20/06/2022 07:59 GMT+7

Ukraine trên con đường gập ghềnh vào EU

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)

TTO - Trong chuyến thăm Kiev hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành một quốc gia ứng cử viên gia nhập khối EU.

Ukraine trên con đường gập ghềnh vào EU - Ảnh 1.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Emmanuel Macron trao nhau cái ôm sau khi họp báo chung ở Kiev vào hôm 16-6 - Ảnh: Reuters

Với sự ủng hộ của ba cường quốc trong Liên minh châu Âu (EU), nhiều ý kiến cho rằng Ukraine đã tiến thêm một bước trong tiến trình gia nhập EU, nhưng thực tế con đường này rất chông gai.

"Tiêu chí Copenhagen"

Cụm từ "quốc gia ứng cử viên" từ trước tới nay được dùng để chỉ một quốc gia đang trên đường gia nhập EU. Về nguyên tắc, một quốc gia cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU đồng ý trao cho tư cách "quốc gia ứng cử viên" trước khi được chính thức xét đơn.

Sau động thái của ba nước Pháp, Ý và Đức, lãnh đạo của tất cả các nước thành viên EU sẽ nhận được bản đánh giá từ Ủy ban châu Âu (EC) về mức độ mà Ukraine đáp ứng "Tiêu chí Copenhagen". Đây là tiêu chí được EU đề ra đối với các nước xin gia nhập, trong đó có các nội dung về nền kinh tế thị trường tự do cũng như các giá trị về dân chủ, nhân quyền của EU.

Một số nước như Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan vẫn tỏ ra hoài nghi khả năng đáp ứng của Ukraine. Trước mắt, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod đã hứa rằng: "Đan Mạch sẽ hoàn toàn tập trung vào việc giúp Ukraine với những cải cách cần thiết để đạt được vị thế ứng cử viên và xích lại gần hơn với EU".

Quá trình từ khi nộp đơn đến khi được làm rõ khả năng ứng cử thông thường là 18 tháng. Cá biệt như Thổ Nhĩ Kỳ đã được công nhận là một quốc gia ứng cử viên vào năm 1999, nhưng tới nay vẫn chưa được kết nạp do còn tồn tại các vấn đề nhân quyền.

Ukraine đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập EU từ mấy năm trước, nhưng chỉ chính thức gửi đơn xin gia nhập ngay sau khi Nga tấn công Ukraine. Với tình hình hiện nay, chuyện được công nhận là một "quốc gia ứng cử viên" có ý nghĩa động viên rất lớn đối với người Ukraine.

Tuy nhiên trong chuyến thăm Kiev ngày 11-6, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, đã lưu ý dù Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua nhưng vẫn cần phải ban hành các biện pháp cải cách khác mà trong đó có các biện pháp chống tham nhũng.

Trước đây đã có ý kiến EC sẽ sử dụng từ "ứng cử viên" với Ukraine với điều kiện phải tăng cường thực thi dân chủ, pháp quyền và hạn chế tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là nếu như Brussels thay đổi quy chế đối với Ukraine thì sẽ hành xử ra sao khi các quốc gia ở Tây Balkan cũng muốn gia nhập khối?

Xuất hiện bất đồng về vấn đề Ukraine

Trong Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 24-6 tại Brussels, liên quan vấn đề Ukraine, có khả năng các nước sẽ phải thảo luận một vấn đề phức tạp hơn là thái độ đối với Nga.

Sau gần 4 tháng chiến sự nổ ra, đã xuất hiện sự bất đồng trong nội bộ EU. Cho dù các nước đều đứng về phía Ukraine, song họ vẫn có những lập trường khác nhau mà chủ yếu vì lợi ích quốc gia.

Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước phải cẩn thận để "không làm bẽ mặt Nga" khi đàm phán hòa bình - một quan điểm mà cả Ukraine, các nước Baltic và Ba Lan đều phản đối.

Trong khi đó, Bà Ursula von der Leyen tỏ ra hòa hoãn hơn. Tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos vào tháng trước, bà Ursula von der Leyen phát biểu cuộc chiến này không chỉ là "vấn đề sống còn của Ukraine" hay "vấn đề an ninh châu Âu" mà còn là "nhiệm vụ của toàn bộ cộng đồng toàn cầu".

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng một ngày nào đó Nga có thể khôi phục vị trí của mình ở châu Âu nếu "tìm đường trở lại với nền dân chủ, pháp quyền và tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế... bởi vì Nga là nước láng giềng của chúng ta".

Nhiều chính trị gia châu Âu khác vẫn kiên định với quan điểm không hòa bình với Nga. Ông Anders Fogh Rasmussen - cựu thủ tướng Đan Mạch, cựu tổng thư ký NATO và nguyên cố vấn cho tổng thống Ukraine Petro Poroshenko - cho rằng người dân Ukraine thực sự đang chiến đấu thay mặt cho châu Âu và các nước phải ngăn chặn ông Putin.

Ông Rasmussen dẫn chứng những chuyện đã xảy ra tại Gruzia, Moldova và ở vùng Donbass của Ukraine vào năm 2014 và cho rằng phương pháp hiệu quả nhất là ngừng cung cấp tài chính cho Nga, như đóng băng mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt - điều mà các nước châu Âu cho đến nay vẫn miễn cưỡng thực hiện.

Hiện có dư luận là một số quốc gia như Ý, Đức và Pháp đang thúc đẩy Ukraine đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Việc viện trợ vũ khí bị trì hoãn từ Đức và các nước khác chính là một phần trong nỗ lực này.

Tuy nhiên, phía Tổng thống Zelensky vẫn tỏ ra kiên định. Trong buổi đối thoại với báo chí Đan Mạch ngày 14-6, ông Zelensky khẳng định là các cuộc đàm phán hòa bình chỉ có thể bắt đầu vào ngày quân đội Nga "chấm dứt việc chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi".

Vấn đề hiện nay là liệu Ukraine sẽ cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến không cân sức này? Và cho dù hòa bình có đến sớm, Ukraine cũng sẽ phải mất nhiều năm nữa để tái thiết đất nước và cũng mất một thời gian dài để có thể bước vào ngôi nhà chung châu Âu.

Lo ngại EU mất uy tín

Một số nước còn lo ngại rằng EU có nguy cơ mất uy tín nếu đột ngột mở cửa cho các quốc gia mà trên thực tế không hội đủ các tiêu chuẩn để trở thành thành viên. Brussels từng gặp rất nhiều khó khăn với Hy Lạp - được kết nạp nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Đức, cho dù không đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý kinh tế.

Trong thời gian gần đây, Brussels lại xung đột với hai thành viên Ba Lan và Hungary do các vấn đề liên quan tới pháp quyền.

Tổng thống Ukraine thề giành lại miền nam Tổng thống Ukraine thề giành lại miền nam

TTO - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố các lực lượng của ông sẽ không từ bỏ miền nam đất nước, sau chuyến thăm đầu tiên của ông tới chiến tuyến khu vực này.

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên