Từ số này, Tuổi Trẻ trích đăng một phần cuốn sách Từ chiến trường khốc liệt (Live from the battlefield) của Peter Arnett do Nhà xuất bản Thông Tấn xuất bản tháng 4-2009.
Tất cả các đơn vị hỗ trợ quân đội Mỹ đều rút khỏi miền Nam VN vào tháng 3-1973. Tôi đang ổn định trong một căn hộ mới thuê phía đông Manhattan (New York) và cố gắng từ bỏ những kinh nghiệm ở VN, tiếp tục với các chủ đề khác. Nhưng tôi vẫn còn mềm yếu với những bài hát quyến rũ của VN. Khi các biên tập viên của AP yêu cầu tôi trở lại Sài Gòn vào mùa hè năm 1973, tôi đã không từ chối. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu xem miền Nam VN có thể tồn tại được không nếu không có sự tài trợ của Quốc hội hay binh lính Mỹ.
Phóng to |
Peter Arnett trong thời gian tác nghiệp tại Sài Gòn - Ảnh tư liệu |
Băng trên sông
Tôi có linh tính rằng thời điểm chính trị căng thẳng đã tới. Tôi thuê một xe tải Chevy và người lái xe đi từ Sài Gòn ra phía bắc càng xa càng tốt cùng Andrew - đứa con 9 tuổi của tôi. Sau hơn một thập kỷ theo đuổi tin bài trong thành phố và nông thôn dọc các con đường, tôi muốn Andrew chứng kiến để nhớ điều đó trong tương lai khi vùng đất nơi nó sinh ra sẽ có đổi thay.
Trở lại Sài Gòn, tôi phỏng vấn một người quen ở Đại sứ quán Mỹ, một người quan sát hiểu biết sâu sắc tình hình VN tên Frank Scotton, người đưa ra đánh giá thẳng thừng về sự khủng hoảng. Anh ta nói Hoa Kỳ không còn cố gắng trong cuộc chiến nữa cũng như không ngăn chặn nổi việc tiếp quản không thể tránh được của cộng sản.
“Miền Nam VN ngày nay giống như băng trên sông. Bạn có thể bước qua trên băng ngay bây giờ, bạn có thể lăn những viên đá qua nó nhưng con sông bên dưới đang chảy rất nhanh và băng đang tan”. Những trích dẫn từ anh ta làm thành một chuỗi những bài viết ở AP của tôi xuất hiện trên các tờ báo của Mỹ ngày 15-7-1973.
Ngày hôm sau, 16-7, nhân viên báo chí của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Đức Nhã, đọc bài báo của tôi trên tờ Pacific Stars And Stripes, gọi tôi tới văn phòng anh ta để quở trách. Lần đầu tiên một nhân viên người Việt thách thức việc tác nghiệp của tôi. Nhã là cháu trai của tổng thống Thiệu, nổi tiếng vì từng thét vào mặt Henry Kissinger trong buổi bàn thảo cuối cùng cho thỏa thuận hòa bình. Bây giờ anh ta thét vào tôi: “Làm sao anh có thể viết những thứ như thế này, đồ rác rưởi, đó không thể là sự thật, chính phủ của tôi muốn trục xuất anh”.
Tôi nói với Nhã bối cảnh chính trị của Mỹ và học thuyết Kissinger, mà tôi hiểu Mỹ có những người bạn không thường niên nhưng có những sở thích thường niên và bây giờ VN không phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ. Sự đề cập của tôi tới Kissinger đã làm giảm thái độ của Nhã. Sau một giờ, chúng tôi nói lời tạm biệt thân ái và anh ta không đề cập tới việc trục xuất tôi nữa.
Tảng băng đã vỡ
Phóng to |
Vào cuối tuần thứ ba tháng 3-1975, tảng băng đã vỡ. Tôi đọc tin đó ở tờ New York Times. Nhan đề nói rằng vùng Tây nguyên rơi vào tay cộng sản, các khu đô thị của Kontum, Pleiku và Buôn Ma Thuột cũng đang như vậy. Tôi muốn hét to lên rằng chiến tranh cuối cùng đang kết thúc.
Tôi tới trụ sở AP, nơi biên tập viên Nate Polowetzky đang gập lưng trên máy telex từ Sài Gòn gửi về. “Hãy nhìn này, toàn bộ hỗn độn”, anh ta giật bản mới nhất từ phóng viên George Esper, một câu chuyện về di cư không có tổ chức rộng lớn từ vùng cao nguyên tới ven biển miền Trung. Hàng nghìn người chạy qua những con đường ít được sử dụng. Tôi nói với Nate rằng tôi cảm thấy điều này đang kết thúc và tôi muốn đi tới VN ngay.
Anh ta nói tôi báo cáo với sếp. Chủ tịch AP Wes Gallagher không hoàn toàn bị thuyết phục với niềm tin của tôi. Ông ta còn một năm nữa về hưu và đã dành rất nhiều thẩm quyền của mình cho câu chuyện VN. Nhưng ông ta nắm lấy tay tôi và nói: “Tới đó đi, và chúng ta sẽ cần rất nhiều người chết tiệt hơn tham gia với cậu nếu cậu đúng”. Tôi đã lên đường vào ngày hôm sau.
Sài Gòn choáng váng và tức giận. Người dân thích lờ đi hơn là ủng hộ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã không quan tâm tới số phận chiến trường. Esper gặp tôi ở sân bay nói rằng chính quyền Sài Gòn vừa để mất Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Vùng Tây nguyên đã ra đi. Miền Nam VN bị thu nhỏ một nửa trong vòng một tuần.
Tôi đã nghe về một cuộc đảo chính có thể lật đổ tổng thống, rằng lãnh đạo người Việt bị đổ lỗi về các cuộc rút quân chiến trường. Những người bạn cũ hỏi tôi người Mỹ và những chiếc máy bay B-52 đã cứu họ trước đây giờ ở đâu? Tôi cố gắng giải thích với họ rằng chính sách VN của Mỹ đã hết lòng tin. Vì những lý do hoàn toàn không liên quan tới VN, Nixon rời Nhà Trắng. Tổng thống mới Gerald Ford bị quốc hội hạn chế sử dụng ngân quỹ cho các hoạt động chiến trường ở Đông Nam Á.
Mỗi ngày, những tin bài miêu tả một vùng đất hoàn toàn sụp đổ không ngừng tuôn chảy. Gallagher yêu cầu tăng nhân lực, và một số trưởng phân xã khu vực của AP bay tới Sài Gòn. Trong một cuộc chiến như tại VN, nơi các nhân viên của ông ta đã từng giành được năm giải thưởng Pulitzer, Gallagher quyết tâm duy trì điều thuận lợi có tính chất cạnh tranh tới cùng. Các tổ chức thông tin khác cũng cho thấy sự quan tâm mới trở lại trong câu chuyện.
Trên các con đường tràn ngập lo lắng của Sài Gòn và trong các nhà hàng Pháp, tôi gặp đồng nghiệp báo chí trước đây đã lâu không gặp trong nhiều năm. Tất cả chúng tôi ở đó ghi lại khoảnh khắc cái chết đang đến gần của miền Nam VN, tất cả chúng tôi cùng đặt mức độ biểu cảm trong câu chuyện nhưng cố gắng để nó đi theo cách vốn có.
________________________
George Esper sử dụng nguồn tin Sài Gòn của anh ta là người đầu tiên viết rằng Đà Nẵng đã rơi vào tay cộng sản. Nhưng chúng tôi nhanh chóng biết rằng “rơi” là từ chưa chuẩn.
Kỳ tới: “Thổi tung”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận