03/03/2019 08:06 GMT+7

Ủng hộ sáng tạo, khó quá chăng?

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Qua câu chuyện 'Rào cản từ… người trong ngành', Tuổi Trẻ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ thêm các bức xúc từ thực tế với những ý tưởng muốn việc dạy và học tốt hơn trong nhà trường.

Ủng hộ sáng tạo, khó quá chăng? - Ảnh 1.

Một tiết học môn sinh học theo hướng đổi mới của học sinh Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Tự trói buộc nhau

Giáo dục là khoa học, đồng thời là nghệ thuật, mà là nghệ thuật đặc biệt. Do đó, nó đòi hỏi sự sáng tạo cực kỳ to lớn, khác lạ, nhưng tiếc thay hiện còn nhiều người làm công tác giáo dục - từ cán bộ quản lý đến giáo viên - đều rất ít người có năng khiếu cần thiết để làm giáo dục. 

Thậm chí có lúc, có nơi những cán bộ quản lý lại kém cỏi hơn những giáo viên. Vì nhiều nguyên nhân mà họ làm lãnh đạo, chứ thực chất họ có thể còn thua kém nhiều mặt so với người khác dưới quyền…

Từ đây, họ tự trói chân trói tay mình, trói chân trói tay giáo viên, không mở ra khoảng năng động, sáng tạo cần thiết để mọi người phát huy, tất cả tìm về hai chữ "an toàn". Những lời hô hào "chống học vẹt, học thuộc lòng" nhưng đề ra kiểu cũ như vậy thì kêu gọi cũng vô ích. 

Học sinh cũng phải đổi mới phương pháp học. Đó là học chủ động, tự học, tự tìm hiểu, làm chủ kiến thức chứ không đợi "mớm" kiến thức.

Phá bỏ rào cản từ trong đội ngũ để có những bước đi đột phá, chấp nhận sự khác nhau, sự tương phản, khác biệt để phác họa nên bức tranh giáo dục đầy màu sắc, sinh động… Tự mình phá bỏ rào cản là điều rất khó, nhưng không thể không làm! (LÊ ĐỨC ĐỒNG)

Mất cả tấm lòng

Qua những gì mà bài "Rào cản từ… người trong ngành" nêu, chúng ta có thể thấy ngay chuyện muốn an toàn và đỡ nhọc công của... người trong ngành. Và điều đáng quan tâm hơn cả chính là tư duy an toàn của những người có quyết định trực tiếp từ ngành giáo dục. 

Thêm nữa, thay vì được trân trọng và tôn trọng, những nhận xét kiểu như "đừng chơi nổi", "màu mè" dành cho một tâm tư phát triển thực chất là những lời nhận xét mang đầy nội hàm phản giáo dục nhất.

Không có bất cứ sự sáng tạo nào phát triển được nếu như nó không được nhìn nhận đủ để trải nghiệm. Đổi mới phương pháp dạy và học không phải là chuyện có thể làm ngay được nếu không có những cá nhân, những người cô, người thầy biết trăn trở vì học trò, và đặc biệt hơn là những vị có vai vế trong ngành biết thấu hiểu.

Chưa cần biết ý tưởng hay phương pháp nào đó đủ tốt, đủ khả thi hay không, nhưng khi những tấm lòng muốn thay đổi đó trình bày để tìm sự đồng thuận, sự hỗ trợ và bị từ chối theo cách đầy ấm ức thì đây là vấn đề rất tai hại. Bản thân học sinh mất đi một cơ hội học tập sáng tạo, mà ngay bản thân những người có tâm vì sự học hành của các em cũng sẽ "mất lửa" để làm tròn sứ mệnh mình mong muốn.

Khi một ý tưởng giáo dục sáng tạo bị từ chối theo cách thiếu quan tâm nhất, theo kiểu "chối đây đẩy" thì mất mát tiếp theo không phải chỉ là một phương pháp, mà nó còn có thể là cả một tấm lòng. (TẠ TƯ VŨ)

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên