Phóng to |
Trong buổi giao lưu trực tuyến “Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết” được tổ chức tại Tuổi Trẻ ngày 3-11, bạn đọc Nguyễn Hoàng Hiệp thắc mắc: “Năm nào cũng có bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong. Chẳng lẽ cơ quan chức năng và bác sĩ điều trị không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này?”.
Gần 10.000 bệnh nhân nhập viện
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trả lời bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở các nước vùng nhiệt đới, do muỗi trung gian truyền bệnh là Aedes agypti, sống trong nhà và quanh các vũng nước đọng, nước trong. Hiện bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và nhiều nhất là vào mùa mưa. Diệt muỗi tuy được tiến hành quyết liệt nhưng không thể diệt hẳn loài muỗi này ở xứ nhiệt đới. Do đó, hằng năm đến mùa mưa muỗi sinh sản nhiều, số người mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Vấn đề là kiềm chế số ca mắc chứ không thể triệt tiêu bệnh tuyệt đối.
Bên cạnh đó, bác sĩ Siêu cũng cho biết thêm năm nay số ca mắc sốt xuất huyết chỉ bằng một nửa năm ngoái. Tính từ đầu năm đến ngày 31-10, TP.HCM có 9.832 ca nhập viện, 10 ca tử vong. So với hằng năm thì số ca tử vong không thay đổi nhiều, chỉ trừ năm 2010 có hai ca tử vong. Năm nay những quận huyện có số ca mắc tương đối cao là quận 6, 7, 8, Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú... Đây là những nơi có cảnh quan môi trường tương đối phức tạp như có nhiều khoảng đất trống, đọng nước, các công trình xây dựng dở dang... Hiện lực lượng y tế dự phòng TP đã phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng tại các quận trên.
“Nguyên nhân gây tử vong ở 10 ca sốt xuất huyết tại TP.HCM vừa qua?” - bạn đọc Hữu Hưng, 45 tuổi, thắc mắc. ThS.BS Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trả lời: Nguyên nhân gây tử vong ở 10 ca sốt xuất huyết tại TP vừa qua do bệnh rất nặng, tổn thương đa cơ quan: suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, hôn mê do tổn thương não, xuất huyết nhiều nơi, sốc kéo dài.
Bệnh có ba giai đoạn
Bác sĩ Trần Thị Thúy, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở tất cả lứa tuổi. Đối với trẻ, lứa tuổi thường gặp nhất là 5-15 tuổi. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh sẽ dễ trở nặng vì triệu chứng ít điển hình, thường dễ nhầm với các bệnh khác như viêm họng, rối loạn tiêu hóa... và việc theo dõi cũng khó hơn trẻ lớn. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là sốt liên tục, đột ngột, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, biếng chơi. Có thể ói, đau bụng, ói ra máu và nổi những chấm xuất huyết ngoài da.
Về diễn tiến của bệnh, theo bác sĩ Thúy, có ba giai đoạn. Sốt là giai đoạn virut phát tán trong máu. Bệnh nhân thường sốt đột ngột, sốt rất cao, sốt liên tục, giai đoạn này kéo dài 3-4 ngày. Giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Trong giai đoạn này có hiện tượng thất thoát huyết tương từ lòng mạch máu ra khoang thứ ba là màng bụng, màng phổi, màng tim gây cô đặc máu và trụy tim mạch, có thể đưa đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó còn có hiện tượng xuất huyết (chảy máu) nhiều nơi. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết nặng, có thể có xuất huyết phổi, xuất huyết não. Ngoài hiện tượng thất thoát huyết tương, xuất huyết, có thể gặp biến chứng tổn thương nhiều cơ quan như tổn thương gan, thận, phổi, não là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sốt xuất huyết nặng.
Cuối cùng giai đoạn phục hồi thường từ sau ngày thứ 6 trở đi.
Nên và không nên ăn gì khi bị sốt xuất huyết? Đây là câu hỏi được nhiều bạn đọc gửi đến buổi giao lưu trực tuyến. ThS.BS Nguyễn Văn Hảo cho rằng khi bị bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân thường có biểu hiện chán ăn và mệt mỏi. Bệnh nhân nên uống nước nhiều. Ăn những thức ăn dễ tiêu, có nhiều calo giúp bệnh nhân mau hồi phục. Đặc biệt ở trẻ nên uống sữa, nước có đường để đề phòng hạ đường huyết. Nên tránh những thức ăn có thể gây hiểu lầm là bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa (như tiết canh, huyết...). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận