mới (năm 2012 là 125.000 ca) và hơn 114.000 ca tử vong (năm 2012 là 94.000 ca).
Đặc biệt, ung thư gan đã "vượt mặt" ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất. Đây cũng là lý do mà các chuyên gia hàng đầu về ung thư đang tích cực nghiên cứu để ngăn ngừa đại dịch viêm gan nhằm "ngừa đại họa ung thư gan".
Riêng tại TP.HCM, sự gia tăng của ung thư là 9%/năm. Cụ thể năm 2010 có 6.800.000 ca ung thư mới thì đến năm 2015-2017 tăng lên trên 9.000 ca, dù cho có thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa và các trung tâm điều trị ung thư.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lượng tiếp nhận bệnh nhân ung thư đến điều trị tăng hằng năm. Trong năm 2019 tăng 10% bệnh nhân ung thư mới, tương đương trên 23.000 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận