05/09/2017 07:49 GMT+7

Tựu trường, nhắc... sách giáo khoa

CÔ TÚ
CÔ TÚ

TTO - Tú tôi đứng Quán Mắc Cỡ hàng chục năm nay đã quá ngán ngẩm với những sai sót của sách giáo khoa do bạn đọc phát hiện và gởi đến...

Tựu trường, nhắc... sách giáo khoa - Ảnh 1.

● Trong phần Nghe - viết - sách Tiếng Việt lớp 2 - tập 2 (NXB GD - 2017) có mẩu trích từ bài thơ Thu ẩm của Nguyễn Khuyến:

"Điền vào chỗ trống l hay n?

…ăm gian …ều cỏ thấp …e te".

Theo cô Tú, các bé phải điền từ nào cho đúng?

                                                                                                    BÀNH THỊ GẠC MA (SÓC TRĂNG)

- Các cháu điền kiểu nào cũng sai vì câu thơ trong bài Thu ẩm của Nguyễn Khuyến là: "Năm gian nhà cỏ thấp le te". Cụ Nguyễn Khuyến có nhà cửa đàng hoàng chứ không ở lều, ở chòi đâu các cháu ạ!

● Cũng sách GK Tiếng Việt lớp 2 - tập 2 (NXB GD - 2017) trong bài Sơn Tinh Thủy Tinh có chú thích: Hồng mao: Bờm (ngựa). Nhưng trong Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng), mục từ này được giải thích: Hồng mao: lông hồng. Vậy nghĩa nào đúng? Hoặc có tài liệu nào nói rằng hồng mao là bờm ngựa thì cũng cho bạn đọc biết để học hỏi thêm.

                                                                                               LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG (SÓC TRĂNG)

- Từ hồng mao trong câu thơ "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" (Chinh phụ ngâm) thì có nghĩa là lông hồng. Nhưng trong truyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh, ("Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao") thì phải giải nghĩa là bờm ngựa mới đúng. 

Nếu cho là sai thì sai từ chuyện cổ tích. Xin lưu ý giữa từ Hán - Việt và tiếng Việt thông dụng, đôi khi dễ bị lầm lẫn. Ví dụ: Từ mi nghĩa Hán - Việt là lông mày. Nhưng tiếng Việt gọi mi là lông nheo, mọc ở mí mắt. 

Nếu tra quyển Đại từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam do Nguyễn Như Ý chủ biên, thì mục từ hồng mao còn còn có thêm một chú thích thứ hai: Chỏm tóc giữa đầu của trẻ em ngày xưa. Nghĩa này rất gần với bờm ngựa.

● Sách Tiếng Việt lớp 5 - tập 1 (NXB GD, do NMT chủ biên), mục Kể chuyện Lý Tự Trọng (trang 9), các tác giả cho rằng "Lý Tự Trọng bị đưa ra pháp trường xử bắn…". Nhưng quyển Gương liệt sĩ của NXB Kim Đồng (nhiều tác giả) lại có chi tiết "trước khi lên máy chém…". Xin hỏi cô Tú: Thực dân Pháp xử tử anh Lý Tự Trọng bằng hình thức nào?

                                                                                                                            V.P.H. (VĨNH LONG)

- Anh Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp đưa lên máy chém tại Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon; nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - 69 Lý Tự Trọng, Quận 1) vào sáng sớm ngày 21-11-1931. Năm đó, anh mới 17 tuổi (1914 - 1931). Như vậy, quyển sách của NXB Kim Đồng viết đúng.

● Trong sách GK môn Lịch sử lớp 6 và lớp 10 của NXB GD có ghi số Pi = 3,16. Ngạc nhiên chưa?

                                                                                                              VÕ PHI HÙNG (VĨNH LONG)

- Số Pi mà chúng ta được học là 3,1416… chưa kể một chuỗi số tính được càng ngày càng dài. Hiện nay, phần thập phân của nó đã lên tới 10 lũy thừa 13 chữ số. Nếu phát hiện sai sót trên của bạn Phi Hùng là đúng thì vẫn còn có điều đáng mừng rằng số Pi ấy chỉ sai trong sách giáo khoa Lịch sử chứ không phải trong sách giáo khoa Toán.

Tú tôi đứng Quán Mắc Cỡ hàng chục năm nay đã quá ngán ngẩm với những sai sót của sách giáo khoa do bạn đọc phát hiện và gởi đến, nên đối với cái sai về số Pi nói trên thì không có gì phải ngạc nhiên. 

Nếu bạn thử gõ vào Google: "Những cái sai trong sách giáo khoa" thì trang mạng này sẽ cung cấp cho bạn đủ thứ sai sót trong các loại sách giáo khoa ở các cấp. Đọc thì không phải ngạc nhiên, mà thực sự là hãi hùng. Nghe nói Bộ Giáo dục & Đào tạo đang biên soạn những bộ sách giáo khoa mới để thay thế sách cũ vào năm 2018. Chúng ta hãy chờ xem!

VUA SẾN LÊN NGÔI?

● Đọc báo SGGP ngày 22-8-2017 tụi em rất phấn khởi khi được biết ca sĩ Ngọc Sơn - thường được giới phê bình âm nhạc gọi là "vua Sến"- vừa được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen và phong tặng danh hiệu "Giáo sư âm nhạc". Phải chăng nền ca nhạc sến của chúng em đang lên ngôi? Nếu thiệt như vậy, xin cô Tú chuyển lời chúc mừng của chúng em tới giáo sư Ngọc Sơn và lời cảm ơn tới Hội Nghệ nhân và Thương hiệu nhé!

VÀNG EM VUI VẺ & NHÓM LỌ LEM (TP.HCM)

- Quả thực có một cái bằng khen và chức danh "Giáo sư âm nhạc" của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam do Ts Lê Ngọc Dũng nào đó ký tặng cho ca sĩ Ngọc Sơn. 

Nhưng Tú tôi được biết, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam với lãnh vực hoạt động trong các ngành nghề tiểu thủ công, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... đâu có tư cách phong chức danh giáo sư? 

Tú tôi còn phát hiện trên cái bằng khen của hội ấy, địa chỉ của Ngọc Sơn ở đường Sương Nguyệt Anh mà bị ghi sai là Sương Nguyệt Ánh (!). Kiến thức nền kém cỏi như vậy mà dám phong chức danh giáo sư cho người này người khác. Chỉ riêng một cái sai này đủ khiến cho cái bằng khen của hiệp hội ấy không có giá trị sử dụng!

Cái bằng dỏm ấy trước sau cũng bị thu hồi thôi. Vậy Vàng Em và các bạn Lọ Lem khoan vội mừng nhé!

CÔ TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên