Đại dịch cướp đi cả cha lẫn mẹ nên giờ 4 chị em phải nương tựa vào nhau để sống tại quận 12, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bài báo này, Tuổi Trẻ ghi lại tâm tư, ý kiến "người trong cuộc", những người mất người thân vì dịch bệnh mấy tháng qua.
* Anh Cổ Minh Trí (Q.Bình Thạnh): Để không ai ra đi oan uổng
Ba tôi, kiến trúc sư Cổ Văn Hậu, là một người vui vẻ, luôn hoạt động. Ba thường bảo: "Cái đầu của mình là để suy nghĩ, để sáng tạo, để làm việc. Không được để nó yên. Yên là nó sẽ chết". Lúc nào ba cũng tìm việc để làm, tìm việc để giúp ích mọi người. Lúc nào ba cũng muốn có học trò, đồng nghiệp đến chơi, thăm hỏi, bàn luận.
Vậy rồi ba phải ra đi trong cô độc, lặng lẽ, âm thầm vì COVID-19. Nỗi đau này với chúng tôi không thể nào nguôi ngoai. Tôi nghĩ hàng chục ngàn người đã ra đi trong mấy tháng đại dịch vừa rồi cũng vậy. Chúng tôi cảm thấy cái giá phải trả này oan khuất quá!
Tôi nghe tin về lễ tưởng niệm. Cảm ơn thành phố và cả nước đã quan tâm an ủi chúng tôi. Và mong sau tưởng niệm, mỗi người - với trách nhiệm và khả năng của mình - cùng góp sức để dịch bệnh lui bước, không ai còn phải ra đi oan uổng nữa. Đó mới là điều quan trọng hơn cả.
* Anh Nguyễn Thanh Hùng: Trẻ em cần được sống an lành hơn
Gia đình tôi mất bốn người trong đại dịch: cha mẹ tôi và hai vợ chồng em gái. Tôi đã hơn 40 tuổi, nhận tro cốt cha lẫn mẹ trong vòng một tuần đến giờ vẫn rất khó diễn tả cảm xúc của lòng mình. Cháu tôi, 14 tuổi, cũng mất cha mẹ trong một tuần và mất thêm ông bà ngoại nữa.
Tôi cảm ơn các cấp chính quyền đã đến nhà chia buồn, nay lại tổ chức tưởng niệm cho những người đã khuất.
Thêm một lời an ủi để nỗi đau được một lần nữa xoa dịu. Điều tôi mong hơn là những đứa trẻ bỗng chốc phải mồ côi như cháu tôi sẽ được lớn lên an lành hơn, bớt thiệt thòi hơn. Cuộc đời của các con còn dài lắm và còn phải được sự trợ giúp của rất nhiều người.
* Anh Nguyễn Văn Dũng (Phú Nhuận): Giảm thiểu những mất mát
Trong sâu thẳm của tiềm thức tôi luôn ám ảnh về sự "bất lực", tôi đã không thể về nhà để chăm sóc ba má bị bệnh trong những ngày giãn cách toàn diện.
Khoảng cách mươi cây số, mỗi ngày tôi chỉ có thể gọi điện về cho người thân để hỏi thăm diễn tiến bệnh tình của ba má, mỗi cuộc gọi là một cung bậc của cảm xúc, thấp thỏm, lo lắng.
Ba đã phải xa chúng tôi về với ông bà, tôi nhận được tin báo trong sự hối tiếc tột độ. Rồi vài ngày sau khi tiếp tục nhận thêm tin má đã "đoàn tụ" cùng ba, tôi bị "đứng hình" không còn cảm xúc!
Những gia đình có hoàn cảnh như tôi không ít. Đau xót lắm nhưng tôi vẫn động viên người thân cố gắng tự chăm sóc bản thân.
Điều tôi mong muốn là các cơ quan hãy luôn đưa ra các thông tin cùng các giải pháp phòng chống dịch thật khoa học để người dân có thể tự biết cách thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu những mất mát!
* Chị Nguyễn Thị Thanh Trinh (Q.11): Đại dịch chưa qua!
Chị tôi mất trong đỉnh dịch cuối tháng 8. Xung quanh tôi, nhiều người cũng mất người thân ở đợt dịch này. Không được chăm sóc, không được nhìn người thân phút cuối, không được tổ chức tang lễ đúng nghi thức phong tục, đó là những tổn thất không dễ bù đắp... Tôi biết nỗi đau rồi sẽ phải bước qua, cuộc sống rồi sẽ phải đi tới.
Lễ tưởng niệm như một lời nhắc nhở mỗi người, khắc sâu vào ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng của mỗi cá nhân, vào tính toán khoa học và lựa chọn quyết sách của chính quyền để nỗi đau không lặp lại.
Đại dịch chưa qua, nguy cơ vẫn còn ở khắp các tỉnh thành. Lễ tưởng niệm hôm nay là học bài học của ngày hôm qua để sống tiếp ngày mai an toàn hơn.
Lễ tưởng niệm những vong linh đã mất do dịch bệnh sẽ giải tỏa được một phần tâm lý xã hội trĩu nặng lâu nay vì mất mát bất ngờ và lễ tang theo phong tục không được vẹn tròn. Lễ tưởng niệm là một sự nhắc nhớ về đợt dịch khủng khiếp đã diễn ra và những bài học cần rút ra trong quản lý xã hội để hạn chế tối đa mất mát.
Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận