Bùi Thị Hà được tuyên dương trong 100 thủ khoa xuất sắc nhất năm 2016 - Ảnh do bản thân Hà chia sẻ trên báo
Câu chuyện em Bùi Thị Hà, tốt nghiệp Thủ khoa trường ĐH sư phạm Hà Nội 2 đã hơn một năm nhưng vẫn thất nghiệp chỉ vì em muốn trở về quê hương ở Hà Giang làm việc khiến nhiều người quan tâm và có các ý kiến khác nhau.
"Em được tỉnh hứa sắp xếp mới chờ"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Bùi Thị Hà phân trần: "Nhân 1 năm được biết đến tại lễ vinh danh thủ khoa đại học, có người hỏi em về công việc hiện tại nên em chia sẻ thật lòng, không ngờ dư luận lại ồn ào như vậy".
Bùi Thị Hà xác nhận việc em đã viết thư cho lãnh đạo tỉnh vì trước đó trường hợp Hà được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Vì thế em cũng hy vọng có thể có chính sách đặc biệt thu hút đối với sinh viên tốt nghiệp đại học có kết quả giỏi.
"Các bác ấy nói không ai tuyển giáo viên giữa năm mà phải chờ năm học mới. Tỉnh không còn chính sách thu hút đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhưng sẽ có tác động để trường hợp của em có việc làm sớm. Chính vì nghe nói thế nên em chờ đợi. Vì em muốn được làm việc tại Hà Giang".
Hà cho biết có thể chờ đợi nhưng nếu có một thời hạn cụ thể và chắc chắn thì cô vẫn có thể chờ. Nhưng như hiện tại thì mọi việc dường như bế tắc. Mới đây, theo gợi ý của lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Giang, Hà đồng ý dạy học ở một huyện khó khăn ở xa thành phố, vì chỉ cần có việc và được đóng góp cho quê mình.
"Em đã suy nghĩ và nếu được dạy học ở Xín Mần (Hà Giang) em cũng sẽ đi nhưng sau lời gợi ý đó thì hiện giờ vẫn không có thông tin nào mới về công việc", Hà cho biết.
Cô thủ khoa sư phạm nói trong tháng tới sẽ thu xếp tới Hà Nội để tự tìm công việc, kể cả một vị trí làm giáo viên hợp đồng cũng được, miễn là được làm đúng nghề mình đã chọn, đã học.
Mẹ Hà cho Tuổi Trẻ Online biết chị không muốn là người cản đường của con gái nên đã động viên con hãy nghĩ tới một nơi xa hơn nếu ở trên quê hương mình, không thể có được cơ hội công việc.
"Tốt nghiệp đúng lúc chính sách thu hút nhân tài bị dừng"
Xung quanh câu chuyện của Bùi Thị Hà, ông Trần Trọng Thủy - Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Giang cho Tuổi Trẻ Online biết từ năm 2008, Hà Giang đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Quy định này được điều chỉnh trong các năm tiếp theo để phù hợp thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá, giỏi là một trong những đối tượng được áp dụng chính sách này.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42 nhằm bãi bỏ các nghị quyết trước đó về chính sách thu hút nhân lực và hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức.
"Việc dừng chính sách này là do một số mục tiêu không đạt được như đã đề ra. Đáng tiếc trường hợp em Bùi Thị Hà tốt nghiệp lại đúng lúc chính sách thu hút của tỉnh đã dừng nên không thể áp dụng. Khi không còn chính sách đặc thù để thu hút nhân lực, thì nếu vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị sẽ phải qua quy trình tuyển dụng như bình thường", ông Thủy lý giải.
Theo ông Thủy, tình trạng dư thừa giáo viên không chỉ là chuyện cá biệt ở Hà Giang mà là việc xảy ra ở nhiều địa phương. Việc dư thừa giáo viên là do tổng biên chế giao đã vượt quá hoặc đã sử dụng hết.
Tuy nhiên, đặc thù địa bàn Hà Giang cư dân thưa, địa hình phức tạp, nên dù nhìn toàn cục có tình trạng dư thừa giáo viên, nhưng thực tế "nhu cầu giáo viên vẫn còn nhưng không có biên chế". Việc tuyển dụng vì thế chỉ có thực hiện theo hợp đồng, nhưng ngay cả tuyển hợp đồng cũng phụ thuộc vào ngân sách.
Qua câu chuyện của Bùi Thị Hà, có thể thấy vấn đề thu hút nhân tài vẫn mới chỉ nằm trong chủ trương chưa có những cơ chế linh hoạt để tiếp nhận những người tài, có tâm huyết và nguyện vọng đóng góp cho quê hương. Những chính sách cứng nhắc sẽ khó có thể rộng mở, tiếp nhận những người trẻ có nhiệt huyết và năng lực vì hàng ngàn lý do.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận