14/10/2017 14:23 GMT+7

Tuyển dụng minh bạch sẽ khó 'chạy' việc

LÊ HOÀI TRUNG (ÁI NHÂN ghi)
LÊ HOÀI TRUNG (ÁI NHÂN ghi)

TTO - “Từ khi triển khai thi tuyển công chức, viên chức công khai đến nay, ai có thực lực hơn sẽ thắng” - ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, chia sẻ như vậy khi nói về câu chuyện “Tôi không “chạy” việc, sao không tin?”.

Tuyển dụng minh bạch sẽ khó chạy việc - Ảnh 1.

Các thí sinh làm bài thi tuyển công chức TP.HCM tại Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM 5 năm nay đã tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức theo hình thức thi tuyển công khai, minh bạch và cạnh tranh. Những người được tuyển dụng là những người đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định.

Sở Nội vụ là đầu mối tổ chức tuyển dụng công chức hằng năm cho các sở, ngành, đơn vị ở TP trên cơ sở tổng hợp nhu cầu các nơi. 

Đến nay sở đã tổ chức 7 đợt thi tuyển công chức công khai. Năm 2016, TP thông qua Sở Nội vụ tuyển dụng khoảng 1.000 công chức. Dự kiến năm 2017, TP có thể cần bổ sung khoảng 500 công chức, viên chức.

Việc thi tuyển công chức được TP tổ chức chặt chẽ. Bộ đề được xây dựng tốt để có thể lựa chọn các công chức đáp ứng được vị trí công tác. 

Nhiều mục thi như Anh văn, vi tính, chuyên môn... được soạn thảo dạng thi trắc nghiệm và được hệ thống máy tính chấm điểm công bằng, công khai, ai có thực lực hơn sẽ thắng. 

Có không ít trường hợp con em của cán bộ, công chức ở TP cùng thi và vẫn rớt bình thường. Máy chấm thi nên không thiên vị ai hết.

Riêng việc tuyển dụng viên chức (giáo viên, bác sĩ...) thì do các sở ngành, quận, huyện căn cứ vào quy trình, quy chế, nhu cầu tuyển dụng công khai, minh bạch. Sở Nội vụ kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển dụng này.

TP.HCM cũng thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. 

Trong đó, có ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài...

TP đang thí điểm thực hiện chương trình thu hút nhân tài đối với các đơn vị: Viện Khoa học - công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học và công nghệ), Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu công nghệ cao và Khu nông nghiệp công nghệ cao. 

Nhiều người được thỏa thuận mức lương (chi từ nguồn ngân sách TP) tối đa đến 150 triệu đồng/tháng.

Theo tôi, có dư luận phải "chạy" để có việc làm là do nhiều nguyên nhân. Cơ bản nhất là do các tồn tại trong chất lượng đào tạo và việc đào tạo nguồn lực chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. 

Tuy nhiên, với cách thức tuyển dụng công khai, cạnh tranh thì khó tồn tại tình trạng "chạy" để có việc.

Hiện nay, TP.HCM đã bỏ một số điều kiện trong tuyển dụng công chức, viên chức, như bỏ "hộ khẩu TP"… Vì vậy, sắp tới việc cạnh tranh trong tuyển dụng sẽ diễn ra quyết liệt hơn do có thêm nguồn dự tuyển từ nhiều địa phương khác.

Có năng lực sẽ tìm được việc

Tôi tốt nghiệp Trường cao đẳng Hải quan (nay là Trường cao đẳng Tài chính hải quan) năm 2006 và bắt đầu công việc tại một công ty tư nhân.

Đến năm 2008, Tổng cục Hải quan tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức hải quan trên toàn quốc và tôi nộp hồ sơ thi tuyển.

Tôi nhớ năm đó thi 3 môn gồm tiếng Anh, môn chuyên ngành và tin học. Hồi đi thi, nhiều người cứ gặp tôi hỏi "quen ai trong đó hả, phải chạy nhiều không", họ nghĩ rằng chắc phải quen biết, được gửi gắm gì đó trước mới dám nộp đơn đi thi.

Họ còn nói nếu thi tuyển thì 50% là phải "chạy" tiền, còn 40% là "con ông cháu cha" nên không phải "chạy", chỉ khoảng 10% là thi bằng khả năng.

Tôi xuất thân trong một gia đình bình thường ở một tỉnh miền Trung, gia đình không ai làm trong ngành hải quan, nên chuyện nhờ vả hay chạy chọt là không có khả năng.

Rồi tôi cũng đậu, trải qua một vài khóa học đào tạo, tôi được phân công một vị trí trong ngành hải quan TP.HCM và đến nay vài năm lại được luân chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau trong ngành theo quy định.

Cùng lứa năm đó với tôi, bạn bè học trong trường cũng vượt qua kỳ thi tuyển này và được phân vào các cục hải quan khác nhau tùy theo nguyện vọng, như có bạn bây giờ làm hải quan Vũng Tàu, bạn về quê làm hải quan ở địa phương...

Từ năm 2013 trở đi, ngành hải quan bắt đầu ngưng thi tuyển vì biên chế dư dôi, hải quan chỉ nhận những người có biên chế, chuyển ngạch để đảm bảo một vài vị trí luân chuyển, chỗ trống do về hưu...

Đến bây giờ, tôi vẫn nghe câu chuyện chạy chọt râm ran trong ngành, nhưng tôi vẫn tin nếu có năng lực, mình vẫn có được việc làm tử tế trong cơ quan nhà nước, vì ở đâu cuối cùng cũng cần người có năng lực thực sự.

N.T.L. (một cán bộ hải quan TP.HCM)

LÊ HOÀI TRUNG (ÁI NHÂN ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên