Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: M.G.
Điểm trung bình ba môn lớp 12 của con anh T. đạt 27,5 điểm, tức hơn 9 điểm mỗi môn vẫn không trúng tuyển vào ngành marketing của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Tôi cho rằng việc sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thực sự không công bằng.
Chị T. (một phụ huynh)
Chênh lệch tùy cách đánh giá
"Thời tôi đi học cách đây 20 năm, cả trường hiếm hoi lắm mới có học sinh xuất sắc, học sinh giỏi có nhưng không nhiều. Một lớp có vài học sinh khá thôi. Lớp con tôi giờ học sinh xuất sắc, giỏi hơn nửa lớp. Cháu đạt điểm trên 9 cho ba môn xét tuyển, tôi cũng thấy yên tâm khi cho con xét tuyển học bạ, khỏi phải hồi hộp chờ điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp. Thế nhưng cháu rớt vì điểm chuẩn quá cao" - anh T. chia sẻ.
Ngoài ra, phụ huynh này cũng nói thêm: "Tôi cho rằng điểm học bạ có sự chênh lệch tùy thuộc vào cách đánh giá, ghi nhận của giáo viên, các trường THPT. Đó là điều mình phải chấp nhận. Tuy nhiên, các trường dành một phần chỉ tiêu xét điểm học bạ, dĩ nhiên phải giảm chỉ tiêu phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT. Điểm tốt nghiệp THPT là thang đo công bằng hơn do thí sinh làm cùng một đề. Thế nhưng chỉ tiêu đã bị lấy bớt đi nên sự cạnh tranh rất khó khăn".
Trong khi đó, con chị N.A.T. cũng vừa rớt học bạ xét tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngành kỹ thuật phần mềm. Điểm trung bình xét tuyển của con chị 8,0 điểm/môn, không đủ điểm chuẩn. Chị T. cho biết đã xác định xét tuyển vào trường, trong đó môn toán nhân hệ số 2 nên đã cho con học thêm toán bên ngoài. Tuy nhiên chị cho rằng "sai lầm" của chị là cho con học thêm bên ngoài chứ không phải giáo viên dạy ở trường.
"Cùng một lớp nhưng những bạn đi học thêm thầy điểm sẽ cao hơn, những học sinh không học điểm thấp hơn. Có thể các bạn đi học thêm thầy được luyện các kiểu bài tập sẽ có trong bài kiểm tra. Như vậy, trong một lớp đã có sự không công bằng trong đánh giá của giáo viên rồi, chưa kể ra phạm vi khác lớp, khác trường hay khác tỉnh thành. Kết quả con không đậu có lẽ chưa đủ cố gắng, chưa đủ may mắn nhưng tôi cho rằng việc sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thực sự không công bằng" - chị T. cho hay.
Tăng cao ngoài dự đoán
Trong khi đó, nhiều học sinh cho biết xét học bạ cho đỡ áp lực nhưng khi có điểm chuẩn xong lại càng áp lực hơn vì quá cao.
Với điểm trung bình năm học kỳ tổ hợp toán - lý - hóa được 22,5, điểm trung bình lớp 12 tổ hợp xét tuyển được 25,5, thí sinh L.T.N.M. tự tin nộp hồ sơ xét tuyển vào hai ngành kinh tế Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhưng cuối cùng rớt cả hai phương thức.
Điểm chuẩn học bạ hai ngành M. xét tuyển năm nay tăng đến 4 điểm so với năm trước. M. cho biết do kết quả học tập năm lớp 10 và 11 không thực sự tốt nên lớp 12 M. đã tập trung học, đi học thêm các môn toán - lý - hóa để cải thiện điểm, tăng cơ hội khi xét học bạ. Kết quả, điểm các môn toán - lý - hóa đạt trên 8,0.
"Hai năm trước, điểm chuẩn các ngành này chỉ khoảng 22 điểm nên tôi nghĩ năm nay nếu tăng mình cũng có khả năng trúng tuyển. Cuối cùng tăng đến 4 - 5 điểm. Điểm của thí sinh năm nay tăng ngoài dự đoán của mọi người. Cứ nghĩ xét học bạ cho đỡ áp lực nhưng khi có điểm chuẩn xong lại càng áp lực hơn. Giờ chỉ còn trông chờ vào xét điểm thi tốt nghiệp nên thực sự rất lo lắng. Chỉ hy vọng điểm tốt nghiệp không quá cao như điểm học bạ" - M. cho biết.
Thương trò hay thương ta?
Đã 40 năm theo nghề dạy học, nhiều lúc ở trạng thái thăng, giáng cảm xúc nhưng lần này sao trong tôi nghèn nghẹn, có lúc mình từng... "làm đẹp" học bạ.
Điều gì khiến thầy cô giảng dạy, ban giám hiệu ngấm ngầm (công khai) nâng điểm bài kiểm tra cho học sinh? Xin thưa, cho học sinh dễ dàng công nhận tốt nghiệp, được hân hoan vào đại học. Sâu xa hơn, "bệnh thành tích", háo danh.
Trường nào nhiều năm tỉ lệ tốt nghiệp 100%, nhiều học sinh vào đại học, lắm học sinh đoạt giải qua các kỳ thi - như luật bất thành văn - trường đó được khen thưởng, giáo viên đạt danh hiệu thi đua cao với số lượng nhiều, hiệu trưởng thêm cơ hội thăng tiến. "Làm đẹp" học bạ có vì thương trò, nhưng sâu xa, phải chăng vì lợi ích ngắn hay nói thẳng là sự thực dụng của nhà giáo chúng ta? Thương trò hay thương ta?
Đành rằng có học sinh tiếp thu chậm, thiếu tự tin nên đánh giá cần sự quan tâm. Nhưng bao nhiêu học sinh như thế? Chỉ là số ít và với những học sinh này, điểm số lân cận điểm 5, điểm 6 chứ không thể bay cao tựa tên lửa! Sự can thiệp cơ học kéo điểm số học sinh ở cả mức yếu, trung bình, khá, giỏi - để an toàn cho thầy cô và nhà quản lý khi học trò không khiếu kiện, và xa hơn chính là vì mình - vô hình trung - làm đau một bộ phận học sinh, phụ huynh học sinh; xói mòn niềm tin vào sự ngay ngắn của những con điểm.
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận