Chính phủ Úc hỗ trợ Việt Nam dự án hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, với trị giá 13,8 triệu AUD (khoảng 246 tỉ đồng) giai đoạn 2 đến năm 2025.
Tại lễ công bố, bà Bridget Collier, quyền phó đại sứ Úc tại Việt Nam, nhấn mạnh tương tự Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng ngành logistics tại Úc tăng nhanh những năm gần đây. Việc phát triển này đòi hỏi nhiều kỹ năng của người lao động, chuỗi cung ứng thay đổi. Dịch COVID-19 cũng tạo ra xu hướng sử dụng lao động gia công sang lao động phức tạp, tăng cường tự động hóa để hạ giá thành sản phẩm.
Đại diện các bên liên quan công bố dự án hợp tác giữa Việt Nam - Úc ngày 14-4 - Ảnh: HÀ QUÂN
Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện chính sách đào tạo nghề nghiệp theo mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt để trang bị cho người học những năng lực làm việc cần thiết trong lĩnh vực logistics.
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng kỳ vọng ngành logistics sẽ đóng góp từ 8% - 10% tổng GDP vào năm 2025. Từ đó, Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đồng thời, dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Bên lề hội thảo, các chuyên gia cảnh báo ngành logistics có nguy cơ thiếu nhân lực do vị trí vận hành như lái xe tải đường dài, lái xe nâng hàng không hấp dẫn ứng viên; người lao động phải làm việc xa nhà, qua đêm do yêu cầu công việc; doanh nghiệp tăng chi phí do tuyển dụng sai người...
Các diễn giả cho rằng sắp tới, cơ quan chuyên môn cần có nghiên cứu, đề xuất chính sách để giải quyết các khó khăn của ngành logistics.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết ngành logistics tại Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12 - 14%/năm, đóng góp 4-5% GDP và đang trên đà phát triển.
Từ năm 2017, dự án Việt Nam - Úc đã hỗ trợ hơn 5.300 sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao kỹ năng, tỉ lệ nhập học vào các khóa liên quan đến ngành logistics của các cơ sở này tăng gấp 8 lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận