08/11/2017 22:35 GMT+7

Tương lai của toàn cầu hóa vẫn còn đầy hấp dẫn

Q. TRUNG
Q. TRUNG

TTO - "Tương lai của toàn cầu hóa" là chủ để phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam (CEO Summit), khai mạc chiều 8-11 tại TP Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

Tương lai của toàn cầu hóa vẫn còn đầy hấp dẫn - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc thảo luận Tương lai của toàn cầu hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Việt Nam khai mạc chiều 8-11 - Ảnh: THUẬN THẮNG

Đây là phiên đối thoại cởi mở về chủ đề những thách thức từ toàn cầu hóa mà các quốc gia và doanh nghiệp đang đối mặt dưới sự chủ trì của nhà báo kỳ cựu Andrew Stevens, Tổng biên tập Khu vực châu Á - Thái Bình của đài CNN.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận bao gồm: ông Ian Bremmer - Chủ tịch hãng tư vấn quốc tế Eurasia Group; ông Robert E. Moritz - Chủ tịch toàn cầu của PwC; ông Philipp Rosler - Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Ian Bremmer nhận định xu hướng toàn cầu hóa sẽ tiếp tục dù nó đang bị tách rời khỏi mong muốn của người dân bình thường. Ví dụ, người dân ở châu Âu bất mãn với Liên minh châu Âu (EU) trong khi Mỹ thì "chán ngán" với các hiệp định thương mại tự do đa phương.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chính sách 'Nước Mỹ trên hết' nhưng khó có thể rút khỏi xu hướng toàn cầu hóa vì các hợp đồng kinh doanh vẫn phải được ký kết và thực hiện"

Nhà báo kỳ cựu Andrew Stevens

Trong khi đó, ông Philipp Rosler cho rằng xu thế chủ nghĩa dân túy có thể dừng lại vì nhiều người lo ngại toàn cầu hóa sẽ làm mất việc làm nhưng thật ra nó tạo nhiều việc làm hơn. Ông Rosler đưa ra ví dụ về hiệp định thương mại tự do giữa Úc và EU, nhiều nghiên cứu chỉ ra nó mang lại lợi ích cho EU.

Ông Rosler nói từ góc nhìn của một chính trị gia (ông từng là Phó Thủ tướng Đức), để người dân, cử tri nhận thấy rõ những lợi ích do toàn cầu hóa mang lại, chính trị gia phải dùng những từ đơn giản nhất có thể, ví dụ thay vì nói từ chuyên môn "thuận lợi hóa thương mại" thì có thể nói "đây là những lợi ích người dân có thể nhận được từ tự do thương mại".

Bà Kwakwa khẳng định toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và khu vực Đông Á đang làm rất tốt thông qua thúc đẩy thương mại tự do. Bà Kwakwa cho biết thương mại tự do sẽ có hai mặt: sẽ có người có lợi, và người có hại và thách thức chính là củng cố hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. 

"Chúng ta phải đảm bảo toàn cầu hóa phải mang tính bao trùm hơn. Rút khỏi toàn cầu hóa không phải là sự lựa chọn", bà Kwakwa thẳng thắn.

Trong khi đó, ông Robert E. Moritz thì cho rằng toàn cầu hóa quan trọng vì nó tạo cơ hội để cho các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp cận với khách hàng ở tất cả mọi nơi trên thế giới. "Ví dụ trong top 10 quốc gia mà các CEO đầu tư vào có Việt Nam và Malaysia", ông Robert nêu đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ quay trở lại TPP vì những lợi ích mà tự do hóa thương mại mang lại.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Thành viên Hội đồng cố vấn kinh doanh APEC, cho biết tự do hóa thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp một cản trở lớn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người không thích toàn cầu hóa và quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

"Ông Trump rút khỏi TPP vì cho rằng hiệp định này cướp mất việc làm của người Mỹ. Đó là một quyết định chưa thấu đáo. Ví dụ, TPP sẽ giúp hàng hóa nhập vào nước Mỹ rẻ hơn, người dân hưởng lợi hơn, dư tiền, và tạo ra công ăn việc làm khác. Bản chất tự do hóa thương mại thì ai có mặt hàng cạnh tranh thì người đó sản xuất, ví dụ như Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, Mỹ và Úc giỏi về thịt bò, dẫn đến giá thành rẻ, và người dân được hưởng", vị doanh nhân Việt Nam phân tích.


Q. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên