24/10/2004 05:22 GMT+7

Chỉ có giới hạn là bầu trời

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTCN - Có một câu chuyện nhỏ ghi lại được trong buổi trao học bổng của hội Diễn đàn Việt (VFF) cho các sinh viên khiếm thị TP.HCM tại Thư viện sách nói sáng 15-10-2004.

LPPV4reO.jpgPhóng to
Trung Kiên (thứ ba từ trái) và các sinh viên khiếm thị trong lễ trao học bổng của VFF

Lê Văn Bảnh là một tấm gương nổi bật, đã tốt nghiệp đại học, tự mở được một cơ sở xoa bóp, cung cấp việc làm cho 15 người khiếm thị khác và bắt đầu dành học bổng cho các lớp sinh viên đi sau.

Tại buổi trao học bổng, Bảnh khiêm tốn phát biểu: “Việc làm của em chỉ nhỏ như hạt cát”, nhưng giám đốc Quĩ Giáo dục VN (VEF - VietNam Education Foundation) Phạm Đức Trung Kiên đã tiếp lời ngay: “Việc làm của mỗi chúng ta đúng là chỉ nhỏ như hạt cát. Nhưng nếu hạt cát ấy chui được vào trong lòng một con trai thì sự cọ xát sẽ biến nó thành ngọc...”.

Sự tự tin và lạc quan ấy toát lên trong mỗi lời nói, cử chỉ của Trung Kiên. Điều ấy cũng là tự nhiên vì anh được xem là người thành đạt trên đất Mỹ. Hiện trên cương vị giám đốc điều hành VEF, anh đang dốc hết sức để tạo ra những cơ hội thành tài và thành đạt cho các sinh viên giỏi ở VN. Nhưng điều bất ngờ là ở Mỹ anh bị coi như một người khiếm thị với căn bệnh góc nhìn hẹp (narrow vision): các tế bào võng mạc cứ mất dần, không chữa trị được. Trung Kiên cười rất tươi giải thích thêm: “Hiện giờ góc nhìn của tôi là 15’, giống như nhìn đời qua một cái ống vậy. Thế là không được ngắm nếu có cô gái đẹp nào ngồi cạnh...”.

JlwVPx7E.jpgPhóng to
Anh Trung Kiên

VEF cung cấp học bổng sau đại học cho các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ như: nông nghiệp, sinh học, công nghệ sinh học, tin học, toán, vật lý, hóa học, chế tạo máy...

Các thí sinh đăng ký trực tiếp qua Internet (http://www.vef.gov), thi kiến thức chuyên môn do Tổ chức (ETS) Educatinonal Testing Service ra đề và chấm điểm, phỏng vấn sát hạch với hai giáo sư tiến sĩ người Mỹ được Viện Hàn lâm Hoa Kỳ chỉ định.

Hiện tại, danh sách hội đồng quản trị VEF có các tên tuổi như các thượng nghị sĩ John Kerry, John McCain, Ngoại trưởng Colin Powell... Đã có hai đợt gồm 102 nghiên cứu sinh VN đến Mỹ học tập. Đợt 3 đã chọn được 62 người và sẽ nhập học vào năm học 2005.

Giới hạn là bầu trời

Hồi còn học phổ thông, Trung Kiên là một trong những học sinh giỏi nhất của Trường Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) nhưng Kiên không được vào đại học. Thế rồi làn sóng di tản sang Mỹ lúc bấy giờ đã kéo theo cả gia đình Kiên. Theo cha mẹ lênh đênh suốt bốn tháng trên biển, thêm sáu tháng nữa lên rừng chặt củi ở trại di dân, tuổi 19 của Kiên đã biết rút ra những bài học lớn có giá trị trong suốt cuộc đời: giáo dục là chìa khóa của thành công và những sự giúp đỡ đúng lúc có thể làm thay đổi cả số phận.

Kiên kể rằng anh đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tận tình và không vụ lợi trong những ngày đầu tiên đầy khó khăn khi đến Mỹ. Có người đã làm tất cả thủ tục bảo lãnh khi chưa biết mặt, có người mang đến cho bộ quần áo lạnh, có người cứ 6 giờ sáng đã lái xe trong tuyết dày đến chở anh đi học...

“Tôi biết rằng mình không được giữ sự biết ơn ấy ở trong lòng mà phải trả nó cho những người khác, bằng những sự giúp đỡ cho người khác”. Thế nên trong kỳ nghỉ hè khi đang học cao học về quản trị và ngoại thương ở Đại học Stanford, Kiên đã bỏ qua những lời mời thực tập ở các công ty lớn với mức lương hấp dẫn 1.000 USD/tuần để theo đoàn tình nguyện viên đến một trại của người Việt di tản ở Thái Lan. Ba tháng làm việc tại đây không mang lại tiền bạc nhưng đã ghi một dấu son vào hoạt động xã hội của Kiên, tạo cho anh những mối quan hệ và cơ hội rất lớn sau này.

Con đường của Phạm Đức Trung Kiên trên đất Mỹ không ít khó khăn nhưng cũng nhiều may mắn. “Tôi đã gặp được những may mắn ấy nhờ những điểm số cao trong học tập, và cũng nhờ chẳng có khả năng nghiêng ngó ngang dọc nữa” - anh cười, đôi mắt tinh nghịch lóe sáng sau cặp kính cận.

Từ việc làm đầu tiên tìm được với mức lương 3 USD/giờ đủ để nuôi sống bản thân, từ căn bệnh “nhìn qua cái ống” kỳ lạ được phát hiện vào tuổi 20 với lời khuyên không nên đọc sách, anh đã giành được vị trí hiếm hoi trong chương trình đào tạo doanh nhân của Tập đoàn P&G, cả chương trình đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính phủ. Đến với những sinh viên khiếm thị ở VN, trước những giãi bày về nỗi thiệt thòi, đôi lúc mặc cảm, Kiên nhất mực khẳng định: “Phía trước chúng ta chỉ có một giới hạn là bầu trời”.

“Tôi hoàn toàn là một thương gia...”

Trung Kiên lặp đi lặp lại câu ấy trong suốt câu chuyện dù chúng tôi chỉ gặp anh trong buổi lễ trao học bổng VFF cho sinh viên khiếm thị, theo dõi anh gọi điện thoại liên tục ra văn phòng của VEF để hỏi thông tin về các nghiên cứu sinh VN sắp sang Mỹ học tập, hoàn toàn không có bóng dáng các hợp đồng mua bán. Cách đây vài năm Kiên cũng có một doanh nghiệp riêng ở Mỹ và làm ăn phát đạt nhưng anh lại rẽ ngang sang giáo dục. “Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi cho rằng giáo dục là một biện pháp đầu tư hiệu quả và bền vững nhất”.

Bảy năm trước, lần đầu tiên anh gặp Hướng Dương thông qua một sự giới thiệu khi cô đang kỳ cạch đọc và thu từng cuộn băng sách nói bằng dàn máy cassette. “Anh sẽ giúp em cách nào đây?” - Kiên hỏi. Hướng Dương rất khiêm tốn: “Em chỉ cần băng, thật nhiều băng”. Kiên lắc đầu: “Không được, như thế vụn vặt lắm, cách làm ấy không hiệu quả. Anh sẽ giúp em những tác động để mọi việc luân chuyển”. Những đầu tư đầu tiên của VFF vào chương trình cộng tác với Thư viện sách nói đến nay đã thu được lợi nhuận.

Từ những học bổng đại học, nay Lê Thị Tuyết đã là một nhân viên được đánh giá cao trong một công ty bảo hiểm của Pháp, tiền lương được cô chia sẻ để lập những học bổng nhỏ cho các em học sinh khiếm thị và cả học sinh sáng mắt khác; Lê Văn Bảnh đã là một ông chủ nhỏ cung cấp việc làm cho các bạn đồng cảnh ngộ; Nguyễn Văn Thế đã là một sinh viên cao học; hàng chục học sinh khiếm thị khác đã chọn khoa giáo dục đặc biệt của trường sư phạm để có thể phát huy hết khả năng của mình, chuyền tay nguồn đầu tư cho những người đi sau.

Cam kết tiếp tục chu cấp toàn bộ tiền học, tài liệu, chi phí đi lại cho các sinh viên khiếm thị, Kiên xúc động nói: “Sự nỗ lực của các em đã cho chúng tôi cơ hội được sử dụng một cách hiệu quả nhất những đồng tiền từ mồ hôi của mình. Lợi nhuận chính là sự thành công của các em và sự giúp đỡ mà các em sẽ tiếp tục mang đến cho người khác”.

Quĩ học bổng của VFF được thành lập từ năm 1992 do Kiên và một số bạn bè, họ hàng của anh mỗi năm cung cấp khoảng 100 suất học bổng đại học cho các sinh viên nghèo tại VN. “Qui mô hoạt động của VFF nhỏ, mang tính gia đình. Gom được tiền nhiều thì hoạt động nhiều, ít hoạt động ít. Về VN, ai giới thiệu đến đâu thì chúng tôi đến đó cấp học bổng, rồi lại được lôi kéo đến trợ giúp các trại trẻ mồ côi, xây trường tiểu học ở vùng lũ...”.

Con người thương gia trong Trung Kiên đã tìm cách tổ chức đầu tư cho giáo dục qui mô hơn, tầm vóc hơn: học bổng VEF dành cho các sinh viên cao học và nghiên cứu sinh VN của Chính phủ Mỹ. Những sinh viên, giảng viên đại học xuất sắc nhất trong các ngành khoa học công nghệ sẽ được chọn lọc và thi tuyển, được giới thiệu đến những đại học lừng danh nhất nước Mỹ.

Đưa cho chúng tôi xem bảng điểm của kỳ tuyển sinh đang tiến hành, anh cứ tấm tắc mãi: “Tôi đọc báo thấy nhiều lời than phiền về chất lượng giáo dục đại học VN. Tôi không nắm rõ lắm nhưng với các em này thì tôi tin mình đã gặp được những nghiên cứu sinh thật sự giỏi. Ở đây có những em đạt tới số điểm tối đa, không thể cao hơn được nữa. Khi về nước, nhất định họ sẽ đứng vào đội ngũ tiên phong trong phát triển công nghiệp ở VN...”.

Quá trình lựa chọn nghiên cứu sinh VEF có ba đặc tính: mở, cạnh tranh và minh bạch. Các thí sinh đăng ký trực tiếp qua Internet, làm bài thi về kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ và vòng chung kết là phỏng vấn sát hạch của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. “Chắc chắn không thể có gian lận hay may mắn mà chỉ có thực tài...”.

Đợt tuyển sinh này cả hội đồng đều ngạc nhiên khi trong danh sách trúng tuyển có bốn người mới chỉ là sinh viên năm 3. “Tháng chín sang năm, sau khi tốt nghiệp đại học ở VN hai tháng, các em sẽ được theo học khóa đào tạo tiến sĩ Hoa Kỳ. Những trường hợp như vậy ở Mỹ cũng rất hiếm. Sinh viên VN giỏi quá đi chứ, đến nỗi chúng tôi chẳng có đủ kinh phí để đưa các em đi hết một lượt”.

Biểu tượng của VEF là hình một cây cầu. Kiên bảo chính anh đã thiết kế ra biểu tượng ấy với hi vọng học bổng VEF sẽ góp phần tạo sự bền chặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Và anh đi lại như con thoi giữa Washington DC và Hà Nội để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho các thạc sĩ, tiến sĩ tương lai của VEF. “Chúng tôi thông tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước để họ biết khả năng của nghiên cứu sinh. Chúng tôi cùng với Bộ Khoa học - công nghệ đang tiến hành dự án thành lập Trung tâm xác suất của VN. Chúng tôi kêu gọi xã hội hóa giáo dục để mở rộng và xây dựng những mô hình đại học mới có trình độ công nghệ cao... Nhiệm vụ của các nghiên cứu sinh nỗ lực học tập, nghiên cứu, mau chóng thành tài và trở về. Năm năm nữa...”.

Kiên say sưa phác họa ra tương lai thật tươi sáng khi mà những khoản đầu tư của VEF đã được bội số nhân thông qua các nhà khoa học thành đạt. “Trước sau tôi vẫn là một thương gia” - anh khẳng định lại một lần nữa. Và Kiên lại rút bút hí hoáy tính toán một phương án thương mại hóa những hoạt động từ thiện tại Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị.

“Không chỉ người người khiếm thị mới có nhu cầu về sách nói, cũng không hẳn người khiếm thị nào cũng nghèo để phải tặng băng sách nói miễn phí. Sách nói có thể đưa ra thị trường, có thể bán cho Việt kiều qua mạng. Có nhiều công ty khác tham gia càng tốt, giá thành sẽ hạ. Khi đó việc phục vụ miễn phí chỉ cần khuôn gọn trong việc sản xuất băng sách giáo khoa, giáo trình đại học... Tôi đang giúp Hướng Dương lập một trang web riêng để quảng bá. Làm từ thiện không nên chỉ kêu gọi tài trợ mà nên có nguồn thu để phát triển bền vững...”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên