Những bức tượng được sắp xếp chen dày ở công viên Tao Đàn (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Bài viết thử nhìn lại một nghịch lý đã diễn ra từ lâu, để góp thêm một cái nhìn thực tế trước buổi tọa đàm “Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM” diễn ra hôm nay (9-9).
Nếu ai xuôi con đường Trương Định qua công viên Tao Đàn (TP.HCM) sẽ thấy những tượng điêu khắc đặt san sát nhau, nhiều tượng không biết có... hình thù gì (!).
Đây là “hậu quả” của trại điêu khắc TP.HCM năm 2005. Sau khi kết thúc trại, những bức tượng đã được đặt vào công viên, nhưng thật khó nói sự sắp đặt đó là theo ý tưởng gì. Sự ken dày của các bức tượng tạo nên một không gian rối rắm hơn là mang tính thẩm mỹ.
Trại điêu khắc An Giang cũng là một “điển hình” cho sự “thiếu đầu ra” của các tác phẩm. Qua ba lần tổ chức (năm 2003, 2005, 2007) trại An Giang đã có những tượng đẹp. Nhưng do bỏ bê khiến không gian tượng này có thời gian xuống cấp, bị xem như “bãi rác”. Phải khi dư luận lên tiếng, tình hình mới được cải thiện.
“Hầu hết tác phẩm khi kết thúc trại điêu khắc đều không được tính toán chỗ đặt phù hợp! |
Điêu khắc gia LÊ XUÂN TIÊN |
Nỗi buồn của tượng
Huế là nơi tổ chức trại điêu khắc nhiều nhất nước, với năm lần mở trại (năm 1998, 2002, 2004, 2006, 2008). Nhưng thực trạng là cả trăm bức tượng được đặt chen chúc ở công viên dọc bờ sông Hương đang bị mất cắp, hư hại... không kiểm soát.
Tại công viên 3-2, tác phẩm Sảng khoái của một tác giả Nhật Bản đã bị mất trộm, hư hỏng hoàn toàn, còn trơ lại chân đế xây bằng gạch thô kệch, xấu xí. Cạnh đó là một tác phẩm điêu khắc khác cũng biến mất chỉ còn lại hàng rào bằng xích.
Tác phẩm Hoa trinh nữ của tác giả người Philippines với rất nhiều lần bị bẻ gãy những cánh tay, dù đã được sửa chữa nhưng chắp vá sơ sài, cánh tay lòi cả những thanh sắt. Tác phẩm này được vây kín bởi hàng rào dây xích, cắm biển “không được xâm phạm hiện vật” trông rất lạnh lùng, dưới chân tượng còn có thùng rác bốc mùi hôi thối.
Tại công viên bờ bắc sông Hương, nhiều tác phẩm cũng đã xuống cấp, hoang phế. Tác phẩm Lắng đọng của nhà điêu khắc Nguyễn Hiền bị mất hết các họa tiết bằng inox như chiếc thuyền, cụm nón lá, chỉ còn lại một cái nón lớn nằm ngửa nhìn trơ trọi. Cạnh đó một số tác phẩm điêu khắc khác làm bằng chất liệu sắt đã bị hoen gỉ, nhiều tượng bị trôi phần chân đế, mất bảng tên tác phẩm.
Tại công viên Quốc Học, tác phẩm điêu khắc Nón và gió của một tác giả Mỹ đã bị cưa trộm ba chiếc nón bằng đồng, trơ trọi những cọng sắt nhọn cắm lởm chởm trên tảng đá. Tại đây, tượng được sắp xếp một cách tùy tiện, mật độ quá dày, cả chục bức tượng chen chúc nhau trong một khuôn viên nhỏ hẹp, gây cảm giác rối mắt.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, nguyên trưởng khoa điêu khắc Trường ĐH Nghệ thuật Huế, cho biết: “Nhiều tác giả sau khi quay lại Huế thấy tác phẩm mình bị hư hỏng, họ rất đau lòng. Như nữ điêu khắc người Indonesia, khi trở lại Huế vào năm 2004, cô đã phải bỏ tiền túi ra để sửa chữa lại tác phẩm bị cắt, bẻ cong, hoen gỉ, hư hỏng”.
Theo ông Hiền: “Dường như tỉnh không mặn mà gì nhiều với tác phẩm điêu khắc này. Họ giao toàn bộ tác phẩm lại cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý, trong khi đơn vị này không có chuyên môn gì về điêu khắc, không có kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cẩn - giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế - cho biết: “Hiện các tượng đặt ở công viên quá dày đặc, nhiều tượng không xứng tầm đặt bên bờ sông Hương, nhưng vì không có chuyên môn nên chúng tôi không dám đụng vào”.
Một tác phẩm trong trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế năm 2006 do không được bảo dưỡng đã bị trôi hết phần đế, mất bảng tên tác phẩmẢnh: NGUYÊN LINH |
Bài học “đầu ra”
Đề cập những bất cập trong việc trưng bày tượng sau trại hiện nay, điêu khắc gia Lê Xuân Tiên lên tiếng: “Cách trưng bày, bảo quản tác phẩm của mỗi trại đều chưa có tính khoa học và nghệ thuật. Cách trưng bày như vậy không những không tôn được tác phẩm lên mà còn làm cho các tác phẩm trở nên thảm hại hơn, trong môi trường chật chội thiếu cảnh quan, thiếu không gian, điểm nhìn... Hầu hết tác phẩm của ta khi kết thúc trại điêu khắc đều không được tính toán chỗ đặt phù hợp!”. Theo ông, đây chính là bất cập chung của các trại điêu khắc toàn quốc.
Nhưng theo thời gian, dường như các nhà tổ chức cũng nhận ra điều này. Trại điêu khắc Quảng Nam vừa kết thúc hồi tháng 8-2015 đã nhận được nhiều nhận xét tích cực của giới chuyên môn.
Điêu khắc gia Đào Châu Hải nhận xét: “Theo tôi, có sự chuyển biến mới ở trại điêu khắc Quảng Nam. Ngay từ đầu những người tổ chức đã thống nhất được tượng sẽ đặt ở quảng trường trước UBND tỉnh, có bản dự án quy hoạch của kiến trúc sư. Khi làm xong thì mỗi tượng đều được đặt vào đúng vị trí. Đây là cách làm chuyên nghiệp, mọi ý tưởng nghệ thuật được thỏa mãn, và vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ cũng được đề cao”.
Khi những bài học về việc quy hoạch vườn tượng đang là kinh nghiệm cần được rút ra cho các trại mới, thì việc xử lý vườn tượng cũ cũng cần được chú ý. Ông Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc, đưa ra cách giải quyết cho vườn tượng An Giang: “Chúng tôi đã đưa ra hai giải pháp về quy hoạch vườn tượng để phục vụ du lịch. Một là quy tập thành hoa viên, hai là chia nhỏ số lượng tượng cho công viên văn hóa Núi Sam phục vụ du lịch tâm linh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận