Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Vân - Ảnh: Vũ Toàn |
Và Giải thưởng làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2013 đã trân trọng trao đến hai bạn đọc này.
Góp lộ phí để ông Tùng đi kiện
Ngay khi đọc xong bản tin của Tuổi Trẻ về việc ông Dương Văn Tùng (ở An Giang) mua vé số của Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) Kiên Giang nhưng không được nhận thưởng chỉ vì sơ ý làm vé bị rách, ông Nguyễn Quang Sơn (TP Đà Nẵng) đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết “Phải xét trả thưởng cho ông Tùng” (Tuổi Trẻ đã đăng ngày 28-3). Bài viết được dư luận đồng tình và khơi mạch cho nhiều bạn đọc cung cấp thông tin và cùng bàn về chuyện trao giải thưởng cho tờ vé số chẳng may không còn lành lặn.
Vốn là đại lý vé số cấp 1 ở Đà Nẵng, ông Sơn nói: “Là người trong nghề nên tôi cam chắc cách hành xử của Công ty XSKT Kiên Giang chưa hợp tình hợp lý. Vậy nên tôi ngồi vào bàn viết một mạch tất cả suy nghĩ về những gì mình biết, hiểu về thế giới vé số. Để thuyết phục hơn, tôi còn lục tìm thông tư 65 của Bộ Tài chính quy định về “Điều kiện của vé lĩnh thưởng” để nói cho hết tình đạt lý”. Tiếp sau đó, ông Sơn gửi đến Tuổi Trẻ thêm một bài viết tựa đề “Nhiều người sẽ sụp đổ niềm tin nếu...” (Tuổi Trẻ ngày 2-4), như một thông điệp gửi đến giám đốc Công ty XSKT Kiên Giang.
“Tôi làm như vậy là để người mua vé số có thêm niềm tin bởi mua vé số là xây dựng đất nước mà... - ông Sơn tâm sự và nói thêm - Ngày trước tôi ít khi để ý đến báo chí lắm. Nhưng kể từ hôm báo Tuổi Trẻ có bài viết chia sẻ về số phận của một người bán vé số ở Đà Nẵng không may qua đời vì tai nạn giao thông thì tôi nhận ra sự đồng cảm của Tuổi Trẻ với người nghèo, nhất là với những người đi bán vé số. Lần này, Tuổi Trẻ lại tiếp tục đề cập đề tài vé số và lại liên quan đến người nghèo nên tôi quyết định viết bài chia sẻ cùng Tuổi Trẻ”.
Nhận giải thưởng từ Tuổi Trẻ, ông Sơn vui nhưng lại tha thiết đề nghị: “Tôi xin gửi lại số tiền và thông qua báo Tuổi Trẻ gửi đến Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng 1 triệu đồng, 500.000 đồng gửi cho Quỹ công tác xã hội báo Tuổi Trẻ. Riêng 500.000 đồng còn lại nhờ Tuổi Trẻ giúp trao tận tay cho ông Dương Văn Tùng như một phần lộ phí để ông Tùng đi kiện nếu Công ty XSKT Kiên Giang nhất quyết không trả thưởng”.
Không để người tốt bị oan trái
Hơn 700 phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ bức xúc khi đọc bài viết “Bị đánh vì... trả lại của rơi” trên Tuổi Trẻ ngày 27-3. Người cung cấp thông tin giúp Tuổi Trẻ làm nên bài viết nóng này là chị Nguyễn Thị Vân, một doanh nhân ở Hà Tĩnh.
Từng làm việc ở tỉnh Lâm Đồng những năm trước đây, chị kể mới đây đã có dịp trở lại Lâm Đồng. Ngày 22-3, chị cùng hai người dân đi cắm mốc lô đất ở thôn Phú Hội, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Hôm đó, hai vợ chồng ông Nông Văn Sanh (trú tại thôn Văn Minh, xã Tân Văn) cũng đang làm nương gần đó. Câu chuyện bắt đầu khi chiếc xe đò dừng lại bên đường cho khách đi vệ sinh và có người nhặt được chiếc ví trong đó có giấy tờ của một người ở Phú Hội. Ông Sanh thấy vậy mới nói cứ để ví lại, ông sẽ điện báo người bị mất đến lấy. Người nhặt ví đòi ông Sanh 3 triệu đồng mới đưa ví, nhưng ông Sanh nói không có tiền nên người này vứt chiếc ví lại khi xe đò chuẩn bị chạy.
Chứng kiến việc này nên trưa hôm đó khi vào quán ăn cơm, chị Vân hỏi chuyện ông Sanh về chiếc ví rồi gọi theo số máy ghi trong giấy tờ trong ví để báo tin cho người đánh rơi đến nhận lại. “Người nghe điện thoại trả lời: Tôi là người mất giấy tờ. Chị ở đâu cho tôi chuộc. Tôi báo địa điểm nhưng mãi không thấy ai đến nên chú Sanh gọi tiếp. Một lúc sau tôi thấy 6-7 người đến. Khi tôi đang thẩm tra tên tuổi người đến nhận so với giấy tờ trong ví thì chú Sanh kể chuyện người thanh niên nhặt được chiếc ví. Mới nghe đến đó, mấy người nhào vô còng tay chú Sanh và định còng cả tay tôi nhưng may có chú Hà, công an viên Phú Hội, là người quen nên thôi. Tiếp đó họ chở chú Sanh về trụ sở Công an Phú Hội xa 7km mặc cho chú không có mũ bảo hiểm. Thấy vụ việc bất an, tôi và vợ chú Sanh cùng đi theo. Tại trụ sở Công an Phú Hội, thấy họ đánh chú Sanh nên tôi gọi điện công an Văn Minh đến bảo lãnh, đưa chú về” - chị Vân kể.
“Trên đường về, tôi vừa tức vừa nghĩ mình là nhân chứng, thấy người dân làm việc thiện nhưng bị oan trái mà không được đưa lên báo thì nhiều người khác sợ, không dám làm việc tốt. Vì thế tôi quyết định báo tin cho Tuổi Trẻ. Tôi là bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ nên biết báo sẽ đưa thông tin này lên nhanh và chính xác. Kết cục đúng như vậy” - chị Vân chia sẻ.
Nhiều lần báo tin cho Tuổi Trẻ Giải thưởng tháng 3 cũng trao đến anh Lê Ngọc Toàn (ở TP Nha Trang, Khánh Hòa), là người đã báo tin vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa hai xe khách trên quốc lộ 1 (đoạn qua phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) vào rạng sáng 8-3, khiến 12 người chết và 61 người bị thương. Anh kể: “Khoảng 2g sáng 8-3, khi đang ngủ thì tôi bị đánh thức bởi một người bạn gọi điện báo có tai nạn thảm khốc ở Cam Ranh, khiến 10 người chết. Ngay lập tức, tôi nghĩ đến Tuổi Trẻ và gọi điện cho đường dây nóng báo tin, vì tôi cho rằng Tuổi Trẻ là tờ báo có sức ảnh hưởng lớn, có thể tác động đến việc giúp đỡ các nạn nhân, đồng thời lên tiếng cảnh báo về ý thức của các tài xế cũng như chất lượng đường sá. Và đây không phải lần đầu tôi gọi cho Tuổi Trẻ”. Anh Toàn cũng chính là người báo tin cho Tuổi Trẻ vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 13 người chết trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) hồi năm 2006, đồng thời cũng là người báo tin vụ đặt mìn tại nhà giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7-2012. “Sau khi báo tin hồi năm 2006, tôi được báo Tuổi Trẻ tặng một chiếc ví rất đẹp, đến giờ vẫn còn giữ như một kỷ niệm” - anh Toàn tâm sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận