09/03/2018 13:53 GMT+7

Uber chịu nhường Đông Nam Á cho Grab

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Sau các đồn đoán, thông tin chính thức về việc Uber bán cổ phần chi nhánh hoạt động tại khu vực Đông Nam Á cho Grab đã được giới truyền thông đưa tin.

Uber chịu nhường Đông Nam Á cho Grab - Ảnh 1.

Những người xin làm việc cho Grab ngồi nghỉ tại khu trụ sở của công ty ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Nhiều hãng tin lớn khẳng định quy mô thương vụ Uber bán chi nhánh của mình tại thị trường Đông Nam Á cho Grab sẽ vào khoảng 20-30% cổ phần của hãng. Tuy nhiên, Uber chưa đưa ra thông báo chính thức về thông tin này.

Đổi lại, Uber sẽ được nắm giữ một phần cổ phiếu của Grab. Phương thức thực hiện thỏa thuận gần giống với sự việc Didi Chuxing thôn tính hoạt động của Uber tại Trung Quốc trong năm 2016.

Động thái này diễn ra sau một thời gian dài Uber phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ như Grab của Singapore, Ola của Ấn Độ và Didi Chuxing của Trung Quốc.

Công ty Grab, có trụ sở tại Singapore, đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư nhiều tiền phát triển thị trường tại các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Ông Xiaofeng Wang, nhà phân tích của Công ty tư vấn Forrester, nhận định: "Ở Đông Nam Á, công ty Grab lớn mạnh hơn và họ cũng hiểu thị trường địa phương hơn Uber".

Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Grab cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.

Chưa kể, Uber cũng phải tranh giành thị phần với các đối thủ địa phương tại các thị trường lớn khác là Ola của Ấn Độ và Didi Chuxing của Trung Quốc.

Tân giám đốc điều hành của Uber là Dara Khosrowshahi đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của công ty để chuẩn bị cho thương vụ IPO vào năm tới. Rút khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ giúp Uber tăng lợi nhuận thay vì đốt tiền.

Kể từ khi xuất hiện 9 năm trước, Uber đã đốt hết 10,7 tỉ USD để chiếm lĩnh thị trường này. Tuy nhiên, Khosrowshahi vẫn cam kết giữ các thị trường trọng điểm ở châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ.

Hiện ngân hàng Softbank của Nhật Bản - đơn vị nắm giữ hàng tỉ USD tại cả Uber, Didi, Ola và Grab - đang có kế hoạch xúc tiến dàn xếp cổ phần giữa các công ty này.    

Theo nhận định của Công ty phân tích đầu tư Temasek có trụ sở tại Singapore, cạnh tranh giữa các ứng dụng kết nối vận tải tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỉ USD trong năm 2025.

Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song công ty hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên