09/06/2020 05:27 GMT+7

Ủng hộ đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - TP.HCM có thể sẽ có lại tên đường Lê Văn Duyệt, khởi đi từ đề xuất của ban quý tế lăng Ông Bà Chiểu hồi năm ngoái: đặt lại tên đường đức Tả quân trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu.

Ủng hộ đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt ở TP.HCM - Ảnh 1.

Góc đường Đinh Tiên Hoàng sẽ được đặt lại tên Lê Văn Duyệt, bên trái là lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu), Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Hiện ý tưởng này được lãnh đạo TP đồng thuận và UBND quận Bình Thạnh đang tổ chức lấy ý kiến người dân nơi có tuyến đường đi qua.

Theo ông Trần Văn Sung (phó ban quản lý, trưởng ban quý tế lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt), hầu hết người dân trên tuyến đường dự định đặt tên Lê Văn Duyệt đều đồng ý với sự thay đổi này.

Nhìn lịch sử khách quan hơn

Với cái nhìn đồng thuận, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng: "Tên đường phố phản ánh lịch sử - văn hóa của quốc gia nói chung và của TP ấy nói riêng, bao gồm các yếu tố đặc trưng của địa lý tự nhiên, tên nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa...

Tên đường phố ở đô thị còn cho biết những đặc trưng riêng của nơi đó vì phản ánh lịch sử, sự nhận thức và ứng xử với quá khứ. Đó còn là "vốn văn hóa" riêng biệt, độc đáo dần trở thành di sản văn hóa. Việc đặt tên đường phản ánh chính quyền đô thị đã góp phần bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa như thế nào".

Còn nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư nhận xét rằng chính quyền đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt là việc làm đúng.

"Vì hồi trước, quan niệm chính trị của mình đối với Gia Long Nguyễn Ánh và Tây Sơn có hơi chênh lệch, khi đánh giá vai trò những người có công với đất nước nhưng hễ thân với nhà Nguyễn đều bị gạt ra ngoài hết cả.

Bây giờ có quan điểm nhìn lại lịch sử một cách khách quan và công tâm hơn, vậy thì nhân vật Lê Văn Duyệt là người rất xứng đáng được đặt tên cho một con đường của TP" - ông Nguyễn Đình Tư khẳng định.

Theo ông Trần Văn Sung, trong bản đề xuất đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt có nêu 5 lý do, trong đó đáng chú ý là lý do nêu nghệ thuật đặt tên cần chú ý xếp đặt theo cụm tên đường có điểm chung để người dân dễ nhớ: Ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu có các đường mang tên vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa... Việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt tại nơi đây là rất khoa học, tạo thành một cụm để người dân dễ nhớ, dễ truy tìm.

Việc đặt tên đường phản ánh chính quyền đô thị đã góp phần bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa như thế nào.

TS Nguyễn Thị Hậu

Đóng góp cho phát triển văn hóa

Bản thân TS Nguyễn Thị Hậu cũng cho rằng việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt ở đây là "hợp lý hợp tình", bởi từ trước năm 1975 đoạn đường này cũng mang tên Lê Văn Duyệt (thuộc Gia Định, còn có đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn nay là đường Cách Mạng Tháng 8).

Hơn nữa, việc đặt tên đường phố còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, ở phương diện thay mặt triều đình coi sóc nhân dân vùng đất mới phương Nam, Lê Văn Duyệt có công rất to lớn ở cả hai mặt: "Thứ nhất, ở mặt nội trị, ông cai quản vùng Gia Định (và nói chung cho cả Nam Bộ) trong thời gian gần 20 năm yên ổn, dân chúng làm ăn bình yên, trộm cướp trong vùng đều bị ông trừng trị hết cả;

Thứ hai, về ngoại giao, ông giữ được thể diện quốc gia khi ông tiếp các đoàn người nước ngoài đến Gia Định bang giao. Thậm chí có trường hợp khi trở về họ viết bài ca ngợi ông nữa (như trường hợp một viên thuyền trưởng người Anh đến Gia Định gặp Lê Văn Duyệt xong về viết bài khen trên báo), như thế là xứng đáng lắm".

Từ cái nhìn của nhà nghiên cứu tâm thức dân gian, ông Huỳnh Ngọc Trảng ghi nhận đức Tả quân Lê Văn Duyệt là người hâm mộ hát bội và ông chính là người có công đỡ đầu cho các đoàn hát, kép hát Nam Kỳ thời đó có điều kiện sinh hoạt và phát triển.

"Như vậy là ông có đóng góp trong cả việc phát triển văn hóa cho xứ này" - ông Huỳnh Ngọc Trảng nhận định.

Nhưng quan trọng hơn cả ở cuộc đời của đức Tả quân có lẽ chính từ sự kiện nổi dậy của Lê Văn Khôi sau khi Lê Văn Duyệt mất, gây ra mối họa khiến cho Lê Văn Duyệt bị xiềng mả. Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, tình trạng như vậy được người dân xếp vào oan ức, cùng với quan niệm oan hồn không siêu thoát, rồi dẫn đến việc lăng Ông hiển linh, huyền bí. Nên vì vậy mà người dân Bình Hòa - Bình Thạnh kính ngưỡng thờ phụng ông rất nghiêm cẩn từ đó cho đến ngày nay.

TS Nguyễn Thị Hậu còn nhìn thấy ở lý do Lê Văn Duyệt được người dân tôn kính, thờ cúng nghiêm cẩn, liên tục, lâu dài không chỉ vì những công lao của ông mà còn vì ông là một vị đại thần chính trực. Điều này cũng được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng bổ sung rằng: Sự thay đổi trong nhìn nhận lịch sử của chính quyền như vậy chính là điều mà người dân mong muốn.

"Nó là sự đổi mới cụ thể trong tư duy và nhận thức của chính quyền, từ đây người dân có thể hi vọng sẽ còn có những đổi mới "rờ thấy được" như vậy nữa. Và tên đường dùng tên ai, quan trọng ở chỗ hành trạng người đó phải có cái gì đó hơn hẳn người dân bình thường, để từ đó trở thành một biểu tượng, một giá trị để người đời sau nương theo đó và lấy đó làm gương".

12 địa phương ở phía Nam có tên đường Lê Văn Duyệt

Trong bản đề nghị đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt của ban quản lý, ban quý tế lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt có nêu thông tin hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam có ít nhất 12 địa phương đã đặt tên đường Lê Văn Duyệt, bao gồm: Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Phước, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang (TP Mỹ Tho và thị trấn Cái Bè), Bình Dương (thị trấn An Thạnh và thị trấn Lái Thiêu).

Theo ông Hoàng Nghị - trưởng Phòng di sản Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường, sau khi quận Bình Thạnh tổ chức lấy ý kiến người dân nơi tuyến đường đi qua, hội đồng sẽ tập hợp lại, làm văn bản bao gồm cả bản vẽ tuyến đường, vị trí giới hạn điểm đầu điểm cuối... rồi gửi về Sở Văn hóa và thể thao.

Sở sẽ trình sang ủy ban, rồi Hội đồng đặt, đổi tên đường sẽ xem xét, sau đó báo cáo UBND TP, UBND TP xem xét xong sẽ trình qua HĐND TP. Nếu HĐND TP thông qua thì UBND TP sẽ ra quyết định đặt tên đường theo đúng quy trình của nghị định 91 của Thủ tướng Chính phủ.

Thăng trầm Thăng trầm 'Tả quân chi ấn' của Bình Tây tướng quân Lê Văn Duyệt

TTO - Thông tin về chiếc ấn đồng của tả quân Lê Văn Duyệt vừa được UBND TP.HCM đề xuất công nhận là bảo vật quốc gia gợi lại câu chuyện thăng trầm của một hiện vật cực quý giá.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên