26/12/2014 10:22 GMT+7

Tuyển sinh 2015: Có người lợi, ắt có người thiệt

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Tăng ảo, thí sinh không được ưu tiên sẽ chịu thêm thiệt thòi so với trước đây khi áp dụng thang điểm 20... là những lo lắng phổ biến của thí sinh và chính các trường ĐH, CĐ trước thềm mùa tuyển sinh 2015.

Thí sinh thi vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014 nộp bổ sung giấy tờ để hưởng ưu tiên trong ngày làm thủ tục dự thi ĐH - Ảnh: N.Hà
Thí sinh thi vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014 nộp bổ sung giấy tờ để hưởng ưu tiên trong ngày làm thủ tục dự thi ĐH - Ảnh: N.Hà

Lý giải việc mở rộng thang điểm từ 10 sang 20, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho rằng “việc làm bài thi của thí sinh không có gì thay đổi so với trước đây, nhưng thí sinh sẽ có lợi hơn”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại khẳng định “có người lợi hơn thì chắc sẽ có người chịu thiệt hơn”, nhất là đối với tuyển sinh ĐH.

Thí sinh không ưu tiên sẽ thiệt “đậm”?

Tỉ lệ ảo sẽ tăng

Mối lo của không ít trường là khi Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh chọn cùng lúc bốn nguyện vọng khác nhau trong cùng một trường ở một đợt xét tuyển có thể sẽ khiến nguyện vọng ảo tăng nhiều hơn trước đây khi các trường yêu cầu thí sinh luôn chỉ có một nguyện vọng ở một trường.

Ông Phan Huy Phú - hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long - dự đoán tỉ lệ ảo sẽ tăng cao hơn các năm trước, nhất là khi thí sinh có nhiều khối thi đăng ký được nhiều ngành.

Ông Phú cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không cần quy định quá chi tiết việc xử lý thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi thí sinh đăng ký vào trường, song bộ phải có quy định chung khi thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 thì không được sử dụng kết quả để xét đợt 2 nữa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho rằng nếu một đề thi phân hóa tốt thì không có lý gì để tăng thang điểm từ 10 lên 20.

“Song điều dễ thấy là mở rộng thang điểm tạo ra cứu cánh đặc biệt cho thí sinh xét tốt nghiệp. Chẳng hạn một câu trước đây chỉ chia nhỏ làm bốn ý để chấm điểm thì nay sẽ chia thành tám ý, thí sinh chỉ cần chớm đến các ý trung gian cũng có thể được tính điểm, lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Điều này có thể chấp nhận được trong xét công nhân tốt nghiệp. Tuy nhiên, với tuyển sinh ĐH, CĐ, để lựa chọn người xứng đáng vào học ĐH trong khi chỉ tiêu có hạn thì việc mở rộng thang điểm kéo theo mở rộng điểm ưu tiên là một bất cập”- ông Tú phân tích.

Theo đó, khoản 5, điều 7 dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy định khung điểm ưu tiên có mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm đối với thang điểm 10; nếu sử dụng thang điểm 20, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng, giữa các khu vực dự kiến sẽ được nhân hai.

“Nếu tính một thí sinh A bình thường có tổng điểm ưu tiên là 3 điểm, nay sẽ được cộng thêm 6 điểm, thí sinh B được ưu tiên 2 điểm trước đây, nay sẽ được cộng thêm 4 điểm vào tổng điểm xét tuyển.

So sánh giữa hai thí sinh này hẳn cũng không nhiều khác biệt, nhưng so giữa thí sinh A và một thí sinh C không được hưởng ưu tiên gì thì sự cách biệt gia tăng quá lớn, từ hơn nhau 3 điểm thành hơn nhau 6 điểm”- ông Tú nói.

Đặc biệt với trường ĐH tốp trên như Trường ĐH Y Hà Nội, xét điểm trúng tuyển ĐH là phải “căn” từng chút một thì theo ông Tú, điều này gây thiệt thòi cho thí sinh không được hưởng ưu tiên dù điểm số đã tương đối cao.

“Chưa kể, chính sách ưu tiên Bộ GD-ĐT đã phải nghiên cứu, thực hiện, điều chỉnh hàng chục năm qua mới có để ưu tiên cho từng đối tượng rất chi li. Không thể vì thang điểm 20 mà dễ dàng nhân hệ số ưu tiên như vậy”- ông Tú nhấn mạnh.

Theo ông Tú, cách để giảm thiệt thòi, trả lại công bằng cho thí sinh là dù có tính thang điểm 20, điểm ưu tiên vẫn giữ hệ số như cũ, tránh tạo cách biệt quá vô lý giữa người được hưởng ưu tiên và người không được ưu tiên theo khu vực và đối tượng.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cũng cho rằng việc nhân hệ số điểm ưu tiên khi mở rộng sang thang điểm 20 là bất cập và “bật mí” trong quá trình góp ý cho dự thảo gửi về Bộ GD-ĐT sẽ nêu rõ quan điểm này.

Còn ông Trương Tiến Tùng - phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội - khi được hỏi về bất cập này thì cho rằng những nội dung của dự thảo hoàn toàn có thể sửa đổi sau đó cho phù hợp với thực tế.

Lo tuyển sinhnăng khiếu bị chậm nhịp

Đang lắng nghe

Nhiều thí sinh băn khoăn khi các em đăng ký nhiều môn thi, kết hợp được thành nhiều tổ hợp thì có thể gia tăng số nguyện vọng, được cấp nhiều hơn bốn giấy chứng nhận kết quả thi hay không?

Ví dụ cùng một đợt xét tuyển có thể dùng tổ hợp này để xét vào trường A và dùng tổ hợp khác để xét vào trường B?

Những thắc mắc này của thí sinh đã được Tuổi Trẻ gửi đến Bộ 

GD-ĐT đề nghị bộ giải đáp, hướng dẫn để thí sinh hiểu hơn về tinh thần dự thảo quy chế. Tuy nhiên ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - cho biết Bộ GD-ĐT đang trong quá trình lắng nghe các góp ý nên không thể trả lời những câu hỏi này ngay.

Với quyết định thi trước, chọn trường, chọn ngành sau của Bộ GD-ĐT, một số trường ĐH bày tỏ lo lắng nếu thực hiện quy định chung này đối với ngành năng khiếu vốn luôn có phần thi riêng do trường tổ chức thì thời gian thi sẽ bị đẩy lùi quá nhiều so với lịch tuyển sinh hằng năm.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7, nghĩa là nhanh nhất cuối tháng 7 mới có kết quả thi, sau đó thí sinh mới đăng ký ngành và việc thi năng khiếu do vậy ít nhất phải đến giữa tháng 8 mới thực hiện được.

Ông Trần Tuấn Anh- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội- cho hay dù theo thông lệ, với một số ngành như giáo dục thể chất, giáo dục mầm non... trường sẽ phải tổ chức thi riêng, nhưng hiện trường chưa thể đưa ra phương án cụ thể nào, nhất là khi dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy chỉ đưa ra quy định chung: thí sinh thi xong mới đăng ký trường, ngành xét tuyển.

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, đối với trường, ngành năng khiếu có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ phải sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.

Như vậy, sau môn thi văn hóa ở kỳ thi chung, đến khi nào nhà trường mới tổ chức môn thi năng khiếu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ không chỉ với thí sinh, mà chính với các trường vốn đã rất có kinh nghiệm tổ chức thi riêng cho các môn năng khiếu.

Lãnh đạo nhiều trường cho rằng nếu quy chế sau này không có hướng dẫn cụ thể với tuyển sinh ngành năng khiếu thì việc tổ chức thi của các trường sẽ rất bất cập, chậm trễ.

“Việc tổ chức học tập dù theo tín chỉ, nhưng nếu buộc phải áp dụng công thức chung như các ngành khác “thi trước, chọn ngành sau” thì việc các em ngành năng khiếu nhập học trễ hơn so với các bạn cùng khóa vẫn là một thiệt thòi.

Riêng về phía nhà trường, chờ thí sinh thi xong mới đăng ký ngành năng khiếu thì nhà trường sẽ không được chủ động trong tổ chức thi. Bộ GD-ĐT nên áp dụng quy định ngoại lệ với các ngành năng khiếu” - bà Nguyễn Việt Hương, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nói.

Theo bà Hương, Bộ GD-ĐT cần sớm có giải thích rõ về vướng mắc này trong quy chế để các trường chủ động chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

“Theo tôi, giải pháp đơn giản là thí sinh thi ngành năng khiếu ở trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì cần có hai bộ hồ sơ, để vừa gửi hồ sơ dự thi đến cụm thi để thi các môn văn hóa theo lựa chọn và một hồ sơ đăng ký gửi đến các trường dự thi năng khiếu để các trường và thí sinh đều được chủ động”- bà Hương đề xuất.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên