12/10/2017 09:33 GMT+7

Làm sao xóa bỏ suy nghĩ có việc làm tốt là phải 'chạy'?

Nhà giáo hưu trí  LÊ MINH HOÀNG (xã Long Bình,  huyện Gò Công Tây, Tiền Giang)
Nhà giáo hưu trí LÊ MINH HOÀNG (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang)

TTO - Biết làm sao và cho đến bao giờ xóa bỏ được suy nghĩ phải "chạy" mới có được việc làm đã ăn sâu vào tiền thức của nhiều người trong xã hội hiện nay?

Làm sao xóa bỏ suy nghĩ có việc làm tốt là phải chạy? - Ảnh 1.

Trên đây là câu hỏi của bạn đọc LÊ MINH HOÀNG - một nhà giáo hưu trí ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) khi kể lại câu chuyện có thật của gia đình: con dâu của ông đi lên bằng năng lực mới có chỗ làm tốt, nhưng nhiều người vẫn không tin và cho rằng phải "chạy" việc! 

Vì sao vậy?

Nhằm góc thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin đăng lại nỗi lòng người trong cuộc. 

"Nhờ chịu khó học tập và tốt nghiệp đại học loại giỏi, con dâu tôi đã được một ngân hàng tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều người cứ cho rằng gia đình tôi phải tốn hàng trăm triệu đồng mới "chạy được chỗ làm này.

Con dâu tôi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM với tấm bằng loại giỏi, vừa được Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tuyển thẳng sau phỏng vấn theo phương thức tuyển dụng nhân sự mới năm 2017 và phân công về chi nhánh của ngân hàng này ở huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang - huyện cù lao quê nhà - theo nguyện vọng.

Với nhà tôi, đúng là "song hỉ lâm môn"! Thế nhưng, rất nhiều người không tin là gia đình tôi và cả gia đình nhà thông gia không "chạy" mà con dâu tôi có được chỗ làm này. Gặp nhau, họ hỏi tôi và nhà thông gia đã chi bao nhiêu, "chạy" ở đâu, nhờ ai "chạy"?

"Ngay cả mấy ông bạn cùng cà phê nghe tin con dâu tôi được tuyển thẳng vào làm việc ở ngân hàng cũng vừa chúc mừng vừa hỏi thăm: "Tốn hết bao nhiêu vậy?". Một bà chị nông dân hàng xóm tuổi đã 80 cũng hỏi: "Tốn dữ hả cậu?"...

Lê Minh Hoàng

Nhiều người kháo nhau tôi tốn hàng trăm triệu đồng, tức là nhờ "tiền tệ" để "chạy" chỗ làm cho con dâu. Một số người thì khẳng định rằng nhờ tôi có ông anh rể nguyên là chủ tịch UBND huyện..., tức là nhờ "quan hệ", bởi họ biết gia đình, dòng họ nhà tôi chẳng ai làm sếp ngân hàng cả cho nên không phải thuộc diện "hậu duệ".

Ngay cả mấy ông bạn cùng cà phê nghe tin con dâu tôi được tuyển thẳng vào làm việc ở ngân hàng cũng vừa chúc mừng vừa hỏi thăm: "Tốn hết bao nhiêu vậy?". Một bà chị nông dân hàng xóm tuổi đã 80 cũng hỏi: "Tốn dữ hả cậu?"...

Nhưng có lẽ ý kiến của một học trò thời phổ thông của tôi đang là nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng mới làm tôi buồn nhiều và làm cho nhiều người khác có thêm cơ sở để tin rằng gia đình tôi đã phải "chạy" việc. 

Nhân viên ngân hàng này khẳng định: "Phải vài trăm "chai", mà phải cỡ giám đốc chi nhánh tỉnh ra Hà Nội mới được, em ở trong ngành, em biết" (!).

Buồn khi nghe nói mình "chạy" việc

Tốt nghiệp đại học, trong khi bạn bè phần lớn đều làm việc ở thành phố, tôi quyết định về quê tìm việc vì muốn được làm việc tại quê nhà. Khi đọc tin tuyển dụng từ Agribank, tôi cảm thấy đây là một cơ hội cho mình nên nộp đơn ứng tuyển.

Sau quá trình duyệt hồ sơ, phỏng vấn thì tôi được nhận quyết định nhận việc. Tôi thật sự rất vui, ngoài khả năng bản thân, tôi thấy mình thật may mắn khi đây là lần đầu tiên ngân hàng tuyển thẳng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi như thế này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều lời đồn đoán rằng tôi tốn khá nhiều tiền để được vào làm việc. Nghe cũng buồn. Nhưng tôi biết mình không thể ngăn người khác nghĩ gì. Hiện tôi đang thử việc tại ngân hàng với công việc giao dịch viên, được sự hướng dẫn tận tình của các anh chị, tôi hi vọng mình có thể dùng năng lực để trả lời cho những nghi ngờ quen thuộc về "chạy việc" đó.

Nguyễn Thị Cẩm Tiên (con dâu ông Lê Minh Hoàng)

Cả nhà tôi là nhà giáo, vợ chồng tôi đã về hưu, còn con trai tôi đi dạy gần 10 năm, lương và phụ cấp hằng tháng cũng chừng 5 triệu đồng. Nhà thông gia thuộc diện hộ nghèo ở huyện cù lao cũng nghèo, mọi người thử nghĩ xem tiền đâu ra mà "chạy"? Còn ông anh rể nguyên chủ tịch UBND huyện đã về hưu gần ba năm rồi, mà dẫu còn đương chức thì cỡ tầm chủ tịch một huyện nho nhỏ cũng khó mà tác động đến chuyện này.

Sự thật là con dâu tôi tuy nhà nghèo và học ở trường thuộc huyện nghèo của tỉnh Tiền Giang nhưng rất chịu khó học tập và học giỏi: trúng tuyển đến ba trường đại học, chọn học ở Đại học Kinh tế TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi. Cháu đã có việc làm tốt nhờ vào chính trí tuệ của mình.

Tất nhiên, cũng phải kể đến yếu tố may mắn là đúng thời điểm này Agribank đổi mới phương thức tuyển dụng, trong đó có chủ trương tuyển thẳng sau phỏng vấn (không phải thi tuyển) đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường loại giỏi, xuất sắc của một số trường đại học được nêu tên cụ thể mà Trường đại học Kinh tế TP.HCM là một trong số đó".

Có phải muốn tìm được việc thì phải "chạy"? Tuổi Trẻ mong nhận được chia sẻ về vấn đề này từ các chuyên gia, bạn đọc, nhất là những người đã tìm được công việc bằng chính khả năng của mình mà không "chạy". Bài viết xin gửi về email: tto@tuoitre.com.vn hoặc nguyentran@tuoitre.com.vn.

Nhà giáo hưu trí LÊ MINH HOÀNG (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên