Lý lịch ghi ông sinh ngày 1-1-1930, tức là như bao nhiêu con người trong quân ngũ thời ấy, phải lấy ngày đầu năm làm ngày sinh tháng đẻ của mình.
![]() |
Tướng Vị (trái) trò chuyện với cựu binh Mỹ mấy chục năm sau chiến tranh - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ký ức nghèo
Bên dòng Hàm Luông, tướng Vị ngồi lặng im, suy tư về ký ức ấu thơ: “Má tôi nói bà sinh tôi ra khi mưa dầm lụt lội và nuôi tôi lớn lên trong một cái chòi rách nát, đói ăn, đói mặc quanh năm. Cái xã tôi ở là xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Xưa nó nghèo tới mức được mệnh danh như một xã “ăn trộm trâu”, hoặc không ăn trộm thì cũng chứa chấp trâu ăn trộm về. Trâu ấy là trâu của địa chủ”.
Toàn xã có hai lớp học, ông học hết hai lớp đó với sáu ông thầy. Học lớp trên, ông giúp thầy dạy lại lớp dưới, thỉnh thoảng cai quản lớp thay cho thầy giáo. Thông minh, tháo vát cỡ nào cũng đâu thoát khỏi kiếp đời ở đợ chăn trâu. Nhà ông đông anh em lắm bởi má ông cứ sinh năm một. Ông thứ tám rồi tới phiên người con trai út, mẹ ông kiệt sức phải cho đi ở nhà thương. Đó là người em lưu lạc mà suốt gần 80 năm qua tướng Vị chưa hề gặp. Ông ngẫm chắc em ông cũng đã 74 hay 75 tuổi gì đó. Ông khóc khi kể về cái chết năm 49 tuổi của mẹ mình: “Ngày má tôi chết, chỉ kiếm được mấy tấm ván dài một thước năm. Má tôi cao tới một thước bảy nên khi liệm phải đặt chân bà cong lên. Nhà không có miếng vải the, chỉ đắp mặt má bằng một tờ giấy quyến...”.
Rồi đứa con quê nghèo đi kháng chiến. 29 năm chiến trường, để thành vị tướng Tám Vị tham gia không biết bao nhiêu chiến trận. Cuộc đời đẩy đưa ông trở thành người cầm binh lúc nào không hay nữa.
Giữa “hang hùm”
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị sinh năm 1930. Tham gia cách mạng từ năm 1946. Vào Đảng năm 1949. Năm 1954 ở lại làm cán bộ giao - bảo (giao liên - bảo vệ) cho huyện Ba Tri. Bị bắt giam từ năm 1956-1959 ở các nhà tù Bến Tre, Pleiku, Quy Nhơn, Phú Lợi. Năm 1960, trở lại đơn vị vũ trang với chức tiểu đội trưởng Bạch binh tuyên truyền. Tham gia phong trào Đồng khởi. Ông từng là quyền sư đoàn trưởng, phó tham mưu trưởng Quân khu 8 và chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre. Ông được phong quân hàm thiếu tướng ngày 21-12-1985. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ nhận xét: “Nguyễn Hữu Vị là vị tướng uy tín, nổi tiếng trên nhiều chiến công, trong đó có việc chỉ huy đánh bại chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ”. |
Một trong những trận nổi tiếng “rợn người” của ông Tám Vị là trận một mình xông vào đồn Long Mỹ (Giồng Trôm) thuyết phục cảnh sát và xã trưởng đầu hàng. Đó là trận đánh ngày 23-9-1960. Ông nắm một trung đội với vũ khí ít ỏi bao vây đồn. Phía trong có 36 lính và một thiếu úy cảnh sát dữ dằn tên Thanh.
Vận động gia đình binh sĩ vào kêu gọi đầu hàng, cảnh sát Thanh đòi “bắn bỏ” bất cứ ai nghe lời “kích động” của Việt cộng. Tình thế căng thẳng, ông Lê Minh Đào, tỉnh đội trưởng, chỉ huy mặt trận, gọi Tám Vị lên và bảo: “Anh vào vận động cảnh sát Thanh đầu hàng!”. Phía ta bắc loa phóng thanh báo tin sẽ cử người vào thương lượng. Tám Vị nhớ lại thời khắc đó: “Tôi mặc áo cụt tay, quần đùi, đi tay không. Anh Ba Đào cử một người lính tên Hùng Chín mang súng tiểu liên theo bảo vệ. Tôi quay lại nói với Hùng Chín: “Em quay về đi, cây súng này làm sao bảo vệ được anh trong đồn. Em phải sống bởi còn ba má em nữa, nếu có hi sinh chỉ mình anh thôi!”.
Tới cửa đồn, mũi súng chĩa vô đầu gối tôi lạnh toát. Lính quát: “Đi đâu!”. Tôi đáp: “Bộ anh không nghe loa phía bên ngoài cử người vô gặp cảnh sát Thanh thương lượng à?”. Người lính dẹp súng, tôi đi thẳng vô phía trong phòng. Cảnh sát Thanh bước tới đưa tay bắt. Tôi không bắt tay, Thanh rụt tay lại e ngại hỏi: “Ông vô đây với mục đích gì?”. Tôi đáp: “Tôi được lệnh của chỉ huy vô đây mời ông đưa anh em ra hàng để tránh đổ máu vô ích cho 36 gia đình. Vì tình nghĩa đồng bào, tôi mong ông xử lý đúng đắn nhất”.
Thanh làm thinh một hồi rồi hứa tới sáng sẽ đưa người ra. Tôi không đồng ý, bảo phải ra liền. Thanh phân bua: “Bây giờ trời tối, lộn xộn tôi không kiểm soát được. Ông cứ chờ tới sáng!”. Đang giằng co một hồi thì có tiếng loa của anh Ba Đào vọng vô cho hay sẽ cử tiếp một người mang thư cho tôi. Bức thư nhỏ như lòng bàn tay ghi mấy chữ: “Nếu nó đã hứa ra thì đồng ý đi, ép nó cùng đường sẽ giết mình”.
Tôi làm bộ suy nghĩ tí rồi gật đầu: “Thôi, sáng ông ra cũng được, nhưng đã hứa thì giữ lấy lời để cứu nhiều sinh mạng đồng bào”. Cảnh sát Thanh cho người mang ra một thùng đạn bảo: “Gửi anh Tám làm tin”. Tôi thấy thùng đạn phát thèm nhưng phải làm bộ lịch sự cảm ơn mà rằng: “Ở bên ngoài tôi có nhiều lắm, đủ sức đánh ông tới bại trận”. Hai người đại diện tiễn tôi ra cửa, tôi bắt tay chào họ: “Mong các anh giải quyết trong hòa bình để chồng vợ đừng phải xa nhau!”. Tôi bước đi mà biết hàng chục họng súng chĩa vô gáy mình.
Tối đó cho người canh các ngả và bắt được người lính đưa thư cầu viện lên quận. Chúng tôi phát loa đọc bức thư cho cảnh sát Thanh nghe. 3g sáng, ta dùng trung liên, súng phóng lựu đánh liên tục vào đồn. Hừng đông, một lá cờ trắng bung lên. Cảnh sát Thanh chịu hàng. Tôi yêu cầu họ cởi bỏ quân phục, chỉ mặc quần cụt, ở trần, đưa hai tay lên đầu ra khỏi đồn. Vừa tới nơi cảnh sát Thanh đề nghị cho gặp “anh Tám hồi hôm”.
Tôi bước ra nói: “Tôi kêu anh ra mà anh không chịu ra, quận trưởng còn chết làm sao cứu anh được”. Tôi bàn với anh Ba Đào tìm cách sử dụng con người này cho mục đích cách mạng. Tôi gọi riêng anh ta nói thẳng: “Anh Thanh à, tôi biết anh dữ chứ không hiền, nhưng tôi muốn anh quay về hợp tác với sự nghiệp của nhân dân, cầm tù anh dưới những cánh rừng kia thì có lợi gì cho sự nghiệp cách mạng đâu”. Ông ta xúc động ghi vào tờ cam kết rồi trở ra ngoài. Trận đó 36 gia đình được bình an. Cảnh sát Thanh cộng tác với ta về tin tức rồi chết trận một thời gian sau đó...”.
Tám Vị dừng lời kể, có lẽ ông nhớ giây phút mà phía sau lưng những họng súng đang ghim vào, lạnh băng. Năm đó ông tròn 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm trung đội trưởng!
______________
Những “cựu thù” thừa nhận “ông thắng là phải”, còn tướng Vị lại có những day dứt riêng của lòng mình.
Kỳ tới: Những hội ngộ bất ngờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận