05/12/2022 10:24 GMT+7

UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 3: Cú khai hỏa đầu tiên của bóng ma UAV hiện đại

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Du khách đến tham quan Bảo tàng Hàng không và không gian Smithsonian ở Washington, D.C (Mỹ) có dịp nhìn thấy máy bay không người lái (UAV) MQ-1 Predator mang số hiệu 3034 ở đuôi.

UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 3: Cú khai hỏa đầu tiên của bóng ma UAV hiện đại - Ảnh 1.

MQ-9 Reaper (phiên bản mới của MQ-1 Predator) tại căn cứ Mỹ ở Kuwait. Đây là UAV tìm diệt đầu tiên làm nhiệm vụ trinh sát dài ngày - Ảnh: afcent.af.mil

UAV này đã từng bay trên bầu trời Afghanistan vào ngày bắt đầu chiến dịch không kích chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan hôm 7-10-2001 và đã thực hiện vụ tấn công đầu tiên.

Sau vụ tiêu diệt Atef, kỷ nguyên của UAV vũ trang đã chính thức bắt đầu.

RICHARD WHITTLE

Cú khai hỏa đầu tiên đã bắn hụt

Đêm 7-10-2001 tại Trung tâm Tác chiến không quân liên hợp (CAOC) của Mỹ ở Saudi Arabia, tướng Chuck Wald và cấp phó David Deptula đang điều phối chiến dịch không kích vào Afghanistan nhằm trả đũa tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11-9.

Họ không biết vài giờ trước, trụ sở CIA tại Langley (bang Virginia) đã điều động UAV Predator mang số hiệu 3034 bay tới Afghanistan theo dõi khu nhà của thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar ở Kandahar.

Đoàn xe của Omar rời khu nhà chạy đến một khu nhà khác rồi dừng lại. UAV Predator phóng một quả tên lửa Hellfire. Thay vì bắn vào khu nhà có mặt Omar, tên lửa lại phá hủy một chiếc xe bên ngoài giết chết nhiều vệ sĩ. Trong khoảnh khắc hỗn loạn, Omar tẩu thoát thành công.

Trong cuốn sách Công lý bất ngờ: Cuộc chiến máy bay không người lái bí mật của Mỹ xuất bản năm 2014, nhà báo điều tra Chris Woods (Anh) tiết lộ phi vụ ám sát hụt Omar đã dẫn đến cuộc chiến tay ba giữa không quân, CIA và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ở Florida.

Tướng Wald tức giận đòi dừng chiến dịch không kích ngay trong đêm tấn công đầu tiên trừ phi ông được quyền kiểm soát vũ khí bí mật của CIA.

Trao đổi với nhà báo Chris Woods sau này, tướng Wald cho biết ông và tướng Deptula hoàn toàn không biết vụ UAV bắn hụt Omar.

Thật ra CAOC ở Saudi Arabia đã chuẩn bị sẵn máy bay F-16 trang bị bom 1.000 cân Anh túc trực để tiêu diệt các đầu sỏ Al Qaeda và Taliban nhưng cuối cùng CENTCOM và CIA quyết định sử dụng UAV Predator.

Tướng Wald thuật lại: "Tôi không biết do ác ý hay do kém năng lực… Lần đầu tiên tôi biết máy bay Predator [tham gia] là khi tôi nghe thấy một giọng nói lạ trên hệ thống điện đài chỉ thị: Bạn được phép bắn".

Tướng Deptula bộc bạch: "Lý do gì bắn vào một chiếc xe tải trống trong khi bọn chóp bu ở trong tòa nhà kế bên và có mặt tại địa điểm mà chỉ cần hai phút sẽ có máy bay dẫn giải chúng tới khu vực khác? Nói nhẹ nhàng thì đây là một cơ hội chiến lược quan trọng đã mất".

Trong hồi ký Người lính Mỹ của tướng Tommy Franks - nguyên tổng tư lệnh CENTCOM, ông giải thích CENTCOM mới là cơ quan quyết định khi nào UAV Predator tấn công chứ không phải CIA hay không quân mặc dù CAOC phụ trách chiến dịch không kích.

Ông thẳng thắn nhìn nhận: "Trong chiến đấu phải có phân cấp quyền hạn. Nhưng vụ rối rắm này có liên quan đến CENTCOM và cả Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, CIA".

Năm tuần sau vụ ám sát hụt Omar, một UAV Predator cất cánh từ căn cứ không quân Mỹ ở Uzbekistan vào ngày 14-11-2001 bay sang Afghanistan theo dõi một đoàn xe tình nghi chở các thủ lĩnh Al Qaeda ở Kabul.

Từ bên trong một xe rơ moóc đậu trong bãi đậu xe tại trụ sở CIA ở Mỹ, các chuyên viên phân tích theo dõi hình ảnh truyền về từ UAV. Họ nhìn thấy đoàn xe mục tiêu dừng trước một tòa nhà và quyết định khai hỏa. UAV phóng tên lửa Hellfire.

Nửa sau tòa nhà phát nổ. Bảy người còn sống sót chạy sang tòa nhà bên cạnh. Quả tên lửa Hellfire thứ hai bay tới. Trong số người chết có Mohammed Atef, chỉ huy quân sự của Al Qaeda.

UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 3: Cú khai hỏa đầu tiên của bóng ma UAV hiện đại - Ảnh 3.

UAV MQ-1 Predator mang số hiệu 3034 - Ảnh: Không quân Mỹ

UAV đã được lắp tên lửa thế nào?

Sau vụ tiêu diệt Atef, kỷ nguyên của UAV vũ trang chính thức bắt đầu như tác giả người Mỹ Richard Whittle nhận định trong cuốn sách Predator: Nguồn gốc bí mật của cuộc cách mạng máy bay không người lái. Quá trình đưa UAV từ vũ khí do thám trở thành vũ khí mang tên lửa tấn công không kém nhiêu khê.

Ngược thời gian vào năm 1973, Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) đã giới thiệu hai UAV quân sự đầu tiên mang tên Praeire và Calere. Các nguyên mẫu UAV tiếp tục được phát triển nhưng ít được quan tâm.

Mùa xuân năm 1996, Bộ trưởng Quốc phòng William Perry (thời Tổng thống Bill Clinton) phê duyệt dự án phát triển UAV RQ-1 Predator làm nhiệm vụ tình báo truyền hình ảnh về căn cứ chứ không trang bị vũ khí. Năm 1999, RQ-1 Predator đã từng do thám trong chiến dịch không kích của NATO ở Kosovo.

Trong thời gian đó, Al Qaeda trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Giám đốc CIA George Tenet và cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng Richard Clarke đề xuất sử dụng UAV truy tìm trùm khủng bố Bin Laden.

Tháng 10-2000, các phi vụ UAV truy lùng Bin Laden đầu tiên được thực hiện. Clarke nhớ lại lần đầu tiên xem hình ảnh truyền về từ UAV, ông cứ nghĩ đến chuyện khoa học viễn tưởng: "Giống như tôi có thể nói với ai đó: bạn có thể di chuyển nó sang bên trái một chút không, và cách đó nửa vòng trái đất thứ gì đó đã di chuyển sang bên trái".

UAV Predator ghi được hình ảnh rất mờ cho thấy một người đàn ông cao lớn có râu mà các nhà phân tích CIA nghi ngờ là Bin Laden. Điều này tiếp tục thúc đẩy ý tưởng lắp tên lửa vào UAV.

Theo nhà báo kỳ cựu Fred Kaplan viết trên tạp chí Slate (Mỹ), tranh luận đã xảy ra vì không quân cho rằng Mỹ không tuyên chiến với Afghanistan hoặc Al Qaeda, còn CIA khẳng định cơ quan tình báo không nên có hành động quân sự.

Tháng 1-2001, các vấn đề pháp lý liên quan đến UAV trang bị vũ khí được giải quyết. Các quan chức hàng đầu Mỹ đánh giá có thể tiêu diệt Bin Laden bằng tên lửa hành trình bắn từ tàu ngầm nhưng lại không được bắn tên lửa nhỏ hơn từ UAV là điều hết sức vô lý.

UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 3: Cú khai hỏa đầu tiên của bóng ma UAV hiện đại - Ảnh 4.

UAV nhỏ RQ-11B Raven chỉ nặng 6,7kg - Ảnh: navaldrones.com

Sau đó, Predator được lắp thêm thiết bị laser và tên lửa Hellfire có thể điều khiển bắn bằng loại cần điều khiển như cần hướng dẫn bay.

Sau biến cố ngày 11-9-2001, Predator vũ trang được chuyển ngay đến các căn cứ không quân Mỹ gần Afghanistan.

Vào thời điểm UAV tiêu diệt Atef, quân đội Mỹ chỉ có 82 UAV. Còn hiện nay, không kích bằng UAV được coi là yếu tố then chốt trong chiến lược tiêu diệt các chóp bu Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lực lượng UAV của Mỹ gồm đủ loại, từ RQ-11B Raven nặng 6,7kg được phóng bằng tay đến loại lớn nhất RQ/MQ-4 Global Hawk/Triton nặng hơn 14,5 tấn.

Chiến tranh vùng Vịnh xảy ra năm 1991. Lần đầu tiên máy bay Mỹ sử dụng bom thông minh được dẫn đường bằng tia laser.

Tuy bom thông minh chỉ chiếm 9% tổng số bom Mỹ sử dụng và chệch hướng khá nhiều nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc khẳng định "cách mạng trong các vấn đề quân sự" (gọi tắt là RMA) đã đến.

Nội dung cốt lõi của RMA là ưu thế chất lượng do công nghệ (vũ khí siêu chính xác, dữ liệu truyền siêu nhanh và khả năng kết hợp cả hai) sẽ thay đổi bản chất và nhịp độ chiến tranh. Từ khái niệm đó, UAV đã được ưu tiên hơn.

Cuộc cạnh tranh sở hữu UAV ở Trung Đông nhộn nhịp như cuộc chạy đua trang bị tên lửa đạn đạo trong thập niên 1960. Ngoài quân đội các nước, hiện nay các nhóm phiến quân cũng có thể xài UAV thoải mái.

Kỳ tới: UAV tung hoành ở Trung Đông

UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 2: Từ nhà xe đến máy bay không người lái hiện đại đầu tiên UAV - Bóng ma sát thủ từ trên không - Kỳ 2: Từ nhà xe đến máy bay không người lái hiện đại đầu tiên

TTO - Ít ai biết ý tưởng chế tạo máy bay không người lái (UAV) quân sự đã ra đời hơn 100 năm.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên