Ngày 12-1, cơ quan chức năng của Hà Nội đã bắt giữ một vụ kinh doanh bột ngọt giả các nhãn hiệu được đăng ký hợp pháp - Ảnh: Doãn Tấn |
Theo tôi, việc xác định đâu là hàng thật, hàng nhái không ai chính xác bằng doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả!
Chẳng hạn, một doanh nghiệp chỉ sản xuất có hai sản phẩm nhưng trên thị trường có sản phẩm thứ ba giống hệt thì chắc chắn đó là hàng giả.
Chuyện quá đơn giản nếu đem so sánh bằng cách đặt cạnh nhau một sản phẩm thật và một sản phẩm giả. Tuy nhiên, thực tế sản phẩm lưu thông trên thị trường muôn hình vạn trạng, với số lượng khổng lồ. Bài toán đặt ra là làm sao để phân biệt một cách dễ dàng nhất?
Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần làm thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống, trong đó có hoạt động phòng chống tội phạm. Trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng nhái..., rất nhiều tổ chức/cá nhân cung ứng nhiều giải pháp: phần mềm công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, tem chống hàng giả...
Tuy nhiên, do chưa có sự gắn kết giữa các giải pháp, các công cụ hỗ trợ với doanh nghiệp và các hiệp hội nên chưa phát huy hiệu quả của việc xác định hàng giả.
Việc sử dụng các phần mềm như Icheck hay Barcode Việt... để đọc mã vạch truyền thống Barcode hay quét QR code đã giúp người tiêu dùng dễ dàng có được thông tin chính xác về sản phẩm mình đang cầm trên tay.
Thiết kế cao cấp hơn một chút dùng để xác định một sản phẩm là giả hay thật bằng cách gửi những thông tin đó về trang web của doanh nghiệp có sản xuất hàng hóa liên quan và bộ phận kỹ thuật của doanh nghiệp này phản hồi lại thông tin hàng hóa cho người gửi.
Với giải pháp này, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ tự biết làm cách nào để các đối tượng làm hàng gian, hàng giả không thể copy hay làm giả mã vạch các sản phẩm của mình. Chẳng hạn, sử dụng tem chống giả đè lên mã vạch hay phải cào lớp bảo vệ mới thấy và quét được mã vạch hoặc ẩn trong mỗi mã vạch là một mã số bí mật cho từng sản phẩm...).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đăng ký, cập nhật thông tin chuẩn xác, kịp thời vào trung tâm dữ liệu hàng hóa hay trang web của mình để đáp ứng nhu cầu truy vấn của khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác.
Tuy nhiên, giải pháp nêu trên cũng có hạn chế là không phải phải loại hàng hóa nào cũng có thể dán tem hay sử dụng mã vạch được, chưa kể thủ đoạn của những đối tượng làm hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi.
Do đó, tùy theo công việc và kinh nghiệm của mình, mọi người có thể hiến kế chống hàng gian, hàng giả để góp phần bảo vệ hàng thật cũng như những người làm ăn chân chính.
Chuyên mục “Phân biệt hàng thật - hàng giả” của báo Tuổi Trẻ tuần qua đã nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp về các giải pháp, thông tin về các sản phẩm bị làm giả, trong đó đề ra rất nhiều giải pháp thiết thực. Để chuyên mục thật sự hữu ích cho người tiêu dùng, tòa soạn rất mong nhận được thêm thông tin trong thời gian tới. Mọi thông tin xin gửi về: haidang@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận