TTO - Tuổi 16 hoa mộng. 16 êm đềm. Nhưng cũng có tuổi 16 bước mạnh mẽ cho nguyện ước lớn lao... Ước mơ ấy, Penny đang mạnh mẽ thực hiện, bắt đầu từ Project See Again. Mỗi ngày.

Cố cưỡng lại sức cám dỗ của chăn ấm, nệm êm và biếng lười ngày chủ chật, Penny (Phạm Thiên Tâm - lớp 11 Trường quốc tế Nam Sài Gòn) dậy từ lúc đồng hồ chỉ 4h30 sáng.

Chúng tôi là Project See Again - chương trình mổ mắt miễn phí - Video: PROJECT SEE AGAIN

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 2.

Khi ô cửa sổ với tầm nhìn trên cao tuyệt đẹp đón ánh bình minh đầu tiên, Thiên Tâm đã cùng mẹ ra khỏi nhà. Cô hẹn với bạn...

Thiên Tâm không đi dã ngoại.

Bệnh viện Nguyễn Trãi, tờ mờ sáng đã đông đúc bệnh nhân xếp hàng tại hành lang khoa Mắt làm thủ tục, đo huyết áp, thử máu.

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 3.

Lướt qua hàng bệnh nhân, Penny đến bên một cụ bà đang lần dò với hồ sơ khám bệnh: "Chào bà. Con là Tâm…". Cô bẻ viên thuốc, rót chén nước: "Bà uống thuốc rồi đi ăn sáng, xong quay về đây chờ. Đến lượt mổ sẽ được gọi tên…".

Thật ra, Thiên Tâm sẽ thoải mái hơn nếu được nói "Good morning. My name is Penny. May I help you?...". Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của cô ở trường, ở nhà và Penny là cái tên mà bố cô đặt cho con gái với một gửi gắm đặc biệt.

Những ngày chủ nhật, Penny cùng mẹ, cùng bạn bè chạy đi chạy lại trong bệnh viện, có lúc toát mồ hôi chỉ vì chưa nghe kịp, chưa hiểu được những câu hỏi của người bệnh, đa số là những người già với tiếng địa phương đặc sệt.

Để đến được với ca phẫu thuật thay thủy tinh thể này, họ đã chịu đựng nhiều năm khó khăn trong cuộc sống với ánh mắt mờ nhòa.

Hầu như không ai biết rằng các cô cậu bé tình nguyện viên mới 15-16 tuổi vừa lăng xăng vừa tận tụy hôm nay lại chính là nhà tài trợ cho ca mổ.

Dự án See Again (Lại nhìn thấy - PV) của Penny đã hoạt động đến năm thứ hai.

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 4.

Penny Phạm Thiên Tâm - từ tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất đến nhà tài trợ “nhí” nhất của chương trình mổ mắt miễn phí - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 5.

"Từ năm học lớp 9, em theo mẹ đến chương trình mổ mắt miễn phí của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM để làm tình nguyện viên. Hoạt động xã hội là truyền thống gia đình, và bản thân em muốn thử xem mình có thích hợp với ngành y hay không.

Tiếp xúc với người bệnh, theo dõi ca phẫu thuật, chứng kiến niềm vui của bệnh nhân khi mở băng, thấy lại được sắc màu rực rỡ… em rất hạnh phúc", Penny kể.

"Biết còn nhiều người bệnh đang phải đối mặt với nguy cơ mù vĩnh viễn, thấy chương trình buộc phải từ chối nhiều người vì không đủ kinh phí, sự thất vọng của người bệnh và cả các y bác sĩ, em nghĩ mình cần đóng góp thêm nữa… ".

Đã biết Penny từ nhiều năm, trong vai một cô bé con thường theo cha mẹ đến Thư viện sách nói, trao tặng các bạn học sinh khiếm thị 1-2 suất học bổng từ tiền lì xì của mình, tôi vẫn phải ngạc nhiên trước sự trưởng thành của cô.

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 6.

Tuổi 15, Penny lập dự án đầu tiên, đặt tên "Project See Again", và làm toán. 700.000 đồng là chi phí căn bản của một ca phẫu thuật thay thủy tinh thể. Ước lượng tất cả tiền để dành của mình, tất cả tiền có thể quyên góp từ cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, Penny rụt rè đề ra mức 500 ca mổ trong năm 2018.

Nói với bố, ông Phạm Đức Trung Kiên - nhà tài trợ đã đồng hành suốt 20 năm với những sinh viên mù, và cô bé được khuyến khích: "Tại sao chỉ 500? Sao không là 1.000? Hãy thử xem".

Penny ngồi viết thư bằng hai thứ tiếng Anh - Việt vào ngày nghỉ dương lịch như vẫn thường viết ước mơ và kế hoạch đầu năm, gửi đến tất cả những người thân trong gia đình, những bạn bè trong nước, ngoài nước:

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 7.
Tuổi 16 của Penny - Ảnh 8.

Thư gửi đi rồi, thời hạn và kế hoạch của dự án đã được xác lập, Penny có những ngày sống trong lo lắng. Nhưng lo lắng thì không bằng hành động.

Trường học cho phép học sinh tự lập nhóm hoạt động của riêng mình.

Penny đến lớp rủ vài người bạn thân, thông báo dự án và mau chóng nhận được sự ủng hộ của các bạn lớp trên, lớp dưới. Nhóm hoạt động phân công rõ ràng: người quản lý dự án, người giữ quỹ, quản lý mạng xã hội, lo hình ảnh...

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 9.


Chủ nhật đến bệnh viện làm tình nguyện. Ngày hội ở trường, cả nhóm tập trung ở nhà Penny và cặm cụi pha chế slime, làm thiệp, mang vào trường tham gia hội chợ.

Vừa bán hàng, vừa giới thiệu: "Tiền bán được sẽ biến thành ánh sáng cho một ai đó đang chờ đợi ngoài kia".

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 10.

Project See Again có được thêm nhiều sự ủng hộ của các bạn, các thầy cô, phụ huynh.

Trang facebook Project See Again reo vui thông báo con số bệnh nhân được phẫu thuật tăng đều mỗi tuần.

Cuối 2018, tổng số 2.200 ca phẫu thuật. Niềm hạnh phúc được Penny diễn tả bằng kế hoạch 2019: phấn đấu lên 3.000 ca và suy tư thật người lớn: "Con số 3.000 nhất định sẽ đạt được. Việc khó khăn hơn là phải duy trì dự án. Hết trung học em sẽ ra trường, sẽ đi học xa. Khuyến khích các em nhỏ hơn mình tham gia và tiếp quản dự án mới thật sự là mục tiêu phấn đấu...".

Ước mơ của Penny là trở thành một bác sĩ nhãn khoa, tìm ra được phương cách điều trị cho những bệnh hiếm gặp đã khiến nhiều người mất đi ánh sáng và màu sắc của cuộc đời.

Penny không nói ra, mẹ em cũng không nói, nhưng tôi biết ước mơ ấy mãnh liệt. Mãnh liệt vì đã được nuôi dưỡng suốt nhiều năm em theo bố mẹ tham gia những chương trình của Thư viện sách nói Hướng Dương.

Mãnh liệt vì đã được hun đúc suốt những ngày tháng em chứng kiến chính bố mình từng ngày mất đi ánh sáng, từng ngày phải học cách sống chung với bóng tối vì một căn bệnh mà cả thế giới chưa có cách điều trị.

Ước mơ ấy, Penny đang mạnh mẽ thực hiện, bắt đầu từ Project See Again. Mỗi ngày.

Năm nay, Penny 16 tuổi.

Tuổi 16 của Penny - Ảnh 11.
Tuổi 16 của Penny - Ảnh 12.

PHẠM VŨ
TỰ TRUNG - PROJECT SEE AGAIN
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên