08/01/2018 10:14 GMT+7

Ùn tắc tại trạm BOT: rau ế, phải cho heo ăn!

H.NGUYỄN - K.TÂM - S.LÂM ghi
H.NGUYỄN - K.TÂM - S.LÂM ghi

TTO - Bày tỏ ý kiến về chuyện “Ùn tắc liên tục tại trạm BOT, tính sao?”, nhiều người dân cho biết họ đã bị ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, làm ăn... nên mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp để quốc lộ được thông suốt.

Ùn tắc tại trạm BOT: rau ế, phải cho heo ăn! - Ảnh 1.

Giây phút xả trạm của BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trong ngày 5-1. Chủ đầu tư cũng bị lập biên bản về việc không xả trạm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Nguyễn Thành Nam (phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Chú Chín Hòa Hiệp, Cà Mau):

Phải liên tục xin lỗi hành khách

Dù việc thu phí BOT cũng là một trong những điều bức xúc chung của nhà xe, đặc biệt là xe khách chuyên chạy đường dài như công ty tôi, nhưng đấu tranh nên có chủ điểm thì hơn.

Việc phản đối cục bộ của các tài xế gây ùn tắc giao thông ở các điểm thu phí trong những ngày qua khiến việc kinh doanh của chúng tôi cũng ảnh hưởng nặng nề khi xe không thể quay đầu vào ra bến đúng giờ, hành khách cũng rất mệt mỏi khi gặp ùn tắc. Chúng tôi phải liên tục xin lỗi hành khách, hẹn thay đổi giờ...

Giờ là thời điểm sắp tết, việc mất đi sự hài lòng của khách hàng cũng là một trong những điều chúng tôi đang rất đau đầu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước gấp rút giải quyết tình trạng này để quốc lộ được thông suốt, nhất là trong những ngày cuối năm.

Bà Trần Thị Mai (huyện Châu Thành A, Hậu Giang):

Rau ế, phải cho heo ăn

Tôi vốn là công nhân trong Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, sau khi tan ca thường làm thêm bằng việc chở rau xanh lên bán tại chợ ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, những ngày kẹt xe dữ dội ở trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp thì việc bán rau hầu như không thể làm được. 

Nhà khó khăn nên tôi mới đi buôn rau thêm nuôi hai con ăn học, vậy mà hôm tài xế phản đối gây kẹt xe kéo dài làm nguyên xe rau của tôi bị ế, đành mang về nhà tặng hàng xóm cho heo ăn.

Ông Võ Trí Tân (tài xế xe khách chạy tuyến Cần Thơ - Cà Mau):

Từng bị trễ đến 4 giờ

Mức thu phí ở các trạm thu phí BOT hơi đắt đỏ đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mang xe ra chắn làn thu phí gây ách tắc như vậy làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, chuyến xe của tôi từng bị trễ đến 4 giờ so với lịch trình, gây ảnh hưởng và thất thu trong kinh doanh. Gần cuối năm, người nào cũng muốn yên ổn làm ăn kiếm tiền tiêu tết, cứ ùn tắc vì BOT sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Tôi mong một số anh em đồng nghiệp nên cân nhắc chuyện này trước khi đi phản đối.

Ông Nguyễn Chí Công (phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định):

Không nên gây ùn tắc để "đấu" phí BOT

untitled-1 copy

Ông Nguyễn Chí Công - Ảnh: D.T.

Tối 3-1, một nhóm người đi xe bán tải biển số một tỉnh miền Tây dừng lại

ở trạm thu phí BOT Bắc Bình Định để đòi gặp lãnh đạo trạm này khiếu nại về việc đường hư hỏng nhiều nhưng vẫn thu phí. Sự việc kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, gây ùn tắc giao thông, khiến trạm BOT Bắc Bình Định phải xả trạm hồi 0h ngày 4-1. Nếu tình trạng này lặp lại vào những ngày cuối năm giáp tết sẽ rất nguy hiểm cho tuyến lưu thông huyết mạch quốc lộ 1.

Theo tôi, đường hư hỏng nhưng phí đường bộ BOT vẫn không giảm là không phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiến nghị, đề nghị giảm phí, chứ không phải "đấu" với phí BOT bằng cách dừng xe tại trạm, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề khác. Tôi ví dụ, nếu có trường hợp xe cấp cứu, cứu hỏa... khẩn cấp mà bị kẹt xe như vậy thì dẫn đến hậu quả rất lớn.

D.TH. ghi

Không xả trạm khi ùn tắc sẽ bị xử phạt

7-1 nguyen van huyen 1(read-only)

Ông Nguyễn Văn Huyện - Ảnh: T.P.

Ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Tổng cục Đường bộ đã thông báo cho các nhà đầu tư dự án BOT về yêu cầu của Bộ GTVT là phải xả trạm thu phí nếu xảy ra ùn tắc dài 700m trở lên, đồng thời Tổng cục Đường bộ cũng bố trí thanh tra ở các trạm thu phí để giám sát việc thực hiện yêu cầu này.

"Nếu ùn tắc từ 700m trở lên thì bắt buộc phải xả trạm. Tất cả các trạm thu phí đều phải thực hiện quy định trên để đảm bảo giao thông thông suốt. Nếu không thực hiện, để xảy ra ùn tắc kéo dài thì bị xử phạt theo quy định tại nghị đinh 46-NĐ/CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt" - ông Huyện cho biết.

Theo quy định tại khoản 6 điều 15 của nghị định 46-NĐ/CP, tổ chức thu phí đường bộ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng nếu để số lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100-150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750-1.000m; để thời gian đi qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút.

Mức phạt sẽ áp dụng theo khung từ 10-20 triệu đồng nếu lượng ôtô xếp hàng chờ từ 150-200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng 1.000-2.000m, thời gian đi qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20-30 phút.

Mức phạt sẽ từ 30-40 triệu đồng nếu số lượng ôtô xếp hàng chờ hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng hơn 2.000m, thời gian đi qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Đơn vị tổ chức thu phí đường bộ có các vi phạm nói trên mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

TUẤN PHÙNG

H.NGUYỄN - K.TÂM - S.LÂM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên