19/07/2022 06:14 GMT+7

Nếu các trường đua nhau 'làm đẹp' học bạ để xét đại học, công bằng ở đâu?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Theo nhiều giáo viên, việc nương nhẹ hoặc nâng điểm cho học sinh là có. Điều này gây bất bình đẳng cho học sinh khi xét tuyển đại học bằng học bạ.

Nếu các trường đua nhau làm đẹp học bạ để xét đại học, công bằng ở đâu? - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học theo phương thức điểm học bạ vào một trường đại học tại TP.HCM - Ảnh: M.G.

Chị T.T.L. có con xét tuyển bằng học bạ vào ngành marketing Trường đại học Công nghiệp TP.HCM năm nay. Con chị đạt 25,5 điểm cho tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên chị L. lo lắng về khả năng trúng tuyển của con mình khi năm nay điểm học bạ của học sinh khá cao. 

"Trường con tôi cho điểm khá nghiêm túc. Cháu cố gắng học đạt mức điểm xét tuyển như vậy cũng đáng khen rồi. Tuy nhiên nhiều trường khác có thể cho điểm hoặc ra đề kiểm tra, đánh giá dễ nên điểm học sinh rất cao. Như vậy không công bằng cho các cháu khi sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển đại học", chị L. nói.

"Vì thương học trò"

Đánh giá về việc có giúp học sinh "làm đẹp" học bạ hay không, ThS Ngô Phạm Hưng Thịnh, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng đâu đó chắc sẽ có tình trạng như vậy. Tuy nhiên ông Thịnh cho rằng việc nâng điểm, nương nhẹ học sinh không phải vì thành tích hay mục đích cá nhân mà vì lương tâm, tình thương với học trò của mình. 

"Ví dụ, tôi không nâng điểm cho học trò nhưng thầy cô khác làm như vậy, học sinh của mình thiệt thòi. Trong cái guồng như vậy, giáo viên sẽ cảm thấy tội cho học trò của mình nên phải nương nhẹ với học sinh của mình. Từ đó các thầy cô chạy đua với nhau. Cái này không phải vì thành tích mà đó là hệ quả của việc sử dụng kết quả học tập vào việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Điều này khiến giáo viên dạy cũng ức chế lắm", ông Thịnh cho biết.

Tương tự, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng chính việc tính kết quả học tập bậc phổ thông vào xét tốt nghiệp THPT và xét đại học bằng học bạ khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó. 

"Học sinh đậu đại học nhiều, trường phổ thông được tiếng vang. Giáo viên cũng muốn học sinh mình vào được đại học. Chính vì chưa có hệ thống đánh giá chung bậc phổ thông nên kết quả mỗi trường, của mỗi giáo viên không đồng nhất dẫn đến sự gian dối trong đánh giá. Thậm chí, có giáo viên cố tình ra đề khó để học sinh phải đi học thêm, sau đó điểm lại cao chót vót điều này làm cho học sinh nhận thức không đúng về năng lực của mình", ông Vinh nói.

Trong khi đó, một giáo viên khác cho rằng giáo viên cũng chịu nhiều áp lực từ kết quả học tập của học sinh. Ông này cho biết trong số các tiêu chuẩn đánh giá giáo viên hằng năm có tiêu chí "kết quả tiến bộ của học sinh". 

"Nếu kết quả học sinh không tiến bộ hoặc mình cho điểm gắt gao khiến kết quả học sinh thấp sẽ bị xét đánh giá chưa hoàn thành, bị phê bình dạy không tốt, đồng nghiệp, phụ huynh cho rằng năng lực giáo viên chưa tốt... Đó là lý do vì sao thường kết quả học bạ của học sinh có xu hướng cao dần theo từng năm", ông này cho biết thêm.

Có thể sử dụng thêm bộ lọc

Bên cạnh các nước tổ chức các kỳ thi lấy điểm xét tuyển đại học, theo nhiều chuyên gia, các trường đại học ở nhiều nước thường sử dụng kết quả học tập bậc phổ thông để xét tuyển đại học.

Với những trường lớn, điểm học tập có thể kết hợp thêm nhiều tiêu chí khác như bài luận, các hoạt động cộng đồng, thành tích năng khiếu... để thêm điểm cộng cho thí sinh khi xét tuyển. 

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng xét tuyển đại học bằng học bạ là hình thức thuận tiện phổ biến. Tuy nhiên, nên có trung tâm khảo thí độc lập cho bậc phổ thông, khi đó kết quả sẽ chính xác và khách quan, đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Hiện nay, khi mỗi giáo viên, mỗi trường có cách đánh giá khác nhau thì việc xét học bạ dẫn đến tình trạng không công bằng.

Tương tự, ông Hoàng Đức Bình, giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Thái Bình Dương, cho biết các trường đại học ở Mỹ có nhiều cách xét tuyển như dựa vào điểm SAT, kết quả học tập bậc phổ thông hoặc kết hợp các tiêu chí. 

Các trường đại học tốp đầu thường có thêm các tiêu chí khác như bài luận, minh chứng hoạt động xã hội... để xét tuyển. Cần phải nói thêm là kết quả đánh giá học tập bậc phổ thông của họ không có kiểu chạy theo thành tích hoặc làm đẹp học bạ để học sinh tăng cơ hội trúng tuyển trường lớn. Các trường Anh, Úc cũng như vậy.

"Các trường đại học Việt Nam xét tuyển dựa vào học bạ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, với những trường lớn, tính cạnh tranh cao cần có thêm các tiêu chí bổ sung để sàng lọc, chọn được thí sinh phù hợp trong bối cảnh điểm học bạ của thí sinh có nhiều biểu hiện chưa phản ánh đúng thực lực học sinh", ông Bình nói.

Căn cứ thêm nhiều tiêu chí

Thực tế nhiều năm qua, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM có sử dụng phương thức xét tuyển điểm học bạ kết hợp các điều kiện và tiêu chí khác. Chẳng hạn phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh trường THPT chuyên, trường top, ngoài điều kiện học bạ còn có bài luận.

ThS Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết sau khi thí sinh đạt điều kiện, trường sẽ xét tới điểm bài luận, sau đó mới tới điểm học bạ của thí sinh.

Đây là các bước sàng lọc để chọn được thí sinh có động cơ và sự phù hợp với ngành học chứ không chỉ căn cứ vào kết quả học tập bậc phổ thông. Điều này dẫn đến có một số bạn điểm học bạ rất cao nhưng rớt do điểm bài luận không đạt.

Tuyển sinh đại học 2022: Điểm chuẩn xét học bạ cao ngất ngưởng Tuyển sinh đại học 2022: Điểm chuẩn xét học bạ cao ngất ngưởng

TTO - Điểm chuẩn xét học bạ nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh so với năm trước, thậm chí có không ít ngành điểm chuẩn vượt... 30 điểm.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên